Chuyện ít biết về người thầy được tôn Thành hoàng làng suốt 700 năm

Thầy giáo Đỗ Khắc Chung đã đem đến chữ nghĩa, lễ giáo và trí tuệ cho dân làng Quan Tử (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), mở ra một hướng mới, hướng đầu tư vào nghiệp học của cả làng, có truyền thống tới hơn 700 năm nay.

Đầu tháng ba, giữa cái lạnh cùng những làn mưa phùn lất phất, phóng viên theo chân ông Lê Văn Long - cụ Từ trông coi Đền thờ thầy giáo Đỗ Khắc Chung, để thăm quan, tìm hiểu nơi thờ tự người thầy giáo được cả làng Quan Tử, xã Sơn Đông (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tôn thờ là Thành hoàng làng suốt 700 năm qua.

Là người gốc Hải Dương nhưng thầy giáo Đỗ Khắc Chung có công lớn đem đến chữ nghĩa, lễ giáo và trí tuệ cho dân làng Quan Tử, mở ra một hướng mới - hướng đầu tư vào việc học của cả làng. Theo cụ Từ Lê Văn Long, đền thờ thầy giáo Đỗ Khắc Chung được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIV trên nền lớp học cũ mà nhà giáo cư trú và dùng làm nơi dạy học cho nhiều thế hệ con em dân làng Quan Tử (tức làng Gốm xưa của xã Sơn Đông) trước khi vào làm quan nhà Trần.

Đền thờ thầy giáo Đỗ Khắc Chung. Ảnh: V.Hậu

Cụ Từ Lê Văn Long chia sẻ: Tên tuổi của thầy giáo Đỗ Khắc Chung nổi lên kể từ mùa xuân năm Ất Dậu (1285). Bấy giờ, hai đạo quân Nguyên, một từ Chiêm Thành tiến ra do Toa Đô chỉ huy và một từ đất Trung Quốc tràn xuống do chủ tướng Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu, cùng nhất loạt đánh phá ta, hòng bóp nát nước Đại Việt.

Tướng nhà Trần chịu trách nhiệm cản bước tiến của Toa Đô là Trần Kiện đã hèn nhát đầu hàng. Tình hình chiến sự diễn biến một cách rất phức tạp và hoàn toàn bất lợi cho ta. Triều Trần muốn nắm được chính xác thực lực của quân Nguyên, nhưng bối rối vì không biết ai có thể thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này. Đúng lúc đó, Đỗ Khắc Chung xin tình nguyện đảm nhận.

Nhân dân quen gọi là Miếu cụ Đỗ bởi ông được nhân dân tôn vinh là Thành Hoàng Làng. Từ xa xưa các bậc cao niên trong làng kể lại, đền được xây dựng trên thế đất bút nghiên - đất học. Có lẽ cũng bởi vậy mà cả làng Quan Tử nổi danh khoa bảng, thời kỳ phong kiến, cả huyện Lập Thạch có tất cả 22 tiến sĩ khoa bảng thì riêng làng Quan Tử xã Sơn Đông đã có tới 13 tiến sĩ.

Ngôi đền còn lưu giữ nhiều hiện vật và tư liệu quý như: Một bản thần phả chữ hán do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên 1572) và một bia đá ghi danh các bậc Tiên hiền liệt vị, những người đỗ đạt của làng Quan Tử năm Tự Đức Mậu Đán (1878).

Cụ Từ Lê Văn Long. Ảnh: V.Hậu

Đặc biệt có bản phả lục về sự tích Đỗ Khắc Chung - một công thần nhà Trần do Hàn Lâm Lễ Viện quan Đông các Đại học sĩ Lê Trung soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572). Ông đã làm quan dưới bốn triều Vua nhà Trần là: Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông; Với công lao, đóng góp to lớn cho giáo dục, ông được vua nhà Trần ban Quốc tính là Trần Khắc Chung.

Trong 13 tiến sĩ được vinh danh Khoa bảng qua các triều đại phong kiến Việt Nam ở làng Quan Tử, thầy giáo Đỗ Khắc Chung được người dân Quan Tử và những nhà nghiên cứu văn hóa Vĩnh Phúc ví như thầy giáo Chu Văn An của tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, đền thờ Đỗ Khắc Chung đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Nét cổ kính của ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ XIV. Ảnh: V.Hậu

Quan Tử được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo thống kê, từ năm 1075 đến năm 1919, Vĩnh Phúc có 86 tiến sĩ các đời, mở đầu là Trạng nguyên Phạm Công Bình Triều Lý cho đến những tên tuổi như “Tứ nguyên” Phí Văn Thuật, “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Triệu Thái...

Vĩnh Phúc có một hệ thống văn miếu, văn chỉ, văn từ cùng những “làng Tiến sĩ” nổi danh như: Quan Tử, xã Sơn Đông (có 13 tiến sĩ), Lý Hải (có 8 tiến sĩ), Thượng Trưng (có 5 tiến sĩ), Tứ Trưng (có 5 tiến sĩ)… và những dòng họ “Kế thế đăng khoa”, “Gia đình khoa bảng”…

Ngày nay, nối tiếp truyền thống Khoa bảng rực rỡ của các thế hệ làng Quan Tử hiện nay vẫn đề cao truyền thống hiếu học, thi cử đỗ đạt. Các dòng họ như , Lê, Nguyễn, Trần, Đặng, Hoàng đều có nhà thờ họ, là nơi thờ tự, lưu trữ những dấu tích, tư liệu về một thời lịch sử khoa văn hiển hách của ông cha. Đồng thời, đây cũng là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, các em học sinh tu dưỡng, rèn luyện, và noi theo.

Đền thờ thầy giáo Đỗ Khắc Chung là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh với người dân Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ảnh: V.Hậu

Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lập Thạch, cho biết: “Nhận thức rõ vai trò vị trí của thầy giáo Đỗ Khắc Chung đối với sự nghiệp văn hóa giáo dục của huyện Lập Thạch, nhiều năm qua phòng thường xuyên tham mưu UBND huyện, cấp ủy chính quyền các cấp tuyên truyền sâu rộng về đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung, những đóng góp trong việc đào tạo nhân tài cho quốc gia và làm rạng danh đất và người làng Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Bằng nhiều hình tuyên truyền, đền thờ Đỗ Khắc Chung thường xuyên là điểm đến thăm quan cho các thế hệ học sinh trên địa bàn huyện Lập Thạch với ý nghĩa lớn lao khích lệ tinh thần học tập, cổ vũ các em học sinh nỗ lực, phấn đấu theo con đường tri thức từ đó đạt được những thành tích cao trong học tập, để sau này đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương đất nước.

V.Hậu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-it-biet-ve-nguoi-thay-kiet-xuat-duoc-ton-thanh-hoang-lang-o-vinh-phuc-2254379.html