Chuyện những người trở về từ 'địa ngục trần gian': (Kỳ 2): Viết tiếp bản hùng ca

Trong bóng tối lao tù, những người cộng sản kiên trung đã như những ngọn đuốc rực sáng, lan tỏa tinh thần đấu tranh, giữ vững khí tiết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trở về sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc tiếp tục tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và kiến thiết quê hương, viết tiếp bản hùng ca 'kiên trung, bất khuất'.

Các chiến sỹ cách mạng tỉnh Ninh Bình bị địch bắt tù đày thăm Nghĩa trang Trại giam Phú Quốc. Ảnh Tư liệu

Vẹn tròn khí tiết, chiến thắng trở về

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, một trong các điều khoản thi hành Hiệp định là trao trả tù binh giữa các bên. Các chiến sĩ bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn.

Là một trong những tù binh được trao trả, ông Phạm Văn Tính, thôn 7, xã Phú Sơn (huyện Nho Quan) rưng rưng nhớ lại: Sau hơn 5 năm (1967- 1973) bị giam cầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc, cuối tháng 3 năm 1973, tôi được phía địch trao trả. Tôi vẫn nhớ như in ngày chiến thắng trở về, khi địch đưa các tù binh tới bờ Nam sông Thạch Hãn, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy những lá cờ giải phóng bay phấp phới bên bờ Bắc, một cảm giác sung sướng, tự hào. Được trở về trong vòng tay đồng đội, chúng tôi ôm nhau khóc, giọt nước mắt sung sướng vì đã giữ vững khí tiết, chiến thắng trở về và khóc cho cả những đồng đội của chúng tôi đã không chờ đợi được đến ngày trở về…

Kể đến đây, giọng ông Tính chùng xuống, đôi mắt nhìn xa xăm cố kìm nén sự xúc động. Hơn 5 năm sống và chiến đấu trong nhà lao đế quốc, ông Tính cũng như những tù binh Phú Quốc nếm đủ các cực hình tra tấn, đày đọa, làm kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần. Những di chứng của ngục tù vẫn luôn hiện hữu với những thương tật trên mình và tấy đau trong thân thể của người cựu tù binh già mỗi khi trái gió, trở trời. Thế nhưng, đến ngày nay, nhắc tới Trại giam tù binh Phú Quốc, với ông Tính và các đồng đội còn là những câu chuyện về tình người, tình đồng chí.

Trong lao tù-nơi sự sống gần như bị tận diệt thì tình người, tình đồng chí luôn tỏa sáng, trở thành nguồn sức mạnh vô song, giúp các tù binh vượt qua những cực hình tàn khốc. Để có được điều này, tổ chức Đảng ở các phân khu luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đã tổ chức tốt đời sống tinh thần, vật chất cho các chiến sĩ. Đảng ủy phân công người nấu ăn, người dọn vệ sinh, người cắt tóc, có tổ y tá chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ; chỉ đạo anh em nhà bếp có chế độ ăn, uống riêng để chăm sóc những chiến sĩ biộ́m, bị địch tra tấn, đánh đập; tổ chức học văn hóa, văn nghệ... Tất cả những việc làm ấy giúp các chiến sĩ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, tin tưởng lẫn nhau, sống gắn bó, yêu thương, biết chia sẻ. Vì thế, đã giữ được phẩm chất, khí tiết.

Trong những lần bị địch tra tấn, đánh đập, mỗi người luôn sẵn sàng hy sinh vì tập thể, vì tổ chức; nhiều chiến sĩ không trực tiếp đào hầm, không đánh bọn chiêu hồi nhưng đã đứng ra nhận với địch là mình làm để chịu tra tấn, đánh đập thay cho đồng đội. "Cái chết không còn quá đáng sợ với chúng tôi nữa. Chúng tôi nương nhau mà sống, giúp đỡ, chăm sóc cho nhau và luôn thực hiện tốt phương châm "sống hiên ngang, chết quang vinh, theo Đảng đến cùng. Không được để kẻ địch coi thường và xác định chết để bảo vệ danh dự cho cá nhân, cho đồng đội, cho cách mạng"-ông Tính khẳng định.

Trong thiếu thốn mọi bề, cuộc sống luôn cận kề nguy hiểm, thậm chí không biết sống, chết khi nào, nhưng những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam giữ tù đày ở Phú Quốc vẫn luôn giữ vững khí tiết. Sự kiên trung, bất khuất trước đòn tra tấn dã man của kẻ địch; sự yêu thương, giành giật cái chết về mình, nhường phần sống cho đồng đội của những người cộng sản đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh giữa chốn địa ngục trần gian đầy bi tráng.

Tỏa sáng giữa đời thường

Trở lại với thời bình, những người lính từng bị địch bắt giam tại Nhà tù Phú Quốc tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Đồng thời, tích cực phát huy vai trò nòng cốt, tính tiên phong, gương mẫu đi đầu để tiếp tục "truyền lửa", giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Đinh Duy Điệp, Trưởng Ban Liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình cho biết: Sau ngày thoát khỏi ngục tù, nhiều cựu tù Phú Quốc đã hăng hái bước vào cuộc chiến đấu mới. Có người tiếp tục ở lại quân ngũ cùng đồng đội tiếp bước quân hành, làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Nhiều người về các cơ quan, công trường, xí nghiệp hoặc trở về quê hương, gắn bó với ruộng đồng. Và họ luôn là những người có mặt ở những nơi khó khăn để phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ Tổ quốc và hàn gắn vết thương chiến tranh. Tất cả đã phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất trong lao tù, hoàn thành tốt công việc của mình, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng trước mọi biến động về chính trị trên thế giới và thử thách của nền kinh tế thị trường; gương mẫu trong sinh hoạt, đạo đức và lối sống, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của quân đội. Đã có nhiều chiến sĩ trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội, trở thành các nhà khoa học, doanh nhân giỏi...

Nhằm phát huy truyền thống và đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của những chiến sĩ từng bị địch bắt tù đày, năm 1999, Ban Liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình được thành lập. 25 năm qua, Ban Liên lạc đã triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Ngay sau khi được thành lập, Ban Liên lạc đã đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp nhau vượt qua khó khăn. Theo đó, đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng đề nghị giải quyết chế độ, chính sách cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Tỉnh Ninh Bình hiện còn trên 200 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày qua các thời kỳ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hầu hết đã được Thủ tướng Chính phủ tặng "Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày".

Hàng năm, những cựu tù Phú Quốc tích cực phối hợp Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giao lưu và tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Ban Liên lạc các huyện, thành phố cũng tổ chức họp mặt truyền thống; tổ chức mừng thọ các hội viên cao niên nhằm động viên họ phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất của những năm tháng trong lao tù thực dân, đế quốc, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời thông qua đó cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu thêm, cảm thông và chia sẻ, động viên, giúp đỡ họ vượt qua bệnh tật, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để sống vui, sống có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, khi có điều kiện, Ban Liên lạc tỉnh tổ chức cuộc hành quân cho cán bộ, hội viên về Phú Quốc thăm lại chiến trường xưa, tri ân cùng đồng đội.

Hơn 50 năm chiến thắng trở về từ "địa ngục trần gian", những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã trải qua bao gian khổ, hy sinh. Nhưng hôm nay, trong câu chuyện của những người lính già với thế hệ trẻ chúng tôi, họ luôn khiêm nhường khi nói về mình, chỉ nhắc nhiều đến những chiến công của đồng đội và tự hào về ý chí, sách lược, về tình đồng đội. Tinh thần cách mạng, ý chí kiên trung của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn là một bản anh hùng ca bất khuất, truyền lửa cách mạng, vun đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào cho các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.

Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-nhung-nguoi-tro-ve-tu-dia-nguc-tran-gian-ky-2-viet/d20240327090628471.htm