Chuyên gia nói gì về đề xuất đầu tư hơn 7.200 tỷ chống ngập cho Đà Nẵng?

'Không nên nghĩ nhiều về số tiền 7.200 tỷ đồng mà cần nhận diện rõ về giải pháp, hiệu quả tác động đến đô thị và người dân Đà Nẵng', ông Nguyễn Cửu Loan nói.

Đô thị trung tâm Đà Nẵng ngập sâu trong nước sau trận mưa xảy ra vào tháng 10/2022

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhà tư vấn đề xuất Đà Nẵng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cống thoát nước dài hơn 63km, cùng với việc nâng cao trình đô thị Đà Nẵng.

Vậy giải pháp này có giải quyết dứt điểm vấn đề ngập lụt của toàn TP Đà Nẵng hay không? VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng.

- Vừa qua, tại Hội thảo khoa học đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt ở Đà Nẵng, UBND TP đề cập đến Đồ án quy hoạch cùng đề xuất đầu tư loạt công trình chống ngập với tổng kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về con số đầu tư này?

- Ông Nguyễn Cửu Loan: Trước tiên phải nói rằng chính quyền Đà Nẵng rất quan tâm đến vấn đề ngập lụt đô thị và đời sống của nhân nhân TP, chính vì vậy đã mời chuyên gia, tư vấn và tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này.

Theo tôi, chúng ta không nên nghĩ nhiều về số tiền bao nhiêu mà cần nhận diện rõ về giải pháp gì cho việc chống ngập lụt đô thị cho Đà Nẵng và giải pháp ấy hiệu quả đến đâu, tác động như thế nào đến đô thị và người dân.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng.

Đồ án đã được đơn vị tư vấn thực hiện rất công phu, các vấn đề nghiên cứu, căn cứ khoa học rất thuyết phục về mặt lý thuyết, song cần phải lồng ghép vào quy hoạch các phân khu chức năng của đô thị Đà Nẵng. Điều này Đà Nẵng đã từng làm nhiều lần, song chưa được hoàn hảo và đô thị Đà Nẵng vẫn ngập khá nghiêm trọng.

Theo tôi, điều quan trọng của giải pháp là làm sao để người dân được sống an bình, phòng ngừa được những rủi ro từ những tác động của biến đổi khí hậu… Và để làm được điều này, chúng ta cần nhận diện được vấn đề của đô thị Đà Nẵng, hình thái đô thị… từ đó có những đề xuất và giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch chống ngập lụt của TP lại chưa đề cập sâu đến các nội dung này.

- Là chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng ở Đà Nẵng?

- Ông Nguyễn Cửu Loan: Tốc độ đô thị hóa ở Đà Nẵng quá nhanh khiến cho sức chống chịu của đô thị trước những biến đổi khí hậu bị giảm sút. Điều này biểu hiện ở nhiều nguyên nhân ngập, có nơi bị ngập là do cống rãnh không tiêu thoát được, có nơi dòng chảy bị ngăn cản, có nơi vì ý thức người dân, có nơi do chúng ta chưa có kế hoạch ứng phó trước như nạo vét mương cống… Tuy vậy, cũng phải nói rằng, sau cơn mưa nước rút rất nhanh, việc ngập lụt chỉ mang tính thời điểm.

Cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế là vấn đề ngập nặng gần như xuất hiện ở khu vực đô thị trung tâm của Đà Nẵng, nguyên nhân là do mật độ dân cư, đô thị hóa nhanh, hạ tầng thoát nước thiếu đồng bộ…

Và nguyên nhân lớn nhất là do địa hình của đô thị trung tâm Đà Nẵng thấp, trong khi đó chịu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu bán nhật triều, nên khi mưa lớn gặp đúng thời điểm triều lên, cộng với tác động của biến đổi khí hậu thì đô thị trung tâm Đà Nẵng khó thoát được.

Ngoài ra, do đặc tính địa hình đô thị trung tâm và lịch sử hạ tầng đô thị để lại, khiến cao trình cửa thoát của hệ thống thoát nước hiện có thấp hơn cao trình mặt nước sông/biển khi có triều cường khiến khả năng thoát nước bị hạn chế.

Hàng loạt ô tô chết máy trên tuyến Lê Duẫn (Đà Nẵng) sau trận ngập lịch sử xảy ra vào tháng 10/2022

- Tốc độ đô thị hóa ở Đà Nẵng đang quá nhanh. Điều này đang tác động ra sao đến khả năng thoát nước?

- Ông Nguyễn Cửu Loan: Đây là một trong nhiều nguyên nhân chính khiến đô thị Đà Nẵng bị ngập lụt ngày càng nghiêm trọng.

Điều dễ nhận thấy nhất đó là đô thị hóa khiến hệ thống hồ điều tiết của đô thị Đà Nẵng bị thu hẹp, vì vậy mỗi khi có mưa lớn nước không thể trữ, thấm nên buộc phải chảy tràn trên bề mặt, trong khi đó hệ thống thoát nước lại thiếu đồng bộ nên đã gây ra tình trạng ngập nghiêm trọng.

Hoặc nhìn về khu vực phía Tây TP, hệ thống công trình đô thị như công trình giao thông, đường cao tốc đã vô tình tạo nên những đê chắn, làm hạn chế khả năng thoát nước đô thị từ cao xuống thấp, hoặc dồn ứ cục bộ dòng chảy khiến tình trạng ngập ở một số khu dân cư trở nên nghiêm trọng.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho sự mất cân bằng, thiếu đồng bộ giữa công trình đô thị trên mặt và hệ thống công trình ngầm thoát nước.

- Ông hay nhắc đến thủy triều bán nhật, và diễn biến triều cường khiến mực nước sông dâng cao hơn cao trình miệng cống thoát, thậm chí tràn lên mặt đường Bạch Đằng khi mưa lớn. Liệu rằng khi xây dựng hệ thống cống dài hàng chục km, vấn đề ngập lụt sẽ được giải quyết?

Ông Nguyễn Cửu Loan: Theo tôi, điều kiện khí hậu là vấn đề lớn của Đà Nẵng, thách thức mà các nhà khoa học cần tìm lời giải.

Đặc tính đô thị chịu tác động của bán nhật triều, cộng hưởng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang là biến số cho bài toán thoát nước của TP. Đô thị Đà Nẵng đang đối mặt là mưa lớn xảy ra đúng thời điểm triều lên, cùng với biến đổi khí hậu nước biển dâng đã làm vô hiệu hệ thống tiêu thoát nước hiện có. Điều này đã bộc lộ tại trận mưa lịch sử xảy ra vào tháng 10/2022 và năm 2023.

Một thực tế nữa là hệ thống thoát nước của Đà Nẵng có cao trình cửa thoát gần như ngang bằng với mặt nước mặt, nên khi thủy triều lên nước thoát sẽ bị tống ngược trở lại gây ngập càng nghiêm trọng hơn.

Để tìm lời giải cho vấn đề này, chúng ta không chỉ nâng cao trình hay xây dựng hệ thống cống thoát hàng chục ngàn mét mà cần giải pháp đồng bộ và toàn diện. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá lại toàn bộ hiện trạng của hệ thống hạ tầng thoát nước, địa hình địa mạo chung của TP, của từng khu vực đô thị quận huyện, từng địa hình, từng mặt diện cống, từng dòng chảy… từ đó mới có những quyết định chính xác, hiệu quả.

Một đoạn đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị nước lũ và ngập lụt xé toang

- Để giải chống ngập lụt đô thị ở Đà Nẵng, theo ông, đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần giải quyết vấn đề gì?

- Ông Nguyễn Cửu Loan:Chúng ta phải thừa nhận rằng, thời gian qua Đà Nẵng cũng đã quan tâm, đầu tư rất nhiều về hệ thống thoát nước đô thị, nhưng với những gì đang xảy ra cho thấy khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước chưa phát huy được hiệu quả.

Quay trở lại với những đề xuất của đồ án, đồ án cần xem xét, cân đối giữa chi phí và hiệu quả trong việc nâng cao trình đô thị sẽ tác động gì đến hiện trạng đô thị, nhất là đô thị lõi trung tâm TP. Thậm chí nếu không thể nâng cao trình đối với khu đô thị trung tâm do việc nâng cao trình gây ra những hệ quả xấu cho đô thị cũ này thì chúng ta phải chấp nhận chịu ngập tạm thời. Và nếu như vậy cũng cần có kịch bản cụ thể.

Đối với hệ thống cống thoát nước cần đánh giá chi tiết và nên kết hợp giữa hệ thống thoát và hệ thống bể chứa ngầm để hạn chế tình trạng ngập đột ngột cho đô thị. Sự kết hợp này sẽ tối ưu hiệu quả của hệ thống thoát nước và giảm chi phí đầu tư.

Một vấn đề nữa đó là chúng ta cần có kế hoạch bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước một cách chủ động, nhằm ứng phó với biến đổi của khí hậu chứ không nên bị động, đợi đến mưa mới thực hiện.

Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức người dân trong việc khơi thông các cửa thoát nơi mình sinh sống nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho hệ thống.

Thậm chí, sau khi xem xét các vấn đề thực tế của đô thị hệ thống cấp thoát nước, chúng ta buộc phải có kịch bản chủ động chấp nhận sống chung với ngập lụt tại một số khu vực, trong một thời khắc nhất định.

- Cám ơn ông!

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-de-xuat-dau-tu-hon-7200-ty-chong-ngap-cho-da-nang-post175003.html