Chuyên gia lý giải: Dâng sao giải hạn, giải được hạn không?

Với niềm tin dâng sao giải hạn sẽ giải được hạn, nhiều người đã không tiếc công, tiếc của cúng sao giải hạn mong có một năm mới may mắn, bình an.

Ngày mùng 1 Tết, chị Nguyễn Thị Thu Giang (Hà Đông, Hà Nội) đã đến chùa để làm lễ dâng sao giải hạn cho chị. “Năm nay, tôi hạn sao Thái Bạch. “Thái Bạch chiếu sạch cửa nhà”, thôi thì cứ làm lễ cho an tâm”, chị Giang nói.

Những câu nói như “nam La Hầu, nữ Kế Đô”, “49 chưa qua, 53 đã tới”… đã khiến nhiều người bỏ cả tiền triệu ra cúng sao giải hạn với niềm tin giống như chị Giang: thôi thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thế nhưng, liệu dâng sao giải hạn có giải được hạn không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, bản thân người dâng sao giải hạn cũng còn hồ nghi.

Ảnh minh họa: Phật Giáo.

Không thể giải được nhân quả

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay, dâng sao giải hạn không phải là tư tưởng của Phật giáo. Bởi lẽ, nếu cúng sao giải được hạn thì có nghĩa là giải được nhân quả.

“Giả dụ người xấu cứ tranh đoạt, làm việc bất thiện rồi đến nhà chùa nhờ giải hạn cho, thế thì xã hội này loạn, còn đâu luật đời, luật trời. Cái đó là phi nhân tính, phi đạo đức đặc biệt là phi nhân quả”, TS Bùi Hữu Dược nói.

Theo TS Bùi Hữu Dược, nhân quả không phải chỉ là của nhà Phật mà là “quy luật sắt” của vũ trụ. Theo đó, ở hiền thì gặp lành, xấu thì gặp xấu, gieo gió thì gặp bão. Chỉ có điều không gặp lúc này thì gặp lúc khác, không gặp đời này thì gặp đời khác.

Dâng sao giải hạn là việc đánh lừa con người trong thời khắc nhất định, giống như người đi vay, không trả lúc này thì phải trả lúc khác, việc “giải hạn” chỉ là xin hoãn, chứ không tránh được.

Thay vì dâng sao giải hạn, thì hãy biết tin vào nhân quả. Chuyện kể, có nhà sư nói chuyện với nhà bác học Anhxtanh, Anhxtanh nói: Mọi thứ trên thế gian này là tương đối. Nhà sư nói đúng là như thế, nhưng có một thứ tuyệt đối đúng là tính nhân quả. Chỉ có điều chưa biết lúc nào nó đến, là cái tương đối, còn nhất định phải đến là tuyệt đối. Anhxtanh thừa nhận đúng thế. Nếu giáo dục cho con người ta tin vào nhân quả, người ta sẽ làm việc thiện, tốt.

Các vì sao không hề có công năng huyền bí

Đồng quan điểm, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA cho hay, dâng sao giải hạn không thuộc tôn giáo, không thuộc đạo Phật.

Đức Phật đã dạy cho mọi người hãy phát nguyện sống trong tinh thần lục hòa, bằng cộng lực của muôn chúng sinh, tự dựa vào sức mạnh của chính mình, chứ hoàn toàn không dựa vào việc cầu xin tha lực của các vì sao huyền bí xa xôi trong vũ trụ. Đạo Phật coi tập tục cúng sao vào nhóm mê tín, tà kiến.

Còn theo tư duy khoa học, tên của các “vì sao” chính là các “biến số” được gán theo ý nghĩa tượng trưng, hoàn toàn không mang ý nghĩa công năng huyền bí như người xưa vẫn nghĩ. Đức Phật sau khi chứng Tam Minh, ngài nhìn thấy hằng hà sa số thế giới, và chỉ rõ vai trò tự chịu nhân quả của mỗi chúng sinh trong cõi thế gian.

Sự phát kiến của khoa học vũ trụ cũng đã chỉ ra rằng không nên thần thánh hóa quyền lực của các “sao” vô tri vô giác trong hằng hà vũ trụ mà quên đi hiệu ứng của quy luật nhân duyên do chính bản thân đã tự gieo trong quá khứ, được lưu giữ trong tàng thức. Khi gặp duyên thì đồng hồ sinh học sẽ “báo thức” nảy mầm và thành quả báo.

“Mỗi cá thể sinh học chính là chủ nhân của nghiệp lực, là chủ thể của các “vì sao” được cài sẵn trong tàng thức, do vậy chẳng nên cúng kính tha lực hoặc cầu xin sự ban ơn của các “sao” ở bên ngoài, mà hãy xoay lại “thương lượng” với chủ nhân của nghiệp lực – đó chính là chúng ta”, TS Vũ Thế Khanh nói.

Mời quý độc giả xem video: "Lễ hội chùa Hương – Hành trình về với miền đất Phật". Nguồn: VNEWS.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chuyen-gia-ly-giai-dang-sao-giai-han-giai-duoc-han-khong-1956141.html