Chuyện lạ từ làng chữa bệnh vô sinh

(Tin tuc 24h) - Cách Hà Nội 80km theo quốc lộ, có một ngôi làng tương truyền trên 300 năm chữa căn bệnh vô sinh. Điều đặc biệt là hiện nay có gần 200 hộ gia đình chữa căn bệnh này và ngày ngày, người dân thập phương từ Nam chí Bắc dập dìu đổ về đây để được nhận chẩn đoán, chữa bệnh bằng phương thuốc gia truyền.

Tùy vào căn bệnh nặng nhẹ mà bệnh nhân ở lại nhà của thầy lang lâu hay mau. Nghe nói, các lang ở đây có phương pháp điều trị rất kỳ lạ - bói bằng mắt và nắn bằng tay. Nơi đó là làng An Thái, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nhóm chúng tôi tò mò và háo hức đi “tận mục sở thị” để tìm hiểu thực hư sự việc. Đang ngơ ngác vì chưa biết tìm vào nhà ông bà lang nào, đang lơ nga, lơ ngơ, vì cũng chưa biết phải đóng dạng vai gì, hai chúng tôi dắt díu nhau đi giữa trời gió lạnh hun hút, thì có tiếng gọi từ quán nước ngoài chợ cách ngôi làng chừng 300 mét: “Ới anh chị vào uống chén trà nóng”. Vội gì, biết đâu mọi thông tin cũng từ “thông tấn xã vỉa hè” mà ra. Hai chúng tôi bước vào, vừa đỡ chén trà nóng trên tay chưa kịp đặt xuống bàn, thì một bà khoảng 50 tuổi, hành nghề xe ôm đứng ngay gần đấy bảo: “Hai vợ chồng cần “tìm” thằng cu hay cái hĩm? Trông bộ dạng như thế này chắc là người thành phố về đây để chữa bệnh?”. Chưa kịp để chúng tôi trả lời, bà xe ôm mau mắn tuôn ra một tràng liên thanh nào là: “Lấy nhau lâu chưa?”. “Vô sinh lần mấy?”. Rồi bà nhòm vào mặt mũi hai chúng tôi dò xét: “Tại anh hay tại chị?”, “Sao biết ở đây mà tìm về?”… Tôi ái ngại nhìn người đồng hành, hơn mình gần chục tuổi đi cùng, chả là có nam nữ thì dễ thâm nhập thực tế hơn: “Ấy chết! Bác nói thế nào. Hôm nay đưa chị dâu đi chữa đẻ. Anh chồng đang lai rai với mấy người bạn ở Phủ Lý, lát nữa lái xe đến sau”. Bà chép miệng thở dài, ngó vào “chị dâu tôi”: “Tội nghiệp, mặt mũi xinh xắn thế này mà tuyệt đường con cái thì khốn nạn cái thân. Thôi thế này, tôi làm phúc, sẽ đưa anh chị vào nhà gia truyền có tiếng, chứ gần 200 hộ gia đình, anh chị vào không đúng chỗ có mà mất tiền toi”. “Vâng, bác giúp, đây biếu bác chục bạc uống nước chè”. Tôi rút 10 ngàn đưa cho bà xe ôm. “Ghớm, anh chị cứ vẽ. Xong việc hẵng hay”. Tuy miệng nói, nhưng bà cũng kịp cất tiền vào túi. Bà kể, ở cái làng này, bệnh gì về sinh sản cũng chữa được hết. Gia đình nào cũng treo biển "chữa trị vô sinh gia truyền" Chữa bé gái 14 tuổi kinh nguyệt không đều, hay già đến sắp xuống lỗ rồi mà hồi xuân như thanh niên tráng kiện. Bà xe ôm thề sống thề chết, cách đây một tháng, có ông 70 tuổi bị bệnh “chả làm ăn” gì được, con trai đưa bố đi chữa bệnh, sau về “hoành tráng quá”, loắng ngoắng thế nào mà yêu ngay bà giúp việc 50 tuổi. Ông cụ cứ nằng nặc đòi cưới. Được thể, bà chị quán hăng hái tiếp lời: “Làng này có tiếng lắm, nhiều lang giỏi. Ngày em chửa đứa thứ hai, thai mới có 6 tháng, đi khám, bà lang chỉ thọc tay vào sờ cái, là biết ngay trai hay gái rồi. Bà bảo: “Con trai rồi”. Sau đó sinh ra đúng con trai thật”. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: “Sao lạ vậy chị!”. “Thì chị ấy sờ thấy mà lại. Chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền, hiệu nghiệm lắm, lát anh chị vào khắc biết”. Cô chủ quán sốt sắng nói. Hai chúng tôi nói là đi ăn cơm trưa để cắt đứt bà xe ôm cho đỡ lằng nhằng. Trước nay, khoa học hiện đại, bằng phương pháp siêu âm để biết người mẹ sẽ sinh bé trai hay bé gái, chứ chuyện sờ nắn để biết về giới tính của thai nhi thì quả thực tôi chưa từng nghe nói đến. Đi thong dong một đoạn thì đến làng. Ngay đầu làng là một bãi tha ma. Những ngôi mộ lô xô nhưng điều khác lạ là với các bãi tha ma nơi khác, điển hình có một ngôi mộ xây rất to, và trên bia thì ghi tên cụ, thọ 94 tuổi, trang trọng dòng chữ: “Cụ tổ phát sinh nghề chữa bệnh phụ khoa”. Theo con đường đất vào làng, biển hiệu chữa bệnh vô sinh treo rậm lối đi. Đa phần nhà nào cũng có biển và dòng chữ: “Nhà thuốc gia truyền chữa bệnh hiếm muộn con…”. Xen lẫn biển hiệu có giấy phép, cũng có biển hiệu không thấy ghi cấp giấy phép của Sở Y tế Hà Nam, nhưng có dòng chữ bảo hành: “Nhà thuốc gia truyền…”. Càng đi sâu vào làng, lại càng chi chít biển hiệu. Chúng tôi gõ cửa một nhà treo biển số đó. Một cụ trạc 80 tuổi ra mở cửa. Ngôi nhà rất ấm cúng, cụ bà cũng lật đật mặc áo bông chạy ra tiếp khách. Hai ông bà dáng vẻ phúc hậu. Thấy người lạ, chả cần giới thiệu ông bà cũng nghĩ ngay là khách từ xa đến để chữa trị. Cụ bà bảo, nhà chỉ còn hai ông bà già vì các con đều vào Nam làm việc hết cả. Cụ ông làm nghề bốc thuốc, sao tẩm từ các vị thuốc để làm thành dạng viên, tùy vào mỗi loại bệnh về vô sinh để dùng thuốc dạng nào cho hợp lý. Còn bà thì vai trò của bà lang chẩn bệnh. Sau màn giới thiệu tôi đưa “chị dâu” đến để nhờ ông bà chữa bệnh. Bà bảo: “Phải khám cho cả hai vợ chồng”. Chồng chưa đến thì khám vợ trước. Sau khi nghe “chị dâu” tôi kể có thằng con trai đầu 13 tuổi vậy mà sau mãi không có con lại được nữa, thì bà bảo bệnh này nhất định phải khám trong. Cách khám của bà là sờ nắn, nhìn ngó bên trong. Không hiểu với người mắt tinh còn nhìn khó, mà bà cụ 80 tuổi thì sự thể thế nào?! Nhưng lạnh cắt da thế này mà nằm trên giường tơ hơ để khám xét thì chắc là chết. Cho nên chúng tôi trì hoãn bằng cách nói chuyện, vẫn là bài cũ, nói dối đợi chồng “chị dâu” từ Phủ Lý xuống. Bà nói khi có đủ cả chồng vợ, sẽ khám cho cả hai rồi kê đơn thuốc. Người thành phố từ xa đến, đi lại nhiều mất công, cứ lấy thuốc uống một tháng, chia thành hai lần. Thuốc dạng viên cô lại từ các vị thuốc Bắc và thuốc Nam, bài thuốc gia truyền từ đời cụ tổ để lại được viết thành sách, con cháu sau này học theo. Thuốc viên cô đặc, nhai vài miếng là tan ra trong miệng như ăn miếng kẹo ngọt thôi. Hai vợ chồng chịu khó uống, may mắn thì một tháng là có thai. Không thì vài tháng, hoặc khó quá thì vài năm. Chữa vô sinh thì phải kiên trì, chứ không thể sốt ruột. Bà bảo, việc lớn bây giờ là phải “dính” đã, khi đã “đậu” rồi thì bà sẽ chữa để giữ thai nhi cho khỏe mạnh. Nếu sợ sinh non thiếu tháng thì do cổ tử cung thấp, bà sẽ dùng tay vun cổ tử cung cao lên, thai nhi cũng không lọt ra được. Bên cạnh là gian phòng giường nệm tinh tươm, sạch sẽ để phục vụ khách từ xa đến. Theo lời của ông bà, khách thấp phương từ Đồng Tháp, Phan Rang, Thừa Thiên Huế, cho đến Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn cũng đã từng về nhà bà chữa… Tuy là căn bệnh vô sinh nhưng ở nhiều dạng khác nhau, rồi trong số đó nhiều đôi có kết quả. Cặp đôi nào ông bà cũng hết sức, hết lòng. Chúng tôi không hề muốn nghi ngờ ông bà già cả, nhưng giá như trong căn nhà rộng và cũng khá sang ở một vùng quê với đầy đủ sập gụ tủ chè, có một vài tấm ảnh là minh chứng cho sự thần diệu của bài thuốc gia truyền có phải tuyệt hơn nhiều về cái sự kể của ông bà hay không?! Ví dụ chỉ cần một tấm ảnh của hai vợ chồng cùng với đứa con là kết quả của sự chữa trị của hai ông bà có phải là bằng chứng hùng hồn nhất, vậy mà tuyệt nhiên trong nhà chỉ toàn treo ảnh của ông và bà được đóng khung cẩn thận thôi. Tìm cách từ chối khéo, chúng tôi chia tay ông bà ra về. Sau một hồi loanh quanh đi bộ trong ngôi làng kỳ lạ, đang phân vân vì không biết nên bước vào nhà lang nào tiếp theo, thì đã nghe tiếng nói nhao nhao từ sân của một nhà vọng ra. Tò mò chúng tôi vào, thì thấy có 3 đôi đứng ngoài sân. “Thế các bác làm gì mà đứng hết cả ở ngoài thế này? Sao không vào nhà cho ấm”, tôi hòa đồng. Một anh nhấm nhẳng trả lời: “Cả chục ngày bị “nhốt” ở trong buồng rồi. Cứ thế này vài ngày nữa là cuồng chân. Đúng là không có gì khổ bằng đưa vợ đi chữa đẻ”. Một chị trạc 40 nói: “Rõ khổ, người ta thì đẻ như vịt, mình thì tịt thế này đã bao năm. Đi chữa khắp nơi rồi, thụ tinh nhân tạo cũng đã hai lần rồi mà vẫn chưa được. Lần này có người quen mách nước lên nhà chị đây xem có ăn thua gì không?”. “Thế tại chị hay tại chồng”, một chị cũng đi hỏi chữa. “Tại cả hai”, chị phụ nữ kia ngán ngẩm trả lời. Họ lại quay sang “chị dâu” tôi hất hàm “cũng đi chữa hả, bị tắc lâu chưa?”. Chị lang đang khám phải lát mới xong, ngồi đây đợi nhé. “Chị dâu tôi” nhanh chóng bắt chuyện với mấy chị phụ nữ. Một ông trung tuổi, là chồng của người phụ nữ 40 tuổi kia bảo: “Gớm! Đàn bà các bà đồng cảnh ngộ nên kết nhau nhanh…”. Chị lang trẻ là con dâu của một bà lang có tiếng trong làng truyền nghề lại. Đồ nghề của chị giống như ông bà trước chúng tôi đến, sơ sài vài cái găng tay sạch. Chị lang cũng chẩn đoán bằng cách bói mắt và sờ bằng tay. Phòng khám của chị lang này có ánh sáng bình thường như ở nhà, chứ tuyệt nhiên không có đèn thông dụng để chiếu sáng giống trong các phòng khám phụ khoa ở các trung tâm y tế. Chị lang sau khi nghe “chị dâu tôi” nói bệnh, liền phán: “Bệnh của em không khó chữa đâu. Thai bị chết lưu, cũng không có gì là khó chữa cả. Khó nhất là lấy nhau lâu năm mà chưa có bầu lần nào. Nhưng cái đấy cũng vẫn chữa được”. “Chị chắc chắn, đưa thuốc cho “chị dâu tôi” về uống là sinh lực của hai vợ chồng lai dồi dào lên, nhưng khoảng tháng sau hết thuốc lên khám lại. Thuốc cho một đợt điều trị như thế này dao động khoảng 2-3 triệu đồng. Có những cặp vợ chồng kiên trì uống thuốc ròng rã cả hai năm”. Chúng tôi rời khỏi làng để gặp lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã An Mỹ, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó chủ tịch xã khi được hỏi về vấn đề chữa bệnh vô sinh của làng An Thái, cho biết: “Hiện nay có khoảng hơn 40 hộ gia đình được cấp phép của Sở Y tế tỉnh Hà Nam để hành nghề, số còn lại chữa bệnh không phép nhưng đa phần là con cháu, họ hàng của những gia đình có nghề gia truyền chữa căn bệnh vô sinh. Trong tổng số hơn trăm gia đình hành nghề trong làng thì có khoảng chục gia đình rất có uy tín, được khách thập phương kéo về rất đông. Nghề chữa bệnh vô sinh của làng đã có từ rất lâu, dễ đến hàng trăm năm nay. Hộ gia đình làm nghề này càng ngày càng nhân rộng ra. Trong số đó thực chất có đến 5-6 đời theo nghề tổ. Cũng có những người học mót kinh nghiệm rồi tự mở ra làm để chữa bệnh vô sinh. Việc người dân trong làng có tí chút kiến thức rồi tỏa đi chữa lưu động các nơi, dẫn khách về cửa hiệu của gia đình cũng rất nhiều. Tuy con số khách ở các nơi đến làng An Thái chữa bệnh rất đông và con số này còn tiếp tục tăng hàng năm, nhưng suốt chục năm qua cho đến giờ, Ủy ban nhân dân xã cũng chưa từng nhận được bất kỳ một đơn phản ánh hay tố cáo nào của bệnh nhân”. Cũng theo ông Toàn, mặc dù trong làng có hàng chục, thậm chí cả trăm hộ gia đình có phòng trọ lại nhiều ngày để chữa bệnh, nhưng cũng chưa bao giờ xảy ra một vụ việc nào liên quan đến pháp luật. Tình hình an ninh trật tự trong làng vẫn tốt. Với chúng tôi, những người đi xâm nhập thực tế từ ngôi làng khá kỳ lạ, cảm nhận rằng, việc chữa bệnh hiếm muộn là một thực tế của làng, và nếu lên google gõ: “Chữa bệnh vô sinh ở làng An Thái”, thì sẽ thấy những gia đình với dòng họ tên tuổi chữa bệnh uy tín. Nhưng bên cạnh những gia đình thực chất chữa bệnh có từ lâu đời thì không ít các hộ khác mọc lên, ăn theo dịch vụ này. Việc ăn theo này làm cho người dân từ xa đến tiền mất tật mang. Hiện nay số người chữa bệnh vô sinh ngày càng nhiều, việc tìm cho mình một địa chỉ đáng tin cậy ở nơi đây cần phải bỏ công sức ra tìm địa chỉ tin cậy, chứ không phải là tự tìm đến làng rồi gõ cửa ăn mày… TAGS: lang chua vo sinh, lang An Thai, thu tinh nhan tao, nghe thuoc gia truyen, sieu am, tin tuc 24h 24H.COM.VN (Theo An ninh thế giới)

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/chuyen-la-tu-lang-chua-benh-vo-sinh-c46a348989.html