Chuyện ngập nhìn từ Phú Mỹ Hưng

Nằm ở vùng đất thấp nhưng Phú Mỹ Hưng hiếm khi bị ngập nước cho dù mưa lớn hay triều cường. Quan sát quá trình phát triển dự án ghi nhận tinh thần trách nhiệm xã hội được chủ đầu tư kế thừa qua nhiều thế hệ lãnh đạo.

Anh T. sống ở Nhà Bè nhưng làm việc ở quận 3. Những ngày nắng gắt, trên đường đi làm về, anh thường dừng xe ở công viên bờ sông của Phú Mỹ Hưng nghỉ mệt. Nền nhiệt chênh lệch đáng kể so với khu vực nội đô. Mật độ cây xanh của khu đô thị này khoảng 8,9m2/người, so với mức bình quân chưa đến 1m2/người của TP.HCM. Phủ xanh đô thị làm mát không khí, giảm nhu cầu sử dụng điều hòa, tiết kiệm năng lượng. Không gian công cộng kết hợp cùng hệ thống kênh rạch, sông ngòi tự nhiên được tôn trọng trong suốt quá trình phát triển dự án mở rộng dư địa hấp thu nước trời ngay cả trong tình huống mưa lớn.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Nguyên

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Nguyên

Toàn bộ khu Nam là vùng đất thấp, chịu tác động bởi triều cường. Bất lợi có tính chu kỳ được xử lý bằng hệ thống van một chiều, theo ông Doãn Khuê - cư dân nhiều năm sinh sống tại khu phố Hưng Vượng. Nước triều dâng, van đóng. Mưa lớn, van mở, xả nước ra sông. Giải pháp kỹ thuật trong tầm tay.

Không gian xanh tỷ lệ nghịch với mật độ xây dựng, duy trì ở mức dưới 30% suốt hơn ba thập niên phát triển dự án. Một nguồn tin của phóng viên cho hay chủ đầu tư khước từ gợi ý điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ sàn xây dựng từ lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ đã qua. Đây cũng là một trong những nội dung mà chúng tôi muốn minh định với chủ đầu tư nhưng tiếc rằng đề nghị phỏng vấn chính thức với ban lãnh đạo Phú Mỹ Hưng chưa được phản hồi trước khi kỳ báo xuất bản.

Là một trong những thành viên của Skidmore, Owings & Merrill (SOM) tham gia lập quy hoạch Phú Mỹ Hưng, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận xét các thế hệ lãnh đạo kế thừa vẫn bám sát nội dung đồ án. Được biết, phương án của SOM có mật độ xây dựng thấp nhất trong số những bài thi lọt vào chung khảo. KTS. Ngô Viết Thụ, một trong những thành viên ban giám khảo khi ấy, cũng không ủng hộ những phương án bê tông hóa dày đặc khu Nam Sài Gòn.

Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng hiện hữu không phải là Phú Mỹ Hưng trong đồ án quy hoạch. Cụ thể, Phú Mỹ Hưng là phân khu A, cụ thể là phân khu A trong 5 phân khu chạy dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17 km. Bốn phân khu B, C, D, E được bốc ra khỏi đồ án, để thành phố tự phát triển. Mưa ngập, triều ngập đến hẹn lại lên trên nhiều trục đường lớn ngoài Phú Mỹ Hưng như Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn… Xử lý hậu quả của cầm cương quy hoạch dồn tích từ nhiều nhiệm kỳ vừa lâu dài, vừa tốn kém.

Cách nay hơn ba thập niên, phần lớn địa hình khu Nam Sài Gòn là vùng đất sình lầy, dân cư thưa thớt. Nghĩa là TP.HCM từng có một cơ hội vàng để xây dựng một đô thị hiện đại, giãn dân hoặc di dân tạm thời phục vụ chỉnh trang đô thị trung tâm. Phú Mỹ Hưng đi trước nhưng về cơ bản, những khu vực phát triển sau không học hoặc không chịu học, hoặc không cần học tập mô hình này.

Diệp Khuê

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-ngapnhin-tu-phu-my-hung-40525.html