Chuyên gia tâm lý nói về cảm xúc đa chiều vụ cháy 13 người chết

Để hiểu hơn những ý kiến mang cảm xúc đa chiều, người tỏ ra tiếc thương, người thì buông lời “ác khẩu” về vụ cháy quán Karaoke ở Trần Thái Tông khiến 13 người chết, Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh. Vnexpress.

- Theo chuyên gia tại sao lại xuất hiện những lời bình không hay đó?

Nói về văn hóa bình luận khi có bất cứ một sự đau thương mất mát, tổn hại, tai nạn nào thì bình thường con người ta có sự đồng cảm chia sẻ dù đó là ai. Các facebooker lên mạng chỉ thấy một em bé bị nạn ngang đường cũng bấm like ngay và buông các lời bình luận như: “tội em bé”, “tội em quá”... mặc dù chẳng biết là ai, thậm chí ảnh đấy ở mãi tận Ả - rập – xê – út. Cái đấy là tính thiện của mỗi con người. Còn những lời buông miệt thị, thậm chí thô tục là những người thiếu ý thức.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh: I.T

Sự việc cháy quán Karaoke 13 người chết thì có đến 12 là quan chức. Điều này đã gieo vào trong lòng một số người có tâm lý dị ứng với những người làm quan chức. Họ cho rằng cứ là quan chức là tham nhũng nên không tỏ ra thương tiếc mà còn hả hê buông những lời “ác khẩu”. Ngoài ra, 12 cán bộ thiệt mạng do đi karaoke khi đang đi học và trong giờ hành chính... Điều này tạo nên cộng hưởng đã ghét lại ghét thêm. Ngược lại, nếu như 12 người này không may bị tai nạn giao thông hay bị nạn khi đi cứu trợ thì chiều hướng tâm lý sẽ khác. Có thể nói rằng, đây là dạng tâm lý vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên, từ đây những bộ phận người bị lên án cũng cần phải có kế hoạch tự điều chỉnh hành vi khi đã gieo vào cộng đồng những hình ảnh không đẹp.

- Phải chăng bây giờ, cư dân mạng tỏ ra quá hời hợt với cách biểu lộ cảm xúc, không để ý mình bình luận như thế nào trước các sự kiện trên mạng xã hội?

Mạng là một xã hội rất là mở. Một câu nói của mình một lúc sau có thể hàng nghìn người người biết. Họ cứ nghĩ rằng bức xúc bên ngoài nhưng họ không dám nói ở ngoài. Nói ở ngoài thì tai vách mạch rừng thôi thì lên trên đó nói để xả. Hơn nữa, mạng xã hội có tính ẩn danh nên người ta có thể núp bóng người này người kia được.

- Vậy chuyên gia có lời nhắn nhủ gì đến bạn đọc báoNTNN/Dân Việt nói riêng và cư dân mạng nói chung?

Lời đã nói ra thì không lấy lại được. Mọi người vẫn truyền nhau rằng, lời nói là đọi máu nên nó như thứ vũ khí có thể giết người thầm lặng. Do đó, những gì không liên quan, không biết tỏ tường thì chúng ta đừng có a dua theo. Mỗi người cứ nghĩ là chỉ cần bấm 1 cái like thì chả có ảnh hưởng gì nhưng triệu người vô trách nhiệm thì có hàng triệu like ngay. Chính vì vậy mọi người cần phải có ý thức hơn trong những bình luận, nhận xét về người khác khi chưa tỏ tường.

Tuy nhiên, trong mỗi một sự kiện ta cũng phải nhìn nhận từ 2 phía, mình cứ trách rằng cộng đồng mạng cứ vô cảm vô tình mà sao không đặt vấn đề tại sao người ta không vô cảm với người khác mà lại vô cảm với mình? Vậy mình có vấn đề gì không? Cái này không phải để hằn học, trách móc người ta mà để điều chỉnh bản thân để có hình ảnh đẹp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/chuyen-gia-tam-ly-noi-ve-cam-xuc-da-chieu-vu-chay-13-nguoi-chet-720517.html