Chuyển hạng, xếp lương GV còn hạn chế nên ngành SP chưa hút nhiều người giỏi

'Cần tiếp tục sửa đổi một số bất cập trong Nghị định 116 như đặt hàng, giao nhiệm vụ, thu hồi kinh phí để phù hợp với thực tiễn', thầy Tuyến nói.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuyến - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đã có những chia sẻ thực tế triển khai Nghị định 116 và vướng mắc trong công tác tuyển sinh của trường.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Về triển khai Nghị định 116, theo thầy Tuyến, những năm đầu, đa số các trường cao đẳng sư phạm đều lúng túng. Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh cũng gặp khó trong quá trình tham mưu mặc dù đã chủ động trình Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản từ rất sớm.

Mãi sau này, Trường mới được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền xét duyệt, phê duyệt danh sách sinh viên được hưởng kinh phí theo Nghị định 116.

“Năm học trước, trường có tổng 175 sinh viên đăng ký hưởng chế độ theo Nghị định 116. Năm học này, trường có gần 200 sinh viên. Mỗi khóa học, trường có 1-2 sinh viên không nhận hỗ trợ theo Nghị định 116”, thầy Tuyến chia sẻ.

Theo thầy Tuyến, điểm bất cập lớn nhất là thủ tục, cách thức và trách nhiệm thu hồi kinh phí của người học khi không làm trong ngành sư phạm hoặc bỏ nghề theo các điều khoản của Nghị định 116.

Vướng mắc lớn nhất mà các trường đang gặp phải và có thể vài năm nữa khó giải quyết triệt để là việc thu hồi kinh phí của sinh viên thực hiện theo Nghị định 116 nhưng sau khi ra trường không cống hiến trong ngành giáo dục.

“Khó khăn ở việc sinh viên ra trường tỏa đi khắp nơi nên việc liên hệ với sinh viên như thế nào để giám sát và ai là người chịu trách nhiệm đốc thúc thực hiện bồi hoàn? Số điện thoại của sinh viên và gia đình trong hồ sơ sinh viên hiện tại chưa chắc sau này đã liên lạc được để theo dõi.

Khó khăn này cũng khiến nhiều tỉnh không dám cấp kinh phí. Về thu hồi kinh phí, dù Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đi chăng nữa thì cũng giao cho nhà trường, trường lại giao cho giảng viên. Rõ ràng không thể “đuổi đuôi” sinh viên để thực hiện bồi hoàn”, thầy Tuyến nêu.

Thầy Tuyến kiến nghị, nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đặt ra vấn đề thu hồi kinh phí này của sinh viên.

“Hiện nay, theo Nghị định 116, việc thu hồi kinh phí phụ thuộc vào tự giác của sinh viên. Theo tôi được biết thì chưa có tỉnh nào thành lập một ban phụ trách nhiệm vụ này. Trong trường hợp các tỉnh giao cho trường, trường xác định được sinh viên nhưng giảng viên nào là người giám sát. Nếu không hoàn trả, sinh viên bị khởi kiện theo quy định nhưng đơn vị, cá nhân nào đứng ra khởi kiện? Hay năm nay, giảng viên này phụ trách giám sát sinh viên, nhưng vài năm sau nghỉ hưu thì công việc sẽ như thế nào?

Theo tôi, ngành giáo dục nên trở lại với việc thực hiện chế độ giống như trước, đó là sinh viên sư phạm được miễn học phí và có thể được hỗ trợ một khoản nhất định/tháng, không nên đặt ra vấn đề phải thu hồi kinh phí hỗ trợ sinh viên. Bởi, đây là vấn đề nan giải, thực tế triển khai khó khả thi”, thầy Tuyến chia sẻ thêm.

Vướng mắc thứ hai, trong kế hoạch tuyển sinh của các trường sư phạm năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tỉnh phải có cam kết triển khai thực hiện Nghị định số 116, điều này ngược với thực tiễn.

Cụ thể, tại văn bản số 266/BGDĐT-GDĐH ngày 19/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung yêu cầu khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phải cam kết triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đối với số lượng chỉ tiêu đào tạo của cơ sở xác định. Thầy Tuyến cho đây vấn đề này gây khó cho các đơn vị cấp dưới tham mưu. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thống nhất về kinh phí và bắt buộc các địa phương phải chi trả vì đây là chế độ cho đào tạo giáo viên.

Vướng mắc thứ ba, việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

“Rất nhiều tỉnh đang thiếu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học. Thế nhưng, để địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên là bài toán khó có lời giải vì việc thừa, thiếu giáo viên biến động trong tương lai chưa được đánh giá đúng.

Việc đặt hàng đào tạo giáo viên là kế hoạch cho vài năm sau. Tuy nhiên, có tỉnh, trong 1 năm, vài trăm giáo viên có thể nghỉ việc nên khó tính toán, dự đoán hết số lượng giáo viên thừa, thiếu để đặt hàng đào tạo.

Phải dự đoán được thừa, thiếu giáo viên sát với thực tiễn nếu không các địa phương cũng không dám đặt hàng đào tạo giáo viên”, thầy Tuyến chia sẻ.

Bên cạnh vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116, công tác tuyển sinh của trường cao đẳng sư phạm còn một số khó khăn nhất định.

Đơn cử, thầy Tuyến cho biết, nhà trường chủ động xác định nhu cầu sử dụng giáo viên của tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ trên toàn tỉnh để giải trình với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh về đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh. Kết quả là đã đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo mỗi năm tuyển 400-500 chỉ tiêu. Song, trường chỉ thực hiện được xung quanh 350 chỉ tiêu nhập học mỗi năm.

Nguyên nhân được thầy Tuyến đưa ra là do sức hút của xã hội đối với việc chọn nghề giáo viên mầm non thấp. Người học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có nhiều cơ hội việc làm ngay trong các khu công nghiệp với mức lương cao, tính chất giản đơn. Đặc biệt, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của sinh viên cao đẳng giáo dục mầm non phải đạt xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên hoặc tổng 3 môn trong tổ hợp xét tuyển thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 16 điểm trở lên, trong khi nhiều trường đại học lấy điểm chuẩn dưới 15 điểm hoặc xét học bạ.

Bên cạnh đó, dù thực hiện tuyên truyền rộng rãi về ưu điểm của Nghị định 116, nhưng việc chuyển hạng, xếp lương của giáo viên mầm non nói riêng, giáo viên tại các cơ sở giáo dục nói chung tại Bắc Ninh hiện nay còn hạn chế nên vẫn chưa khuyến khích người học chọn nghề nhà giáo.

Trước những vướng mắc, bất cập, thầy Tuyến đề xuất một số giải pháp, kiến nghị:

Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại việc quy định ngưỡng điểm đầu vào đối với cao đẳng sư phạm. Chỉ cần quy định điểm trung bình học tập lớp 12 của học sinh ở các môn trong tổ hợp thi/xét tuyển đạt từ 6.0 trở lên.

“Trong bối cảnh thực tiễn, giáo viên mầm non tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung đang thiếu, cung không đủ cầu. Và một trong những nguyên nhân là do ngưỡng đầu vào bất cập”, thầy Tuyến nhận xét.

Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu cho Chính phủ thực hiện quyết liệt chính sách cải cách tiền lương đối với giáo dục mầm non, trong đó có việc thực hiện quy định về xét nâng hạng theo quy định hiện hành.

Ba là, cần tiếp tục sửa đổi một số bất cập trong Nghị định 116 như đặt hàng, giao nhiệm vụ, thu hồi kinh phí,… để phù hợp với thực tiễn.

Bốn là, liên quan đến văn bản số 266/BGDĐT-GDĐH yêu cầu khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phải cam kết triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đối với số lượng chỉ tiêu đào tạo của cơ sở xác định, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ để có chỉ đạo theo hướng phù hợp.

Cho tới thời điểm hiện tại, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đã thực hiện chi trả cho 100% sinh viên có nhu cầu thụ hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trong số chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, không hạn chế số lượng, không phân biệt hộ khẩu thường trú của sinh viên. Việc chi trả được thực hiện qua chuyển khoản ngân hàng.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-hang-xep-luong-gv-con-han-che-nen-nganh-sp-chua-hut-nhieu-nguoi-gioi-post234159.gd