Chuyên gia Mỹ khuyến nghị tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 hằng năm

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Bidderford, Maine, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Có cần tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 hằng năm hay không đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 hiện nay nhìn chung đã cải thiện rất nhiều sau hơn 2 năm bùng phát.

Theo một bài viết đăng ngày 9/5 trên wellandgood.com, Tiến sĩ Sherif Mossad, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ) cho biết hiện tại vẫn chưa rõ liệu có cần tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 hay không.

Tiến sĩ Mossad nêu rõ việc tiêm vắc xin là cần thiết để phòng ngừa nguy cơ nhập viện cũng như tử vong, do đó ông khuyến nghị cần tiêm đủ liều và tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, như vậy, việc tiêm vắc xin nhắc lại hằng năm có thể không đủ để cung cấp sự bảo vệ, trừ khi COVID-19 trở thành dịch bệnh theo mùa rõ ràng tương tự như bệnh cúm.

Theo Tiến sĩ Mossad, virus SARS-CoV-2 biến đổi khó lường và có thể làm bùng phát các đợt lây nhiễm tiếp theo, do đó tốt nhất vẫn nên tạo sự bảo vệ ngay hiện tại bằng cách tiêm vắc xin đủ liều và tiêm các mũi tăng cường hơn là tiêm khi xảy ra một đợt bùng phát mới.

Trong khi đó, Tiến sĩ Otto Yang tại Khoa Y thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) cho biết các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về thời gian tồn tại của kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong cơ thể cũng như sự cần thiết phải tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19.

Vì vậy, hiện rất khó để xác định có nên triển khai tiêm nhắc lại định kỳ hằng năm hay không. Ông cho biết trong 1-2 năm tới, khi các nhà nghiên cứu xác định được COVID-19 có phải là bệnh bùng phát theo mùa hay không, sẽ có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này.

Trước đó, trong một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành JAMA, các quan chức hàng đầu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết nước này có thể triển khai việc tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 mỗi năm và mũi tiêm này có thể tiến hành cùng với mũi tiêm vắc xin phòng cúm mùa.

Tháng 6 có thể là thời điểm FDA Mỹ đưa ra quyết định về việc tiêm nhắc lại vắc xin trong mùa Thu và mùa đông. Trước đó, cơ quan này sẽ đưa ra quyết định về đối tượng đủ điều kiện tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 vào mùa thu.

Trong khi đó, các hãng sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 đang chuyển trọng tâm sang sản xuất mũi vắc xin tăng cường, một thị trường nhỏ hơn và cạnh tranh hơn. Các giám đốc điều hành (CEO) các hãng sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, trong đó có Pfizer Inc và Moderna Inc bày tỏ tin tưởng rằng phần lớn người dân đã tiêm chủng muốn tiêm mũi vắc xin tăng cường. Cho đến nay, hơn 5 tỉ người trên toàn thế giới đã tiêm chủng.

Trong năm tới, phần lớn các vắc xin ngừa COVID-19 sẽ là mũi vắc xin tăng cường hoặc mũi vắc xin đầu tiên dành cho trẻ em vốn vẫn đang được cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Theo dự báo, hãng Pfizer và đối tác BioNTech SE của Đức, Moderna sẽ vẫn đóng vai trò chủ chốt trên thị trường vắc xin ngừa COVID-19 cho dù nhu cầu về vắc xin trên toàn thế giới sẽ giảm.

Hãng sản xuất vắc xin Novavax Inc của Mỹ và CureVac NV của Đức, hiện đang hợp tác với hãng dược Glaxo SmithKline để bào chế mũi vắc xin tăng cường.

Trong khi đó, vai trò của hãng dược AstraZeneca Plc và Johnson&Johnson dự báo sẽ giảm tại thị trường này. Hiện vẫn chưa rõ liệu thế giới sẽ cần bao nhiêu mũi vắc xin tăng cường. Mũi vắc xin tăng cường thứ hai đã được khuyến nghị tiêm ở một số nước song chỉ một bộ phân dân chúng mới được tiêm mũi vắc xin này.

Theo CEO của hãng Pfizer, Albert Bourla, 2 năm sau đại dịch, người trưởng thành vẫn chưa tiêm chủng có thể sẽ không muốn tiêm trong khi những người đã tiêm chủng sẽ muốn tiêm các mũi vắc xin tăng cường.

CEO của hãng Moderna, Stephane Bancel ước tính khoảng 1,7 tỉ người trên thế giới (khoảng 21% dân số toàn cầu) sẽ tiêm mũi vắc xin tăng cường. Cả hãng Pfizer và Moderna đều sản xuất vắc xin theo công nghệ RNA cho biết đang phát triển các vắc xin phòng chống biến thể Omicron.

Mỹ và Tây Âu, nơi có khoảng 600 triệu người đã tiêm phòng COVID-19, sẽ vẫn là những thị trường quan trọng, song doanh số tiêu thụ chỉ bằng một phần doanh số trước đây. Các nhà phân tích dự báo vào năm 2023, hãng Pfizer/BioNTech đạt doanh thu trên 17 tỉ USD từ mũi vắc xin tăng cường trong khi của hãng Moderna là 10 tỉ USD, chỉ bằng một nửa doanh thu dự báo tương ứng là 34 tỉ USD và 23 tỉ USD mà các hãng kỳ vọng đạt được trong năm nay.

Trong diễn biến khác, ngày 9/5, báo chí Tunisia đưa tin Bộ Y tế nước này đã quyết định ngừng sử dụng vắc xin COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (vắc xin Janssen). Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Ali Mrabet cho biết rằng Chính phủ Tunisia đã đưa ra quyết định này sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) quyết định hạn chế sử dụng loại vắc xin trên do các biến chứng đáng lo ngại, bao gồm cả đông máu.

Ông nói thêm rằng Bộ Y tế Tunisia sẽ đảm bảo theo dõi cần thiết sau khi có cảnh báo quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, liên quan đến việc ngừng sử dụng vắc xin Janssen. Đồng thời, ông cho hay Bộ Y tế Tunisia đang thống kê số lượng vắc xin Janssen sẽ bị tiêu hủy sau đó.

Khuyến cáo hạn chế sử dụng vắc xin Janssen của FDA dựa trên kết quả của một nghiên cứu gần đây chứng minh vắc xin này đã gây ra cục máu đông đối với một số người ở một vài quốc gia trên thế giới. Ông Mrabet nhấn mạnh rằng Tunisia không ghi nhận trường hợp nào sử dụng loại vắc xin nói trên xảy ra vấn đề tương tự. Khoảng 1,3 triệu liều Janssen đã được sử dụng ở quốc gia này kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19.

Vắc xin Janssen được phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ vào ngày 27/2/2021.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/276279/chuyen-gia-my-khuyen-nghi-tiem-nhac-lai-vac-xin-covid-19-hang-nam.html