Chuyên gia kinh tế: Báo cáo của Chính phủ toàn diện, thẳng thắn

Báo cáo của Chính phủ toàn diện, thắng thắn khi đề cập việc làm được, việc chưa làm được trong phát triển KT-XH. Nhưng bên cạnh đó, việc giải quyết những vấn đề lớn, những cân đối lớn của nền kinh tế cần giải pháp thực chất, mạnh mẽ.

Đây là ý kiến của một số chuyên gia kinh tế sau khi nghiên cứu Báo cáo tình hình KT-XH năm 2016 và nhiệm vụ 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV ngày 20/10.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Báo cáo toàn diện, thẳng thắn

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ 2017 của Chính phủ khá toàn diện, đề cập đầy đủ các mặt, các lĩnh vực, nêu được những việc Chính phủ đã làm được và thẳng thắn đánh giá những việc chưa làm được hoặc còn hạn chế. Báo cáo cũng đưa ra được kế hoạch cho năm 2017, tuy nhiên cần nhấn mạnh hơn vấn đề chính.

Báo cáo đầy đủ nhưng mong Chính phủ có thông điệp mạnh mẽ hơn, tập trung hơn. Chẳng hạn, trong năm 2016, Báo cáo cần làm rõ những tồn tại, hạn chế, những bất cập do nguyên nhân nào (ngoài những sự cố về thiên tai phải kể đến sự chuyển động chậm của bộ máy). Một số bất cập kéo dài từ nhiều năm, nhưng đến nay các bộ, ngành vẫn lúng túng trong xử lý, chẳng hạn quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may khiến các doanh nghiệp dệt may bức xúc. Mặc dù sau đó Bộ Công Thương đã gỡ vướng, nhưng cần kịp thời hơn…

Mặc dù nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử nhưng vẫn cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài… Vì vậy, điều rất mừng là thông điệp về “Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương” đã được Báo cáo của Chính phủ đề cập (Phần B. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017/Mục II. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu).

TS. Lưu Bích Hồ

TS. Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT): Bức tranh rõ ràng, xác thực về tình hình KT-XH

Báo cáo của Chính phủ đã làm nổi bật những điểm quan trọng về kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong 9 tháng qua, dự kiến cả năm và nhiệm vụ giải pháp trong năm tới.

Đây là một bức tranh rõ ràng và xác thực về tình hình kinh tế-xã hội, một hoạch định đúng đắn, thiết thực và mạnh mẽ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm tới. Có thể nói, đây cũng là thể hiện Chính phủ và người đứng đầu đã có một bước đổi mới về nội dung và phong cách làm việc tạo thuận lợi cho Quốc hội thảo luận và quyết định một công việc hết sức trọng đại của đất nước.

Xin được nêu một số điểm nhấn nổi bật của Báo cáo:

Về tình hình chung, đặt trong bối cảnh thuận lợi thêm chưa có nhiều nhưng khó khăn lại gay gắt hơn nhiều, kết quả đạt được của 3/4 thời gian một năm thật không dễ dàng, đáng được ghi nhận. Công sức, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã ở mức rất cao.

Chính phủ mới dù mới chỉ hoạt động được 6 tháng nhưng đã thể hiện quyết tâm rất lớn và hành động quyết liệt. Ba tháng còn lại sẽ tiếp tục phải nỗ lực cao nhất để cơ bản thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ cả năm.

Về năm 2017, trọng tâm trọng điểm đã rõ ràng, quyết sách đã đưa ra mạnh mẽ, xác đáng. Như vậy, dứt khoát kinh tế xã hội được giữ ổn định. Tăng trưởng đẩy lên một bước. Tài chính tiền tệ vững chắc, lành mạnh dần. Tái cơ cấu thực chất và đột phá mạnh hơn, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng-tín dụng, nông nghiệp.

Việc nắm vững nền tảng và đòn bẩy thể chế, khoa học công nghệ để đất nước hội nhập bằng sức cạnh tranh với yêu cầu cao hơn, tất cả tùy thuộc vào sự chuyển biến mạnh hơn nữa của bộ máy chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện.

GS.TS Trần Ngọc Thơ

GS. TS. Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TPHCM): Rất cần giải pháp thực chất

Theo tôi, năm 2016 là năm chuyển giao nên tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, tuy nhiên qua việc đạt được những chỉ tiêu mà Báo cáo do Thủ tướng trình bày, có thể nói những thành quả đạt được là một sự cố gắng lớn.

Về kế hoạch năm 2017, tôi cho rằng giải pháp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cần được chỉ rõ, cụ thể hóa.

Chính phủ cần đưa ra vấn đề cân đối phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế Nhà nước, bao gồm đẩy mạnh cả số lượng các doanh nghiệp tư nhân thành lập cũng như chỉ số đóng góp vào GDP của khu vực này.

Về tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Báo cáo cần đưa ra giải pháp thực chất (ví dụ như việc xử lý triệt để nợ xấu cụ thể thế nào). Chính phủ cần tính đến việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Đối với việc huy động vàng và ngoại tệ trong dân, giải pháp này nếu thực hiện cần bảo đảm để người dân không hoang mang, mà phải làm rõ các giải pháp. Vấn đề này hiện mới có ý kiến của các chuyên gia, vì vậy cần lấy thêm ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng.

Về chính sách tiền tệ, cần kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng, bảo đảm chất lượng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt kiểm soát luồng tín dụng đổ vào bất động sản. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kiểm soát chặt việc tín dụng đổ vào bất động sản nhưng tín dụng từ các kênh khác (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ…) chảy qua bất động sản lại chưa thực sự được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, cần có cơ chế kiểm soát để tránh tình trạng thị trường bất động sản phát triển quá nóng.

Thanh An

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/chuyen-gia-kinh-te-bao-cao-cua-chinh-phu-toan-dien-thang-than/289477.vgp