Chuyên gia lý giải việc không nên luyện thi đánh giá năng lực

Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.

Bùng nổ các khóa ôn thi, sách luyện đề

Trên mạng xã hội, thông tin về các khóa luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy xuất hiện với tần suất dày đặc. Nhiều gia đình có con ở độ tuổi THPT, đã đăng ký hoặc có ý định tham dự các kỳ thi riêng bị thu hút bởi lời quảng cáo hấp dẫn của những khóa học này như: tổng ôn, bứt phá đạt điểm tối đa 100+, tăng cơ hội đỗ trường tốp…

Thí sinh hãy dành thời gian tự ôn tập và lượng hóa kiến thức thay vì luyện thi đánh giá năng lực (Ảnh: CET)

Theo quảng cáo, thí sinh theo học khóa này sẽ chinh phục được mọi dạng bài. Cùng với đó, các trung tâm cũng mở nhiều khóa luyện thi cấp tốc 75 ngày bứt phá với các phòng luyện đề tiêu chuẩn, luyện đề thực chiến. Các trang luyện thi đồng thời chiêu sinh nhiều khóa ôn thi như khóa giải đề, khóa ôn từng môn, khóa live luyện đề, khóa combo… cùng chính sách khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Học phí khóa học có nhiều mức khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy theo hình thức học mà học sinh đăng ký.

Song song với khóa luyện đề, luyện thi, trên, các nền tảng thương mại trực tuyến cũng rao bán nhiều đầu sách luyện thi đánh giá năng lực: 20 đề đánh giá năng lực, giải mã đề thi đánh giá năng lực, đề luyện tập các môn thi đánh giá năng lực… Lời quảng cáo bán sách cũng tương tự rao bán khóa học, đó là “Cam kết 100% đỗ đại học”.

Anh Nguyễn Hòa Bình, trú tại quận Cầu Giấy cho biết, con anh năm nay dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thấy kiến thức của kỳ thi rất khó, rộng, mức độ cạnh tranh cao và một số bạn bè của con có tham gia khóa luyện thi nên anh cũng đăng ký cho con theo học. Ôn luyện được một thời gian, con anh nhận xét là không hiệu quả nên mặc dù đã đóng tiền rồi nhưng anh vẫn khuyên con nên nghỉ để tự học, tự ôn.

Với chị Nguyễn Thị Thu Yến, trú tại quận Hoàng Mai thì xác định cho con đi luyện đề vừa để củng cố kiến thức, vừa để rèn kỹ năng. “Dẫu biết rằng các đề ôn luyện chỉ mô phỏng, minh họa đề thi nhưng khi con làm đi làm lại, tôi thấy phần nào yên tâm. Tôi không quá kỳ vọng vào các khóa ôn luyện mà coi việc con đi ôn luyện cũng là một hình thức rà soát kỹ lại các phần kiến thức đã học trên lớp”, chị Yến nói.

Không chỉ cho con ôn luyện, chị Hoàng Thị Ngọc, trú tại quận Hà Đông còn đặt trên mạng một bộ sách gồm 4 bộ đề thi đánh giá năng lực với giá gần 550.000 đồng. Theo chị Ngọc, giá sách cộng khóa học là gần 5 triệu, giá đó không phải là đắt để mua sự yên tâm. Chị tin rằng, việc con vừa học trên lớp, vừa ôn luyện, vừa làm đề sẽ củng cố được kiến thức kỹ càng hơn.

Chuyên gia: Không nên luyện thi

Thấu hiểu tâm lý của phụ huynh và học sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, ôn thi là việc cần thiết, bất cứ một kỳ thi nào thí sinh cũng cần phải có kế hoạch ôn thi nghiêm túc. Thế nhưng việc luyện thi đánh giá năng lực lại không phù hợp, nếu không muốn nói là không có tác dụng, không hiệu quả.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024

“Việc luyện thi sẽ chỉ phù hợp với những bài thi tủ, những bài thi có 1-2 đề. Còn đối với những bài thi có tính chuẩn hóa như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, cách ra đề thi và số lượng câu hỏi sẽ bám vào chuẩn đầu ra của chương trình THPT, không tuyên bố giới hạn phần nào, không lược bỏ phần nào.

Ngân hàng đề của kỳ thi đánh giá năng lực – ĐH Quốc gia Hà Nội là vô cùng lớn, lên đến hơn chục nghìn câu hỏi phục vụ cho các đợt thi nên không có trung tâm hay thí sinh nào có thể đủ bộ nhớ để nhớ tất cả các câu hỏi. Cùng với đó, đề thi có yêu cầu bảo mật cao; những người làm công tác làm đề phải ký cam kết không tham gia luyện thi, không tổ chức luyện thi, không tiết lộ, không sử dụng ngữ cảnh đề thi. Thí sinh tham dự kỳ thi cũng phải đồng ý với thỏa thuận là không tiết lộ, chia sẻ đề thi với người khác trong và sau kỳ thi”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, để đạt kết quả cao của kỳ thi này, thí sinh không cần tham gia bất cứ hình thức luyện thi nào mà chỉ cần làm quen với dạng bài thi qua đề thi tham khảo đã được công bố và củng cố kiến thức các môn học bậc phổ thông.

Thí sinh cần hệ thống hóa kiến thức lớp 11, 12, có sự kết nối giữa các khoảng kiến thức, hiểu về khái niệm, bản chất, ứng dụng… Thí sinh cũng cần đọc kỹ bài học, trao đổi với bạn bè và tìm hiểu về những ứng dụng. Kinh nghiệm giúp các thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu tốt, xử lý tốt, logic hóa tốt...

“Hãy dành thời gian ôn tập, hệ thống hóa lại kiến thức. Bài thi tham khảo, cấu trúc đề, đề cương chi tiết của các bài thi đánh giá năng lực đều đã công bố, thí sinh ít nhất phải đọc qua, xem trong đó phần nào còn yếu để đẩy mạnh ôn tập. Hơn nữa, chỉ nên tham dự thi 1 lần và cố gắng hết mình để đạt kết quả cao nhất, tránh tâm lý thi tập dượt hay thi thử vì gây lãng phí, làm mất cơ hội của người khác mà điểm số không cải thiện”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đưa ra lời khuyên.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh - ĐH Bách khoa Hà Nội đồng quan điểm cho rằng, với các nội dung trong bài thi đánh giá tư duy, thí sinh hoàn toàn có thể tự ôn tập. Củng cố kiến thức THPT là thí sinh có thể làm tốt các bài thi. ĐH Bách khoa Hà Nội đã cung cấp đầy đủ các tài liệu về mô tả cấu trúc bài thi, các ví dụ minh họa, đề thi mẫu và tổ chức thi cho thí sinh nên các em hãy tận dụng những tài liệu chính thống mà trường công bố để tự ôn tập.

Về các tài liệu rao bán trên mạng về nội dung luyện thi đánh giá năng lực, đại diện Trung tâm Khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định không xuất bản bất kỳ ấn phẩm nào liên quan đến luyện thi. Các tài liệu quảng cáo trên mạng đều là tài liệu không chính thức và không phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; vì vậy phụ huynh và thí sinh nên cảnh giác, tiếp cận với nguồn tài liệu có kiểm chứng để đảm bảo ôn tập đúng hướng và đạt kết quả thi cao nhất.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-ly-giai-viec-khong-nen-luyen-thi-danh-gia-nang-luc.html