Chuyện hoàng đế dạy con

Ngay từ buổi đầu dựng nước, các hoàng đế nước Việt đã rất quan tâm đến việc dạy bảo con cái.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa: INT

Đặc biệt là những người được vua cha gửi gắm nhiều hy vọng nối tiếp ngai vàng.

Xây trường học, tìm thầy giỏi

Buổi đầu của nền độc lập, chính sự chưa ổn định, nền nếp còn chưa rõ ràng, sử cũ cũng không ghi chép nhiều về việc dạy con của các hoàng đế nước Việt. Càng về sau, việc này càng được coi trọng, đi vào quy củ.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm Thần Vũ thứ 2 (1070), đời vua Lý Thánh Tông “Mùa Thu, tháng 6, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng tử đến đấy học”.

Như vậy, Văn Miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông sau này), con trai vua Lý Thánh Tông, lúc đó mới 5 tuổi.

Cùng với việc lập Văn Miếu, nhà Lý còn cho dựng trường Quốc Tử Giám vào năm 1076. Đây được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc tử). Sách “Việt sử thông giám cương mục” chép: “Bính Thìn, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 tháng 4... lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó”.

Để tìm thầy giỏi, triều Lý cũng tổ chức tuyển chọn những người tài giỏi vào dạy học cho các hoàng tử. Sau khi đỗ đầu trong kỳ thi Minh kinh bác học năm 1075, Lê Văn Thịnh được giao nhiệm vụ vào hầu vua Lý Nhân Tông học tập.

Đến thời nhà Trần, thầy giáo Chu Văn An được bổ nhiệm làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám chuyên lo việc dạy học cho các hoàng tử. Nhiều vua Trần sau này như Trần Nghệ Tông, Trần Hiến Tông, Trần Duệ Tông đều từng là học trò của ông.

Ngoài dạy văn, dạy võ, các hoàng tử còn được học nhiều lĩnh vực khác như thiên văn, y dược… như trường hợp ông Nguyễn Đạo An (quê ở Hà Nội ngày nay) vì có tài bốc thuốc nên được bổ vào làm ở viện Thái y, kiêm dạy học cho các thái tử của vua Lê Thần Tông, giữ chức Thái phó, sau bổ sung làm Thị giảng.

Không chỉ các hoàng tử, công chúa cũng được dạy học. Bên cạnh chữ nghĩa, công chúa các vương triều còn được dạy về lễ nghi, cách đi đứng, ứng xử, làm thơ, phú… tới thời Lê, nhà vua phong cho bà Nguyễn Thị Lộ làm Lễ nghi nữ học sĩ vào cung để dạy cho công chúa, cung tần, mĩ nữ. Sau bà Nguyễn Thị Lộ là những nữ nhà giáo tiêu biểu khác như Nguyễn Thị Duệ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Hinh…

Những bài học sâu sắc

Không phó mặc cho thầy, nhiều hoàng đế nước Việt còn để lại những câu chuyện trực tiếp dạy bảo con cái của mình. Như theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1251, vua Trần Thái Tông “làm bài Minh cho các hoàng tử, dạy về trung - hiếu - hòa - tốn; ôn lương, cung - kiệm”. Năm 1274, vua Trần Thánh Tông “tự làm thơ để dạy hoàng tử và viết Di hậu lục hai quyển”.

Trần Nghệ Tông khi còn làm vua đã soạn tập sách “Hoàng huấn” 14 chương để dạy con. Sau này khi nhường ngôi cho con, làm Thái thượng hoàng, ông còn làm bài “Đế châm” 150 câu ban cho vua Trần Duệ Tông.

Trần Anh Tông cũng là vị vua nổi tiếng về việc dạy bảo con cái của nhà Trần. Theo chính sử, ông còn dạy vua con Trần Minh Tông cả chuyện ăn cơm. Chính sử chép “Thượng hoàng có lần ban bữa cho vua. Vua nhai rất kĩ. Thượng hoàng nói: Đàn ông phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn, cần gì phải nhai kỹ”. Khi ban bữa ăn cho các vương hầu, thượng hoàng cũng bảo thế.

Chính nhờ sự giáo dục chu đáo của vua cha nên Trần Minh Tông về sau trở thành vua tốt, thời trị vì của ông được xưng tụng là Minh Tông Thịnh thế. Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng “được răn dạy nghiêm ngặt như vậy nên tài đức từ đó mà nên. Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rõ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỳ cương đủ bày”.

Tiếp nối vua cha, Trần Minh Tông về sau cũng là ông vua để lại nhiều mẩu chuyện đẹp về nuôi dạy con cái. Năm 1356, khi ốm nặng, thấy các hoàng tử đến chầu, vua giáo huấn “các con cứ theo việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh”.

Vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê cũng nổi tiếng về dạy dỗ con cái. Từ năm 1465, vua bắt đầu cho người vào dạy học cho thái tử Lê Tranh, dù khi đó thái tử mới chỉ 4 tuổi. Thậm chí, vua còn làm thơ để răn dạy với những câu thơ như: Thân yêu há chẳng hết lòng này/ Xiểm nịnh làm cho dạ đổi thay/ Nước sử Phàn Cơ nêu đức tốt/ Trưởng Tôn hoàng hậu có mưu hay/ Tần Vương hận chuyện lăn ra sập/ Vệ Quán âu lo khéo giả say/ Trăm miệng ồn ào tai phải điếc/ Cư Châu đâu thấy được cảnh này.

Qua bài thơ, vua Lê Thánh Tông lấy nhiều điển tích, điển cố để dạy con, trong đó, câu nào ông cũng đề cập đến chuyện trị nước của đế vương ngày xưa. Ngoài ra, để con được học tập đầy đủ, Lê Thánh Tông còn ban chiếu để tuyển chọn người tài dạy hoàng tử. Ông cũng nhiều lần quở trách quan Thị giảng không làm tốt việc dạy học.

Một vị vua cũng nổi tiếng về răn dạy con cái là Minh Mạng triều Nguyễn. Không chỉ dừng lại ở việc giáo huấn, vua Minh Mạng còn sẵn sàng trách phạt những hoàng tử lười học. Như khi vua ra lệnh tước áo mũ của hoàng tử Miên Phú, cắt lương hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng hoàng tử, chỉ được gọi tên Phú, bỏ tên Miên, bồi thường cho bị hại 200 lạng bạc khi hoàng tử Miên Phú ham chơi, trốn học, tổ chức đua ngựa ở ngoài thành khiến thường dân thiệt mạng.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-hoang-de-day-con-post677597.html