Chuyện người giữ Đền thờ Bác Hồ

Tôi biết đến chú Bảy qua tác phẩm tân cổ 'Người chiến sĩ bảo vệ Đền thờ Bác Hồ' của nhạc sĩ Phương Tử Yến phát hành năm 2000, mãi 24 năm sau mới có dịp gặp và trò chuyện.

Nụ cười tươi trên đôi gò má móm mém, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa, chú Bảy) như trẻ lại mỗi khi nhắc về thời ác liệt bảo vệ Đền thờ Bác Hồ. Kỷ niệm sâu sắc nhất đời chú vẫn thường hay nhắc đó là buổi lễ “truy điệu sống” Đội bảo vệ Đền năm 1972.

Chủ Bảy là danh xưng thân mật được người dân ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) trìu mến gọi cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa. Chú được biết đến là nhân chứng lịch sử trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới, bởi hơn ai hết, chú Bảy là người trực tiếp tham gia xây dựng đền, được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội bảo vệ đền và nay khi ở tuổi thất thập chú lại được phân công làm người thuyết minh về Đền thờ Bác mỗi khi có đoàn khách muốn tìm hiểu rõ hơn.

 Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1998.

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1998.

“Mình là người gắn bó mật thiết về Đền thờ. Nay được phân công thì phải đảm đương. Ngày xưa nhận nhiệm vụ là biết trước việc nguy hiểm mà không ngần ngại thì nay ngại gì? Chỉ lo, mình lớn tuổi, trí nhớ không uyên bác, đôi khi kể sai lệch thì lỗi lắm!”, chú Bảy trần tình.

Tính đến sinh nhật Bác Hồ năm nay thì chú Bảy Khoa đã 52 năm làm công tác bảo vệ Đền thờ Bác ở xã Châu Thới. Chú Bảy hồi tưởng: Đầu tháng 9-1969, khi biết tin Bác Hồ qua đời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Thới đã quyết định lập Đền thờ Bác. Thời điểm đó, đền thờ được làm bằng cây lá đơn sơ trên một khu đất của người dân ở địa phương. Đến ngày 19-5-1970, đúng ngày sinh nhật Bác, chính quyền địa phương làm lễ khánh thành đền thờ.

“Thời điểm đó chiến tranh còn ác liệt, xung quanh đền có nhiều đồn bốt của địch. Khi biết quân dân xã Châu Thới xây dựng Đền thờ Bác, chúng càn quét, bắt dân phải phá bỏ. Với sự kiên cường, mưu trí của mình, quân dân địa phương đã quyết tâm giữ được”, chú Bảy kể.

Hơn nửa thế kỷ, người dân Châu Thới vẫn thường xuyên thấy hình ảnh chú Bảy mỗi ngày ở Đền thờ Bác. Khi thì tỉa hoa kiểng, lúc thì tưới cây, dâng hương, quét dọn... Chú vẫn nhớ vết thương trên bàn chân, suýt đã lấy đi mạng sống của mình.

Chú Bảy bộc bạch: "Trong một trận đánh bảo vệ đền gần cuối năm 1973, tôi không may đạp phải trái pháo nổ bị thương ở chân. Thời điểm còn chiến tranh, anh em trong đội bảo vệ với một lòng quyết tâm là giữ cho được Đền thờ Bác nên dù đau nhưng không thấy sợ”.

Theo lời chú Bảy, cứ mỗi khi phát hiện lính hành quân về hướng Đền thờ là nhân dân các ấp xung quanh đấu tranh, rồi truyền tin khu vực Đền thờ là bãi mìn của Việt cộng, nhiều lượt trâu bò ở địa phương vào bị nổ người địa phương còn không thể vào lấy xác được.

 Ông Nguyễn Văn Khoa ngày ngày chăm nom khu thờ Bác Hồ.

Ông Nguyễn Văn Khoa ngày ngày chăm nom khu thờ Bác Hồ.

Nhớ về ký ức oai hùng thời ác liệt, chú Bảy vẫn nguyên vẹn những hình ảnh của ngày 19-5-1972, khi đó chú được cử làm Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ cùng với 6 đồng chí khác. “Khi quyết định thành lập Đội bảo vệ, chúng tôi khí thế hừng hực và đăng ký cảm tử. Cả đơn vị và địa phương tổ chức lễ truy điệu sống. Trước Đảng bộ, nhân dân chúng tôi thề quyết tử bảo vệ Đền thờ”, chú Bảy nói.

74 tuổi đời, 52 năm gắn bó với Đền thờ Bác, ngần ấy thời gian thì tư liệu, hình ảnh về Bác được trưng bày, lưu giữ trong đền thờ chú Bảy đều tận tường. Hơn 4 trước, chú Bảy bị bệnh phải mổ cột sống. Một năm sau lại mổ tim. Chú vẫn lạc quan: “Thời chiến tranh đạn bom ác liệt, tôi đã chiến đấu cùng đồng đội bảo vệ quê hương, bảo vệ Đền thờ Bác. Nay bệnh đã có y học tiến bộ thì lo gì. Miễn là còn sức khỏe thì còn gắn bó và hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Từ năm 2018, chú Bảy cùng Chi hội Cựu chiến binh xã Châu Thới phát động phong trào dâng hương Bác mỗi ngày. Phong trào phát triển lan tỏa, đến nay đã có hơn 40 cựu chiến binh tham gia, chú Bảy chia thành 3 tổ rồi phân công thành viên phụ trách. Cứ 17 giờ mỗi ngày là Đền thờ Bác lại nghi ngút khói hương, một cảm giác ấm áp lan tỏa. Không dừng lại, Hội phụ nữ xã cũng tự nguyện tham gia. “Giờ ngoài dâng hương hằng ngày, mỗi dịp lễ, tết ở Đền thờ Bác cũng đông đảo nhân dân tề tựu bên mâm cơm chung nghĩa tình”, chú Bảy kể.

Vừa qua, chú Bảy là một trong những tấm gương tiêu biểu của huyện vĩnh Lợi được Tỉnh ủy Bạc Liêu tuyên dương trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vinh dự và tự hào, chú Bảy với quyết tâm: “Mình đã từng tuổi này thì nguyện trọn đời cống hiến. Được vinh danh là niềm vinh dự lớn cũng là trách nhiệm phải sống gương mẫu cho thế hệ trẻ noi theo”.

Bài, ảnh: TRÚC THY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chuyen-nguoi-giu-den-tho-bac-ho-777327