Chuyện ít người biết về 'cha đẻ' của chiến thuật liên hoàn

“Là một người Tày, lớn lên ở Cao Bằng, tốt nghiệp quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc và lần đầu chỉ huy Trung đoàn Thủ đô giữa phố cổ Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến, bố tôi đã nghĩ ra cách đánh liên hoàn chặn đứng quân Pháp”. Ông Hoàng Đăng Phong - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng xúc động kể về người cha của mình – ông Hoàng Siêu Hải - Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô.

Người ở lại Hà Nội...

Ông Hoàng Siêu Hải (sinh năm 1917), người dân tộc Tày, là cán bộ quân sự cùng thời với những học trò thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Lê Quảng Ba, Đàm Minh Viễn, Đàm Quang Trung... Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Giải phóng quân thì có 25 người quê Cao Bằng và họ đã đi theo Bác từ ATK về Hà Nội tham gia giành chính quyền rồi lập nên Nhà nước cộng hòa non trẻ đầu tiên của Đông Nam Á. Nhiều người trong số họ đã trở thành những vị tướng, những vị lãnh đạo quân sự đầu tiên của chính quyền cách mạng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, một số người được cử đi Nam tiến, số còn lại như Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng, Hoàng Điền, Hà Tấn Công... đảm nhận trọng trách ở những địa bàn trọng yếu ngoài Hà Nội. Chỉ có một mình Hoàng Siêu Hải ở lại trong thành Hà Nội với vệ quốc quân. Đã nhiều lần Hoàng Siêu Hải đề đạt nguyện vọng với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đến những điểm nóng nhất trực tiếp cầm súng chiến đấu, nguyện vọng chưa được giải quyết thì toàn quốc kháng chiến bắt đầu. Bộ đội vệ quốc quân của Hoàng Siêu Hải cùng lực lượng tự vệ và toàn dân Hà Nội hợp thành một lực lượng chủ lực.

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội về căn cứ kháng chiến, tháng 2.1947. Ảnh: Tư liệu

Ngày 21.2.1947 Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Trung đoàn Thủ đô tại làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Tổng tư lệnh đã siết chặt tay Hoàng Siêu Hải - trung đoàn trưởng, Lê Trung Toản - chính ủy... Với riêng ông Hoàng Siêu Hải, con đường chinh chiến lại tiếp tục trải dài với việc tham gia các chiến dịch biên giới, Điện Biên... và cùng đồng đội trở về tiếp quản Hà Nội yêu dấu sau 9 năm dài kháng chiến.

Trải qua những ngày chiến đấu ác liệt, với một lực lượng nhỏ và trang bị vũ khí kém hơn nhiều so với quân Pháp, bộ đội vệ quốc quân thành Hà Nội đã liên tiếp lập chiến công: Bảo vệ vững chắc Bắc Bộ phủ ngày 20.12; đánh thắng tại khu vực Bộ Quốc phòng và trại Vệ quốc đoàn Trung ương (Hàng Bài); trận tập kích quân Pháp trên Yên Phụ; trận tập kích vào nhà Tiền đêm 23.12 giành thắng lợi lớn…

Âm mưu đánh chiếm nhanh Hà Nội bất thành, Tướng Moóclie bị cách chức, và Tướng Đépbơ được thay thế. Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ra lệnh: “Không ngại ngần khi dùng bom và đại bác quét sạch Việt Minh”.

Ngày 6.1.1947, Trung đoàn Liên khu I được tổ chức lại, do đồng chí Hoàng Siêu Hải làm Trung đoàn trưởng (đến 12.1.1947 Trung đoàn Liên khu I được mang tên mới là Trung đoàn Thủ đô).

Hoàng Siêu Hải biết rằng, giờ đây, bộ đội của mình đang nằm giữa vòng vây của kẻ thủ, phải có cách đánh làm sao bảo toàn được lực lượng. Nhiều phương án, nhiều cách đánh đã được đem ra bàn thảo. Tiểu đoàn trưởng Lâm Kính đề nghị được chỉ huy một đơn vị nhỏ nhưng đặc biệt tinh nhuệ, gan dạ, bí mật tập kích tiêu diệt và tóm gọn bọn chỉ huy Pháp tại đại bản doanh của chúng! “Không”, Hoàng Siêu Hải nói dứt khoát: “Đó là kế hoạch mang tính phiêu lưu, nặng về chủ nghĩa anh hùng cá nhân, quân đội viễn chinh Pháp mạnh và tinh nhuệ hơn nhiều quân đội Pháp thuộc địa. Chúng có nhiều vũ khí, nhiều tuyến phòng thủ…”.

Đánh du kích giữa lòng thành phố

Ông Hoàng Siêu Hải -Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô. Ảnh: T.L

Vậy thì đánh bằng cách nào? Những kiến thức quân sự học được tại Trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc) cùng kinh nghiệm chiến đấu trong những trận công đồn và việc thị sát địa hình, địa vật xung quanh khu Hoàn Kiếm đã mách bảo để ông đưa ra cách đánh duy nhất đúng – cách đánh liên hoàn.

Khu vực Liên Khu 1 có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngôi nhà cao rất phù hợp và thuận lợi cho chiến thuật liên hoàn: Xây dựng các chiến lũy trên các đường phố, tạo nhiều chướng ngại vật ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh của địch đột nhập. Đục thông tường các ngôi nhà liền kề để cho bộ đội di chuyển, yểm trợ lẫn nhau. Trên nóc các tòa nhà đặt hỏa lực mạnh án ngữ… Cách bố trí này sẽ kéo dài thời gian chiến đấu, có thể 1 tháng, 2 tháng hoặc lâu hơn. Với cách đánh này, lực lượng ta tuy mỏng và thiếu vũ khí nhưng đã nhiều lần chặn đứng các cuộc tiến công bằng xe tăng có đại bác yểm trợ của quân đội Pháp.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chào cờ buổi sáng tại căn cứ kháng chiến, năm 1947. Ảnh: T.L

Nhà văn, Thiếu tướng Hoàng Phương năm đó là một liên lạc trẻ của Trung đoàn Thủ đô kể: “Việc đục thông các ngôi nhà ở phố cổ giúp anh em luồn từ nhà này qua nhà khác rất thuận lợi mà bọn Pháp không phát hiện được. Chiến thuật liên hoàn này chính là một cách đánh du kích nhưng áp dụng ở thành phố. Quân ta xuất quỷ nhập thần làm giặc điên đầu. Nhiều trận đánh ác liệt làm vang dội tên tuổi Trung đoàn Thủ đô trong giai đoạn này như: Trận XôVa (phố Trần Quang Khải), trận nhà Hòa Nam (phố Hàng Giấy), vua bắn tỉa Vũ Tá Lâm tiêu diệt 12 lính Pháp, trận Trường Ke, trận đánh giáp la cà ở chợ Đồng Xuân”.

Với chiến thuật liên hoàn ấy, giặc Pháp không thể nào chiếm được Thủ đô. Sau 3 tháng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, lệnh của Trung ương Đảng rút trung đoàn ra vùng tự do để bảo toàn lực lượng. Nửa đêm ngày 17.2.1947 Hoàng Siêu Hải và hơn 1.200 người gồm các chiến sĩ, phụ nữ, trẻ em, thương binh bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên rồi vượt sông trên nhưng chiếc thuyền nan, trở về tập kết an toàn bên bờ hữu ngạn sông Hồng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chuyen-it-nguoi-biet-ve-cha-de-cua-chien-thuat-lien-hoan-731227.html