Chuyện ở vùng biên viễn Lạng Sơn

Trong chuyến đi thực tế tại một số tỉnh phía Bắc, chúng tôi có dịp đến với Lạng Sơn, nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc. 45 năm trước, vào ngày 17/2/1979, ở vùng biên viễn 'có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh' này cũng chính là nơi mở đầu của cuộc tiến công Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Chùa Tà Lài. Ảnh: XUÂN HIẾU

Chứng tích lịch sử

Đưa chúng tôi tham quan, viếng chùa Tà Lài, một di tích tiêu biểu của xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng), nằm sát biên giới, cách TP Lạng Sơn khoảng 20km, các đồng nghiệp ở Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn cho biết: Chùa Tà Lài còn có tên gọi khác là chùa Thanh Hương hay chùa Bụt Bay được dòng họ Nguyễn Đình xây dựng từ thế kỷ XVIII, ghi danh tích Đô tổng binh sứ ty, Bắc quân Đô đốc phủ Hữu đô đốc Nguyễn Đình Lộc.

Nằm ở lưng chừng núi Phia Chàu, cửa chính của chùa quay về hướng tây nam nhìn ra cánh đồng Tà Lài. Bên kia núi Phia Chàu là biên giới, giáp với Trung Quốc.

Vì nằm sát biên giới nên chùa Bụt Bay là một trong những nơi đầu tiên quân Trung Quốc tràn sang mà theo các tăng ni, phật tử của chùa này là “đông như kiến”. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, chùa Tà Lài bị bom đạn tàn phá nặng nề không còn nơi để thờ phụng. Mãi đến năm 1988, người dân xã Tân Mỹ, khách thập phương công đức tu bổ lại chùa.

Theo nhiều người dân xứ Lạng ở tuổi U70, 80, Chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra đã phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân hai nước Việt - Trung. Vì vậy, những ngày đầu chỉ có dân quân du kích, lực lượng Công an nhân dân vũ trang và bộ đội địa phương trực tiếp đánh trả.

Mãi đến 1 tuần sau khi chiến tranh xảy ra, đến chiều tối 24/2/1979, những chuyến xe đầu tiên chở cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 mới có mặt ở vị trí tập kết tại xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng, phía bên này sông Kỳ Cùng.

Nơi hạ lưu của dòng sông chảy ngược về phương Bắc này nước sâu và chảy xiết, đôi bờ cách nhau chừng 100m. Bộ đội chưa biết vượt sông bằng cách nào để chiếm lĩnh điểm cao 649, kịp thời triển khai đội hình chiến đấu đánh chặn quân đối phương từ hướng Đồng Đăng, theo đường 1B, qua cầu Khánh Khê…

Giữa lúc mưa phùn, giá rét như cắt da, cắt thịt, pháo từ bên kia biên giới lại đang bắn như mưa vào khu vực bến đò Bó Chét, bỗng xuất hiện một bà mẹ người Tày, tay cầm cây sào đến chỗ bộ đội chuẩn bị vượt sông, nói: “Các cháu muốn qua sông để mẹ chèo đò đưa sang”.

Thấy bộ đội có vẻ ái ngại, bà bảo: “Ở bến đò này, mẹ đã chèo đò từ năm 13 tuổi, các cháu cứ yên tâm”... Vậy là suốt đêm 24 đến rạng sáng 25/2/1979, bất chấp nguy hiểm, trong vòng vây lửa đạn của đối phương, bà mẹ người Tày vẫn vững tay chèo chở bộ đội Trung đoàn 4 qua sông Kỳ Cùng để triển khai đội hình chiến đấu, chiếm lĩnh cao điểm 649 lúc 9 giờ sáng cùng ngày.

Từ cao điểm có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng này, bộ đội ta đã chiến đấu kiên cường buộc quân đối phương phải bỏ chạy, góp phần chặn đứng và bẻ gãy mũi vu hồi chiến dịch bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch tại cầu Khánh Khê, trên đường 1B.

“Mãi sau này, bộ đội ta mới biết bà mẹ người Tày ấy chính là bà Lý Thị Lởi sinh năm 1933, ở bản Chúc, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng”, nhà báo, nhà văn Vi Thị Thu Đạm, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng cho biết.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mẹ Lý Thị Lởi chở đò đưa cán bộ từ phía bờ Song Giang sang Nhạc Kỳ đánh Pháp. Đến tháng 2/1979, mẹ lại chèo đò ngược lại. Mẹ được cán bộ, chiến sĩ suy tôn là “Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng.

Chiến thắng thuộc về chính nghĩa

Sau 10 ngày tiến công không đạt mục tiêu đề ra, ngày 27/2, phía Trung Quốc huy động Quân đoàn 54 dự bị vào hỗ trợ, tiến công từ ba hướng Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, nhằm mục tiêu TX Lạng Sơn. Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 và LLVT địa phương phải dùng quyền tự vệ của mình để đánh trả quyết liệt, gây cho đối phương thiệt hại đáng kể.

Nhằm tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh đột kích, sức cơ động cao, bảo đảm chiến đấu liên tục, mở những trận phản công quy mô lớn trên mặt trận Lạng Sơn, ngày 2/3/1979, Bộ Chính trị quyết định thành lập Quân đoàn 5 thuộc Quân khu 1. Quân đoàn 5 được biên chế 4 sư đoàn bộ binh; các trung đoàn pháo binh, cao xạ, tăng thiết giáp, thông tin; Lữ đoàn Công binh và các cơ quan, đơn vị phục vụ.

Dựa vào thế quân đông, chiều 4/3, quân Trung Quốc sử dụng bộ binh có xe tăng hỗ trợ mở đợt tiến công đánh chiếm TX Lạng Sơn. Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 cùng bộ đội địa phương và các huyện chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, giữ vững địa bàn.

Cùng với các đơn vị chiến đấu ở tuyến trước, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố hậu phương. Với tinh thần “Phía trước không tiếc xương máu, phía sau không tiếc của”, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã chuyển hàng chục tấn hàng hóa ở tuyến sau lên bổ sung cho các đơn vị bộ đội chiến đấu trên tuyến đầu của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng.

Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới của ta đánh trả, bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng. Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cùng với các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, quân và dân Lạng Sơn đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các LLVT, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/349/313414/chuyen-o-vung-bien-vien-lang-son.html