Chuyên gia phản đối đề xuất đi xe đạp ở Hà Nội

Không phủ nhận đi xe đạp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường, song một số chuyên gia cho rằng loại phương tiện này chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông Hà Nội hiện nay.

Giữa tháng 4, Sở Công thương đã trình UBND TP Hà Nội đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường.

Cơ quan này kiến nghị thành phố hỗ trợ vay 900 triệu từ Quỹ xúc tiến thương mại để khảo sát thực trạng sản xuất xe đạp của các doanh nghiệp, phân tích lợi ích của việc sử dụng; tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng; đề xuất các giải pháp phát triển trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, ôtô, xe máy tăng nhanh trong đô thị đang đe dọa nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, gây khó khăn cho việc quy hoạch phát triển giao thông, môi trường đô thị ngày một ô nhiễm. Do vậy, đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Xe đạp thích hợp với những người đi cự ly 2-3 km.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, sử dụng xe đạp đại trà có thể giảm ô nhiễm môi trường song không thể giảm ùn tắc. "Trên phố có nhiều người đi xe đạp nghênh ngang, đạp xe chậm chạp càng làm tắc đường. Nếu tăng người sử dụng xe đạp thì nguy cơ ùn tắc ngày càng cao. Tôi ủng hộ phương án sản xuất và lưu thông xe đạp điện hơn", ông Liên nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, những nước tiên tiến đã áp dụng giải pháp đi xe đạp, nhưng do đường sá của họ rất rộng, có làn riêng cho xe đạp, cho người đi bộ, xe máy. Còn áp dụng tại Hà Nội thì không khả thi. Hơn nữa, chiến lược phát triển giao thông đô thị của Hà Nội là vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị… chứ không phải xe đạp.

"Sở Công thương khuyến khích người dân đi xe đạp nhằm kích cầu đối với ngành công nghiệp sản xuất phương tiện này chứ không nhằm thay đổi hiện trạng giao thông. Doanh nghiệp thủ đô phải phấn đấu làm hàng chất lượng cao, hiện đại chứ không nên sản xuất xe đạp, quạt điện...", ông Liên thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ (ĐH Giao thông Vận tải) cũng cho rằng, xe đạp chỉ phù hợp với một số cán bộ viên chức không phải di chuyển nhiều với khoảng cách khoảng 3-5 km. Việc đi xe đạp có ý nghĩa nhiều hơn về mặt môi trường, còn về giảm ùn tắc thì khó đạt được vì diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy.

"Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thì cần có làn đường riêng, nhưng trong bối cảnh lòng đường Hà Nội hẹp như hiện nay thì điều này là rất khó", ông Nguyễn Quang Toản nhận xét.

Một lãnh đạo quản lý giao thông Hà Nội cũng cho rằng, mục tiêu của đề án hướng tới sử dụng phương tiện sạch, tiết giảm chi phí môi trường, tăng cường sức khỏe cho người dân là rất tốt. Tuy nhiên, với điều kiện giao thông tại Hà Nội hiện nay, với lượng xe máy, ôtô lưu thông rất lớn thì đưa xe đạp vào hoạt động sẽ không đảm bảo an toàn.

"Trên thế giới, không có nước nào cho phép xe thô sơ lưu thông với xe cơ giới, nhiều nước có làn đường dành riêng cho xe đạp và khuyến khích người dân đi lại bằng xe đạp để tăng cường sức khỏe chứ không sử dụng là phương tiện đi lại chính", nhà quản lý này nói và cho rằng với hạ tầng giao thông Hà Nội, rất khó để làm làn riêng cho xe đạp bởi diện tích mặt đường hẹp, nhiều giao cắt. Ngay loại phương tiện cần ưu tiên là xe buýt hiện vẫn chưa có nhiều đường dành riêng.

"Mục đích của đề án sử dụng xe đạp là tốt, song thời điểm hiện nay, điều kiện hạ tầng của Hà Nội là chưa phù hợp", vị chuyên gia giao thông khẳng định.

Theo VnExpress

Nguồn XZone: http://xzone.vn/Web/77/482/103940/Chuyen-gia-phan-doi-de-xuat-di-xe-dap-o-Ha-Noi.html