Chuyên gia tiết lộ phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Phẫu thuật loại bỏ Amidan/VA được coi là phương pháp điều trị đầu tiên đối với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em.

Ngưng thở khi ngủ (OSA: Obstructive sleep apnea) là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em phổ biến nhất là Amidan/VA bị phì đại.

Amidan (tổ chức lympho lớn nhất của cơ thể nằm tập trung phía dưới niêm mạc hầu thành đám nằm ở hai bên thành họng) và VA (là tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng, vị trí cửa mũi sau) có vị trí giải phẫu đặc biệt liên quan đến cửa ngõ của đường thở.

Khi Amidan/VA bị phì đại gây tắc nghẽn làm cản trở không khí vào phổi, có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ. Phẫu thuật loại bỏ Amidan/VA được coi là phương pháp điều trị đầu tiên đối với chứng bệnh này.

ThS BS Nguyễn Xuân Đạt.

ThS BS Nguyễn Xuân Đạt.

Dưới đây là lời khuyên của ThS.BS Nguyễn Xuân Đạt - chuyên gia Tai Mũi Họng dành cho các bậc cha mẹ có con nhỏ trong chăm sóc, điều trị bệnh lý tai mũi họng con trẻ.

- Thưa bác sĩ, chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng thế nào tới trẻ?

Chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) dẫn đến hàng loạt các bất thường và rối loạn khi ngủ, gồm ngủ ngáy, gián đoạn giấc ngủ, thức giấc khi ngủ, ngưng thở và giảm độ bão hòa oxy và có thể tăng CO2 máu.

Chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến các vấn đề về học tập và hành vi, các biến chứng về tim mạch và suy giảm tăng trưởng (gồm cả chậm phát triển) của trẻ. Chẩn đoán và điều trị sớm OSA có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chẩn đoán thường bị chậm trễ.

- Làm thế nào để nhận biết trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bởi phì đại Amidan/VA?

Cha mẹ cần quan tâm con mình khi ngủ. Các triệu chứng ngưng thở khi ngủ gồm ngủ ngáy, tiếng thở to hoặc khó thở, tạm ngừng thở giữa các nhịp thở hoặc đột ngột thở gấp, thở bằng miệng, bồn chồn không ngủ yên giấc, đổ nhiều mồ hôi, đái dầm hoặc đi tiểu đêm nhiều lần.

Khi cha mẹ đưa con đi khám, để chẩn đoán xác định chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ cần soi mũi họng để đánh giá kích thước Amidan, VA và đo đa ký hô hấp.

Khi soi tai mũi họng để đánh giá kích thước Amidan và VA, có thể thấy các trường hợp như VA phì đại (to) có thể che lấp toàn bộ cửa mũi sau gây tắc nghẽn và cản trở thở qua đường mũi. Amidan phì đại (to) có thể che lấp toàn bộ eo họng gây tắc nghẽn và cản trở thở qua đường miệng.

Đo đa ký hô hấp là phương pháp đo chỉ số ngưng - giảm thở (AHI: apnea – hypopnea index). Chỉ số này đo lường số lần trẻ bị ngưng thở (khi trẻ ngừng thở trong thời gian ngắn) hoặc giảm thở (khi trẻ ngừng thở một phần trong thời gian ngắn) trong khi ngủ. Đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá ngưng thở khi ngủ.

- Vậy khi nào cần phẫu thuật loại bỏ Amidan/VA để điều trị ngưng thở khi ngủ, thưa bác sĩ?

Quyết định điều trị được đưa ra tùy theo từng trường hợp cụ thể, cân nhắc quan trọng cho điều trị mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, độ tuổi của trẻ, các bất thường khi đo đa ký hô hấp, bệnh lý nền đi kèm hoặc các biến chứng liên quan đến ngưng thở khi ngủ.

Phẫu thuật loại bỏ Amidan được chỉ định khi Amidan phì đại, chỉ số ngưng - giảm thở (AHI: apnea – hypopnea index) >10 trên đo đa ký giấc ngủ, đồng thời xuất hiện các biểu hiện ngưng thở khi ngủ.

Đối với những trẻ bị ngưng thở khi ngủ không nghiêm trọng (AHI từ 2 - 10) việc chờ đợi thận trọng và điều trị nội khoa trong vòng 6 tháng là lựa chọn phù hợp (sau 6 tháng nhận định lại kích thước Amidan, các triệu chứng và mức độ nặng hay nhẹ của tình trạng ngưng thở khi ngủ).

Phẫu thuật loại bỏ VA đơn thuần (không cắt Amidan) không được khuyến cáo để điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em. Các triệu chứng và dấu hiệu tắc nghẽn thường tồn tại sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ VA đơn thuần.

Ngoài ra, nhiều trẻ em được phẫu thuật loại bỏ VA đơn thuần sau đó cũng không tránh khỏi việc phẫu thuật loại bỏ Amidan. Những trẻ trải qua phẫu thuật loại bỏ VA để điều trị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ cần phẫu thuật loại bỏ Amidan sau đó cao gấp đôi so với những trẻ được phẫu thuật loại bỏ Amidan trong các chỉ định khác.

Bên cạnh đó, một số dữ liệu nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ phẫu thuật loại bỏ Amidan mà không phẫu thuật loại bỏ VA thì kết quả điều trị cũng kém hiệu quả hơn việc phẫu thuật loại bỏ đồng thời Amidan và VA.

Việc phẫu thuật loại bỏ Amidan/VA phì đại để điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cần hết sức cẩn trọng bởi những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình gây mê - phẫu thuật. Trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật, cần tham vấn bác sĩ tai mũi họng có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm để đánh giá kỹ lợi ích và rủi ro tiềm ẩn - dự đoán hiệu quả điều trị.

Xin cảm ơn bác sĩ.

NHƯ LOAN

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-tiet-lo-phuong-phap-dieu-tri-chung-ngung-tho-khi-ngu-o-tre-ar872402.html