Chuyện kể ở làng phong Ea Trang

NDĐT - THỜI NAY - Nằm chênh vênh trên đỉnh đèo Phượng Hoàng, từ lâu nay, làng phong Ea Trang được nhiều người biết đến như là nơi dung thân của những phận người hẩm hiu, bất hạnh bởi căn bệnh phong. Gọi là làng nhưng thực ra ở đây chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20 nóc nhà với chừng 70 nhân khẩu. Đời sống thường nhật của người dân trong làng chủ yếu vẫn là tự cấp tự túc và dường như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, dẫu làng chỉ cách quốc lộ 26 mấy chục bước chân... Và họ đang cần sự giúp đỡ.

Hắt hiu làng phong... Về địa giới hành chính thì làng được quy hoạch nằm trong buôn M’Jam, xã Ea Trang (huyện M’Đrắc, tỉnh Đác Lắc), nhưng lại cách xa... trung tâm buôn đến hơn 5 km đường đèo. Thực ra nơi đây xưa kia vốn là đất của đồng bào buôn Gue. Vào những năm 1980, do đời sống quá khó khăn, người dân trong buôn phải “di cư” xuống núi, chỉ còn một số hộ có bệnh nhân phong thì vẫn ở lại. Sau này, một số người mắc bệnh phong ở nơi khác cũng tìm về đây định cư. Từ đó “làng phong” dần được định hình với ngổn ngang những khó khăn thiếu thốn đeo đẳng đến tận bây giờ. Với người dân ở đây, tất cả những khái niệm như điện - đường - trường - trạm và cả nước sinh hoạt... đều là những ước mơ quá xa vời. Tài sản đáng giá nhất của mỗi hộ gia đình ở đây có lẽ chỉ là căn nhà chừng 30m2 do một tổ chức hỗ trợ bệnh nhân phong của Hà Lan đầu tư xây dựng cách đây chừng 5 năm. Nhưng đến nay thì phần tài sản quý giá ấy theo thời gian cũng đã không còn đủ sức chắn gió che mưa nữa. Nhiều người đã phải dựng thêm nhà tạm để làm nơi trú ngụ. Ông Y Nguôl Buôn Yă, Chủ tịch UBND xã giới thiệu sơ lược cho chúng tôi về tình hình của làng: Chỉ có vài hộ đủ gạo ăn, còn lại phần lớn là thiếu đói. Không đói sao được khi mà người trong làng hầu như đều bị tàn tật do di chứng của bệnh phong, không có khả năng lao động. Thi thoảng có các tổ chức từ thiện cứu trợ thì bà con được... vài bữa no. Sau đó lại tiếp tục điệp khúc ăn bữa hôm, lo bữa mai... Trong căn nhà sàn xiêu vẹo, dột nát dưới mưa, bà H’Khét Niê kể về gia cảnh cơ cực của mình: Già không còn nhớ rõ là mấy đốt ngón tay, chân rơi rụng lúc nào. Chỉ biết là cách đây mười mấy năm, bác sĩ khám bệnh và cho biết già đã mắc bệnh cùi. Cũng kể từ đó, gánh nặng gia đình cả thảy 6 miệng ăn đè lên vai ông già (ông Ama Tư, chồng bà). Tiếp lời vợ, ông Ama Tư đưa tay chỉ lên bên kia đỉnh đèo: “Hằng ngày mình phải đi bứt đót tận bên đó để bán kiếm tiền, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao. Ở đây cả bà già lẫn con nít cũng đi rừng nên không còn đủ đót để bứt nữa...”. - Tôi hỏi: “Nhà mình không có ruộng rẫy gì sao?”. - Già cười: “Có chứ, hết mùa đót thì mình xuống khe làm ruộng, rồi làm cả rẫy nữa. Không biết diện tích bao nhiêu nhưng mỗi mùa mình trồng hết khoảng 1kg giống... song thu không được nhiều nên không đủ cái ăn”. Cạnh nhà H’Khét, gia cảnh của cặp vợ chồng trẻ Y Lan và H’Long cũng chẳng khá hơn. Số phận thật trớ trêu khi bố mẹ H’Long không may mang trong người con vi khuẩn Hansen, nhưng chị lại không hề gì. Trái lại, gia đình Y Lan chẳng có “quan hệ” gì với bệnh phong, vậy mà anh vừa bị con vi khuẩn Hansen lấy đi mất một ngón chân. Như để chứng minh với chúng tôi, Y Lan đưa cái chân sưng vù đang lở loét ra cấu thật mạnh rồi cười chua chát: “Tê hết rồi, không đi kiếm tiền nuôi vợ con được nữa rồi!”. Cái ăn của cả gia đình bây giờ chỉ trông cậy vào H’Long, một nách nuôi 3 đứa con thơ với người chồng tàn tật. Đã vậy, không hiểu bé út H’Ninh (mới 3 tuổi đầu) bị bệnh gì mà liệt nửa người bên phải, suốt ngày oằn trên lưng mẹ kể cả khi xuống khe, lên rẫy... Cái chữ vẫn ở xa vời... Nỗi lo về cuộc sống của người dân làng phong không chỉ là chuyện đói nghèo, bệnh tật. Trong số 70 con người đang định cư ở làng thì có đến gần phân nửa là con em đang độ tuổi đến trường. Thế nhưng, cái vòng luẩn quẩn bệnh tật - đói nghèo ở đây đã vô tình cướp mất đi cái quyền được đi học của các em. Từ bao đời nay, hầu như các thế hệ ở làng đều mù chữ. Thực ra, cũng đã có những gia đình đã từng quan tâm đến cái chữ cho con mình. Có em đã từng vượt 5 km đường đèo về buôn M’Jam theo học đến lớp 3, lớp 4. Nhưng rồi, đến cái ăn mà chưa lo được thì chẳng ai ở đây quan tâm đến cái chữ. Thêm vào đó là những trắc trở trong việc đi lại, ăn ở, thậm chí còn có cả sự phân biệt, kỳ thị là những trở lực khiến các em khó vượt qua trên hành trình đi tìm cái chữ. Năm nào cũng vậy, cứ đến trước ngày khai giảng năm học mới, xã Ea Trang đều cử cán bộ đến từng nhà vận động bà con cho con em đến trường. Nhưng rồi cũng chỉ được lác đác vài cháu, sau vài hôm lại nghỉ. Theo phân tích của ông Y Nguôl thì bọn trẻ không thể cuốc bộ 5 cây số xuống trường học ở buôn M’Jam. Còn nếu có xe đạp chúng cũng không thể leo đèo mỗi ngày được. Cũng theo ông Y Nguôl cho biết thì mới đây, một tổ chức từ thiện đã đồng ý xây dựng nhà nội trú cho các em ở cạnh trường, nhưng chuyện ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ... của bọn trẻ không có ai lo. Vậy nên dự án vẫn chưa thể triển khai. Chuyện học ở làng phong cũng đã được chính quyền huyện M’Đrắc (Đác Lắc) trăn trở từ lâu nay nhưng xem ra vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi. Ông Lê Đình Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện cũng đã tính đến chuyện mở lớp học trên đỉnh đèo. Thế nhưng sau khi tính toán lại thì phương án này khó thực hiện bởi học sinh ở đây quá ít, lại nhiều lứa tuổi, có trình độ khác nhau nên rất khó... Vậy là chuyện về cái chữ ở làng phong vẫn đang còn là một câu hỏi dở dang chưa có lời đáp! Mà cũng không riêng gì câu chuyện về cái chữ, cuộc sống của người dân làng phong đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để bớt đi những khúc khuỷu, chênh vênh tạm bợ như lâu nay họ đã sống trên đỉnh đèo Phượng Hoàng này. NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184965&sub=127&top=39