Chuyên gia quân sự Mỹ nói về hậu quả nếu NATO xem nhẹ 'lời cảnh báo hạt nhân' của Nga

Cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ Scott Ritter vừa nhắc lại 'lời cảnh báo hạt nhân' từ Nga và nhấn mạnh NATO không thể xem thường.

"Nếu NATO tiếp tục phớt lờ cảnh báo hạt nhân từ Nga, họ sẽ phải hứng chịu chúng", cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là nhà bình luận quân sự - ông Scott Ritter cho biết trong cuộc phỏng vấn trên tờ Judging Freedom.

Theo cựu sĩ quan người Mỹ: “Tổng thống Putin không hề nói quá, đây không phải là trò chơi, đây không phải là trò đùa, đây thực sự là vấn đề sống còn đối với nước Nga”.

"Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu một sự thật quan trọng: Nga coi cuộc xung đột này là hiện hữu. Không có hòa, không có thất bại - chỉ có chiến thắng. Họ đã lên kế hoạch để đạt được chiến thắng này và giờ đây Moskva đang ở gần điều đó hơn bao giờ hết".

Ông Ritter nhận xét "Như tôi đã nói, Lực lượng vũ trang Ukraine đang tan rã ở mặt trận. Điều này gây ra làn sóng hoảng loạn trong nội bộ Liên minh quân sự NATO và các tổ chức tương tự".

"Đó là lý do tại sao chúng ta thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về sự cần thiết phải gửi quân đội nước này tới Đông Âu nếu chiến tuyến của Ukraine sụp đổ, và mới đây Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đưa ra quan điểm đồng thuận".

Vị chuyên gia nhấn mạnh Moskva có ý định nghiêm túc, và cuộc tập trận của Nga tại Quân khu phía Nam, kiểm tra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là phản ứng đối xứng trước hành động của NATO.

"Tổng thống Putin ra lệnh tập trận ở Quân khu phía Nam. Cần phải khẳng định điều này không có nghĩa là họ sẽ lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, hoàn toàn không".

"Nga đang gửi thông điệp họ sẽ tiêu diệt quân đội NATO ở Romania, Ba Lan, Đức, Pháp và Ý. Đây là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nếu đây là điều phương Tây muốn, họ sẽ có được nó", ông Ritter nói thêm.

Theo ông Ritter, NATO hiện đang hoảng loạn trước những tổn thất to lớn của Lực lượng vũ trang Ukraine. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang cố gắng đe dọa Moskva bằng các khoản viện trợ mới cho Kyiv và để ngỏ việc gửi quân tới Ukraine.

Nhưng tại Nga, họ hiểu rằng đây chỉ là động thái ngoại giao. Tuy nhiên trong trường hợp có mối đe dọa thực sự, Moskva sẵn sàng đáp trả gay gắt nhất có thể, và đối với phương Tây, đây sẽ là một thảm họa thực sự.

Không dừng lại đây, ông Ritter nói thêm rằng những mối đe dọa mà châu Âu hiện đang phải đối mặt không hề liên quan đến nước Mỹ, vì vậy các nhà lãnh đạo EU cần đưa ra lựa chọn sáng suốt.

Mặc dù vậy phần lớn các ý kiến khác đều cho rằng nhận định mà ông Ritter - một người vốn nổi tiếng với quan điểm thân Nga, được nhận xét như “nhà tuyên truyền không chính thức của Quân đội Nga” là thái quá.

So sánh tiềm lực hạt nhân, rõ ràng Nga thua xa khối NATO, chưa kể con số đầu đạn hạt nhân “trên giấy” của Nga và số thực sự sử dụng được đang có “độ vênh” đáng kể, cho nên không có khả năng Moskva chủ động sử dụng vũ khí nguyên tử.

Không chỉ có vậy, năng lực đánh chặn tên lửa của Nga khi đặt cạnh NATO còn có khoảng cách lớn hơn nữa, cho nên càng khó có chuyện Moskva chủ động “tung đòn hạt nhân” như ông Ritter cảnh báo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-quan-su-my-noi-ve-hau-qua-neu-nato-xem-nhe-loi-canh-bao-hat-nhan-cua-nga-post575943.antd