Chuyên gia 'hiến kế' cho phố đi bộ Hà Nội

Phố đi bộ quanh Hồ Gươm hai ngày cuối tuần đã cung cấp thêm người dân Thủ đô một “không gian hạnh phúc”, đó là điều không thể phủ nhận. Hà Nội đang nghĩ làm thế nào để phố đi bộ trở nên thông minh và sáng tạo hơn.

Chiều ngày 16/12,tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội do UBND Quận Hoàn Kiếm phối hợp với một số đơn vị tổ chức nhằm mục đích trên.

Phố đi bộ nhắc Hà Nội đang ô nhiễm nặng

Trước khi có phố đi bộ , cung đường quanh Hồ Gươm vài năm gần đây đã rơi vào tình trạng đông nghẹt xe máy vào cuối tuần. Khi tắc đường, ô nhiễm tấn công đến “lẵng hoa” Hồ Gươm, tức là thành phố đang đi tới giới hạn của sự chịu đựng.

Giáo sư Kim Donyum, thành viên Ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, Đại học Sungkyunkwan thẳng thắn chia sẻ: "Tôi có đọc một vài số liệu phân tích cho biết Hà Nội đang trở thành thành phố ô nhiễm khá nặng. Tất nhiên việc chuyển từ xe máy sang phương tiện giao thông công cộng không dễ. Nhưng thành phố cần có tầm nhìn hướng Hà Nội trở thành một thành phố thân thiện".

Biển người đi bộ đông nghịt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Kiến trúc sư Nguyễn Nga, người từng đề xuất dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên với UBND TP Hà Nội góp ý với Hà Nội nên tính tới phương án xử lý rác thải. "Hội An không thể xanh và sạch như hôm nay nếu thiếu công nghệ xử lý rác thải. Hà Nội cũng nên tính tới điều đó".

Không nói đâu xa, Hội An chính là một mô hình mà Hà Nội có thể tham khảo và học tập. Đô thị này đã biết khai thác di sản và dần tiến hướng đến phát triển theo hướng thành phố sinh thái. Sở dĩ Hội An thành công là vì thực sự mong muốn phát triển hài hòa với tự nhiên, có được sự ủng hộ của những người lãnh đạo và sự góp sức của người dân.

Đi bộ giúp kinh tế phát triển?

Khi mới triển khai phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm, nhiều hộ kinh doanh đã bị ảnh hưởng. Đơn cử như các nhà hàng tạm thời sẽ mất khách, vì khách hàng khó tìm được chỗ để ô tô. Nhưng các siêu thị gần Hồ Gươm đông khách hơn rất nhiều. Nên về lâu dài, nếu có quy hoạch tốt để người dân chuyển đổi thì mọi việc sẽ vận hành tốt hơn.

Giáo sư Kim Donyum cho biết: "Phố đi bộ giúp người dân khỏe mạnh hơn, tương tác cộng đồng tốt hơn, tỉ lệ tội phạm giảm, ô nhiễm giảm... Từ mô hình phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm sẽ cải thiện các khu vực lân cận".

Năm 2017, Hà Nội có tiếp tục tuyến phố đi bộ quanh Bờ Hồ?

Ngày 13/12, UBND Tp. Hà Nội đã họp bàn với các sở, ngành và quận Hoàn Kiếm để rà soát, đánh giá và triển khai thực hiện các tuyến phố đi bộ một cách bài bản hơn trong thời gian tới.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh một điều, những thay đổi nên xuất phát từ chính cộng đồng dân cư. Nếu người dân thực sự muốn gìn giữ không gian chung thì mọi chuyện sẽ thúc đẩy nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Kim Donyum, người dân quyết tâm thôi chưa đủ, thành phố cần đề ra những quy định phù hợp với sự phát triển. "Ở Hàn Quốc luật pháp quy định việc quản lý không gian công cộng rất chặt chẽ. Doanh nghiệp nào muốn thuê không gian công cộng cho mục đích thương mại thì phải cam kết phạm vi thực hiện, thời gian sử dụng và phải đóng góp lợi ích cho cư dân khu vực đó".

Phố đi bộ đón hàng vạn người mỗi tối

Từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã triển khai không gian đi bộ tại Phố cổ Hà Nội. Đến đầu tháng 9/2016, UBND TP Hà Nội cho phép tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Qua 4 tháng thí điểm, UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết khách du lịch tăng 1,5 triệu người (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015). Mỗi ngày phố đi bộ buổi tối đón khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ, du lịch tăng 12 cửa hàng.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/chuyen-gia-hien-ke-cho-pho-di-bo-ha-noi-n20161217064743098.htm