Chuyện khó nói của những vận động viên 'đánh thuê'

Một vận động viên (VĐV) thuộc địa phương này nhưng thi đấu cho một địa phương khác. Một VĐV thuộc biên chế đoàn A nhưng khoác áo đoàn B và đánh bại chính VĐV đoàn A để lên ngôi vô địch. Đó là những câu chuyện thường xuyên xảy ra trong giới VĐV thể thao thành tích cao, nơi các đội nghèo phải mượn VĐV để thi đấu, đảm bảo thành tích.

Từ chuyện "võ sĩ không biết nhà ở đâu"

Tại kỳ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 8, người hâm mộ đã chứng kiến màn tranh cãi ở môn Taekwondo. Cụ thể là ở hạng cân đối kháng dưới 68kg nam, võ sĩ Nguyễn Huỳnh Minh Nhật đã mang về tấm HCV cho đoàn Thị xã Phú Mỹ. Chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu như Minh Nhật biết địa chỉ mình tạm trú là nơi nào.

Minh Nhật giành Huy chương vàng ở Đại hội thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Minh Nhật giành Huy chương vàng ở Đại hội thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chiếu theo điều lệ Đại hội, VĐV thi đấu cho một địa phương phải đảm bảo có hộ khẩu thường trú tại quận, huyện, thị xã nơi mình đầu quân. Trong trường hợp không có hộ khẩu, VĐV phải đăng ký tạm trú trong thời gian cho phép. Hồ sơ của Minh Nhật có giấy tạm trú tại Thị xã Phú Mỹ, nhưng anh lại không biết nhà mình ở đâu.

2 tháng trước khi thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Minh Nhật cũng giành HCV môn Taekwondo Đại hội Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh. Minh Nhật có thể tham gia giải đấu này bởi hộ khẩu của anh nằm ở quận Bình Thạnh, và anh cũng thi đấu dưới màu áo Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thạnh.

Võ sĩ Phương Hoài (phải) quê An Giang, nhưng đang đầu quân cho Bình Dương nhờ cơ chế mở.

Võ sĩ Phương Hoài (phải) quê An Giang, nhưng đang đầu quân cho Bình Dương nhờ cơ chế mở.

Những VĐV như Minh Nhật không phải trường hợp hiếm hoi trong giới thể thao thành tích cao Việt Nam. Tại giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc mới khép lại hồi tháng 7 vừa qua, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu có nhiều VĐV tham dự, chủ yếu ở các hạng cân của nữ. Trên thực tế, phần lớn trong số họ đều đang ở tuyến trẻ của đội… Hà Nội.

Trở lại câu chuyện của Minh Nhật, nơi đoàn Thị xã Phú Mỹ đăng ký anh thi đấu cho địa phương và giành HCV Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bản Điều lệ thi đấu của đại hội cho phép các VĐV thi đấu Đại hội Thể dục thể thao ở địa phương khác được thi đấu cho Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, do đó Minh Nhật không hề làm sai quy định.

Vì sao các địa phương mượn VĐV về thi đấu cho mình? Điều đó mang lại ích lợi và thiệt hại gì cho các địa phương khác? Đằng sau câu chuyện của những "lính đánh thuê" trong ngành thể thao là không ít câu chuyện vui buồn. Với nhiều vận động viên, việc họ đầu quân tạm thời cho một đơn vị khác là điều cực chẳng đã, cũng có thể do miếng cơm manh áo.

Phát triển không cân bằng

"Ở các tuyến trẻ, chúng tôi hiện đang thiếu VĐV để phát triển bộ môn Boxing nữ". Đó là lời chia sẻ từ một huấn luyện viên (HLV) đội Boxing nữ Hà Nội, bởi ở mỗi hạng cân của mỗi lứa tuổi, không phải lúc nào họ cũng có 2 VĐV. Tổng số VĐV trẻ của đội Boxing nữ Hà Nội hiện "chỉ" có khoảng 50 người, trong khi con số của các địa phương khác đếm trên đầu ngón tay.

Cơ chế và kinh phí rót cho các bộ môn thể thao không đồng đều là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển không cân bằng giữa các địa phương. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội luôn là những đoàn có đội thể thao mạnh nhất. Hải Phòng, Đà Nẵng... thuộc nhóm 2. Câu chuyện của VĐV, HLV ở các địa phương còn lại là một mảng tối.

"Bà Rịa- Vũng Tàu từng có đội Boxing nhưng giải thể, và họ mới chỉ quay lại làm Boxing thời gian gần đây. Trong thời gian ngắn, họ không thể đào tạo đủ VĐV tranh tài ở các giải vô địch quốc gia, cũng như các giải trẻ được. Do đó, việc đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu mượn quân ở địa phương khác để tranh tài là điều dễ hiểu", một HLV tâm sự.

Tại giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc 2022, bên cạnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu có phần lớn VĐV thi đấu thuộc biên chế đoàn Hà Nội, một đơn vị khác cũng sử dụng nhiều "lính đánh thuê" là Bình Thuận. Hầu hết VĐV của họ đang thuộc lò đào tạo trẻ của đoàn Quân Đội, một đơn vị luôn có nhiều hơn 1 VĐV ở mỗi hạng cân họ tham gia.

Những võ sĩ như Hồng Đào coi việc “đánh thuê” để kiếm thêm thu nhập là điều bình thường.

Những võ sĩ như Hồng Đào coi việc “đánh thuê” để kiếm thêm thu nhập là điều bình thường.

Với những đoàn như Hà Nội và Quân Đội, việc cử VĐV sang một đoàn khác thi đấu theo diện "lính đánh thuê" có lợi cho cả 3 bên. Đơn vị mượn VĐV có người để thi đấu, qua đó tăng khả năng có thành tích và đạt chỉ tiêu với cấp trên. Đơn vị cho mượn VĐV tạo dựng được sức ảnh hưởng trong bộ môn đó, còn bản thân VĐV cũng có thêm cơ hội thi đấu.

Ít ai biết ở những môn thể thao thành tích cao của Việt Nam, số giải đấu trong năm dành cho VĐV ít ỏi ra sao. Trung bình mỗi năm, VĐV chỉ có 2 giải thi đấu, bao gồm 1 giải vô địch quốc gia và 1 giải cúp. VĐV trẻ thậm chí chỉ có 1 giải trong năm để tranh tài. Vì thế, cơ hội thi đấu của VĐV thuộc những đoàn lớn vô cùng quý giá.

Trong câu chuyện của VĐV Nguyễn Huỳnh Minh Nhật ở trên, việc nhận đánh thuê cho một địa phương khác còn là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Những võ sĩ như anh thường chỉ được nhận lương trung bình 8-10 triệu/ tháng nếu ký hợp đồng chính thức với TP Hồ Chí Minh. Nếu không có thành tích tốt ở cấp quốc gia, mức lương đó không dễ sống ở chốn phồn hoa đô hội.

Do đó, việc đầu quân cho Thị xã Phú Mỹ để tham dự Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, với Minh Nhật, là cơ hội kiếm tiền có một không hai. Một tấm HCV mang về cho địa phương mình đánh thuê có thể giúp anh có thêm số tiền bằng nhiều tháng lương. Đời VĐV không dài, vậy nên Minh Nhật và nhiều VĐV khác không ngại đánh thuê kiếm thành tích.

"Nếu không nhận đánh thuê cho những địa phương khác, có lẽ tôi chẳng bao giờ có đủ tiền giúp gia đình sửa nhà", võ sĩ Lê Thị Hồng Đào tâm sự. Quê gốc ở Tây Ninh, VĐV sinh năm 1992 từng thi đấu tại đây trước khi đầu quân cho đoàn TP Hồ Chí Minh. Nhưng ở kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018, cô đăng ký thi đấu Muay cho đoàn Hà Nội. Tấm HCV năm đó giúp "lính đánh thuê" Hồng Đào kiếm được 200 triệu đồng.

Cần có quy định chung

Một HLV đặt vấn đề: "Bóng đá, bóng chuyền chuyên nghiệp đã cởi mở với chuyện cho mượn vận động viên, vậy tại sao các môn thể thao thành tích cao khác lại khắt khe? Nếu cứng nhắc trong mọi chuyện, liệu thể thao có xã hội hóa được không?".

Các môn thể thao thành tích cao cần có quy chế chung với vận động viên “đánh thuê”.

Các môn thể thao thành tích cao cần có quy chế chung với vận động viên “đánh thuê”.

Trong câu chuyện phát triển bóng đá, việc một CLB mượn cầu thủ từ đội khác chưa bao giờ gây nên tranh cãi. Lý do bởi quyết định này được 2 đội bóng và bản thân cầu thủ đồng ý, được tiến hành theo thỏa thuận và điều lệ, quy định rõ ràng của giải đấu. VĐV được đem đi cho mượn còn coi đây là điều may mắn bởi họ có thêm cơ hội thi đấu, nâng cao giá trị bản thân trước khi trở lại đội bóng cũ.

Để đảm bảo thành tích ở một số bộ môn mới thành lập, ngay cả những đoàn thể thao mạnh như Quân Đội cũng phải chiêu mộ VĐV tứ xứ về đầu quân. Hiện thực phát triển không đồng đều của nhiều môn thể thao ở các địa phương khác nhau cũng chỉ ra một sự thật: nhu cầu mượn và cho mượn vận động viên là điều tất yếu. Thay vì cấm đoán, cần có một khung pháp lý để điều chỉnh việc này giống như bóng đá, bóng chuyền.

Để quản lý chung, tránh tình trạng xảy ra tranh cãi ở các giải địa phương, đơn vị quản lý từng bộ môn cần ban hành quy định chung về việc cho mượn, thuê VĐV ngắn hạn. Nếu có một quy định chung giới hạn những "lính đánh thuê" như Minh Nhật không được đầu quân cho quá 2, hoặc 3 đơn vị trong 1 năm, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác. Đó là nhiệm vụ mà các Liên đoàn thể thao cần thực hiện, bên cạnh việc phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao để tránh những câu chuyện cười ra nước mắt như VĐV không biết nhà mình ở đâu.

Tạo cơ chế mở

"Cuỗm" một vận động viên khỏi nơi họ được đào tạo, tập luyện từ bé là điều vô cùng khó khăn. Một HLV từng tiết lộ: Để VĐV tự do dứt áo ra đi, bên cạnh việc hợp đồng mãn hạn, họ cần nộp đơn xin nghỉ tập lên ban lãnh đạo. Chỉ khi nào đơn xin nghỉ tập được phê duyệt, cùng một tờ quyết định đồng ý cho VĐV nghỉ tập của ban lãnh đạo với dấu đỏ, họ mới có thể tự do đầu quân cho một địa phương khác.

"Có nhiều cái khó trong việc chiêu mộ VĐV từ địa phương khác về địa phương mình", một HLV chia sẻ. "Cái khó đầu tiên là đảm bảo chế độ đãi ngộ cho họ tốt hơn hẳn đơn vị cũ. Thứ hai là những rắc rối về giấy tờ, hợp đồng ở địa phương trước đây có thể chưa giải quyết xong. Cuối cùng là sợ mang tiếng "lật kèo" với đồng nghiệp, bởi HLV, cán bộ ở mỗi môn thể thao đều quen biết lẫn nhau".

Với những địa phương nhanh chóng đổi mới và áp dụng cơ chế thoáng, họ nhanh chóng gặt hái thành công. Vài năm gần đây, đoàn Bình Dương nổi lên như một trong những hiện tượng ở các môn võ. Từ Boxing đến Muay, Jujitsu hay Judo, các VĐV Bình Dương luôn có thành tích tốt ở giải vô địch quốc gia. Điều thú vị là hầu hết VĐV mang về thành tích cao cho đoàn Bình Dương lại không phải người địa phương.

"Chúng tôi đến từ địa phương khác, có thể không thường xuyên tập luyện tại Bình Dương nhưng được hỗ trợ về cơ chế để phát triển", một VĐV tâm sự. "Khi ký hợp đồng với địa phương, chúng tôi được yêu cầu đảm bảo thành tích, ví dụ như duy trì giành được HCV hay HCĐ ở giải quốc gia. Chừng nào còn đảm bảo điều đó thì địa phương vẫn hỗ trợ để chúng tôi tập luyện ở nơi mình muốn".

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chuyen-kho-noi-cua-nhung-van-dong-vien-danh-thue-i667373/