Chuyên gia gợi ý nhóm ngành đầu tư trong quý 2/2024

Ngân hàng, bất động sản, xuất khẩu, vật liệu xây dựng, cảng biển, thép là các nhóm ngành mà chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) quan tâm trong quý 2/2024.

Tại Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024, Phó phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Đại Hiệp đã chỉ ra một số nhóm ngành quan tâm trong quý 2 này.

Ông Hiệp chỉ ra các nhóm ngành quan tâm trong quý 2

Ngành ngân hàng là nhóm đầu tiên được ông Nguyễn Đại Hiệp quan tâm. Nhận định về triển vọng của ngành này, Phó phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân VDSC cho biết, thứ nhất là lãi suất vay thấp sẽ kích thích nhu cầu vay; thứ hai, việc Thông tư 02 có thể được giãn thêm cũng là tin vui đối với ngành này; thứ ba, nhờ vào các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản.

Ngoài ra, việc nền lãi suất thấp sẽ tạo cho các ngân hàng quốc doanh lợi thế về mặt chi phí lớn hơn, lãi suất cung cấp cho khách hàng cá nhân tốt hơn. Ở nhóm ngân hàng tư nhân vẫn là câu chuyện kiểm soát chi phí tốt, tiếp tục duy trì sự tăng trưởng an toàn hoặc hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro liên quan đến việc hấp thụ vốn còn hạn chế khi kinh tế thế giới còn khó khăn và kinh tế Việt Nam không thể phục hồi quá nhanh; áp lực về mặt đáo hạn trái phiếu là rủi ro khác, đặc biệt liên quan các trái phiếu bất động sản, năm nay đáo hạn hơn 95 ngàn tỷ, chủ yếu rơi vào tháng 6 và tháng 9.

Đối với ngành bất động sản dân dụng, đã chứng kiến sự hồi phục tại TP HCM và TP Hà Nội về lượng giao dịch, số lượng dự án được cấp phép cũng như số lượng dự án đang triển khai trong nửa cuối năm 2023, dựa trên số liệu của Bộ Xây dựng.

“Trừ Vinhomes thì có thể thấy lợi nhuận sau thuế nhóm doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi, có sự cải thiện về dòng tiền, vấn đề pháp lý dần được khắc phục theo hướng chính sách mới khi đi vào thực tế sẽ gỡ được một số khó khăn nhất định (tùy mỗi trường hợp) của doanh nghiệp bất động sản. Nhóm này cũng nhạy cảm với lãi suất, khi lãi suất thấp sẽ kích thích nhu cầu người đi vay”, Ông Hiệp phân tích. Bê cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng, áp lực thanh khoản đối với các doanh nghiệp vẫn rất cao. Thách thức về mặt pháp lý thực hiện dự án vẫn hiện hữu.

BĐS tiếp tục là nhóm ngành được quan tâm trong quý 2

Về ngành bất động sản khu công nghiệp, xu hướng thu hút FDI được ông Hiệp đánh giá vẫn còn rất tốt. Bên cạnh đó, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định 227, nâng chỉ tiêu sử dụng đất ở một số địa phương. Về mặt thách thức, ngoài quỹ đất, thì phê duyệt lựa chọn chủ đầu tư cho dự án sau Nghị định 35 ngày càng khó, dẫn đến rào cảng gia nhập ngành cao. Những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, sẵn sàn cho thuê sẽ có lợi thế.

Đối với nhóm bán lẻ, ông Hiệp cho biết, nhà bán lẻ lớn nhất là MWG trong mảng ICT và thực phẩm có tín hiệu ngưng cuộc chiến về giá, đây là tín hiệu có thể kỳ vọng. Năm qua, dù có lấy được thị phần, nhưng lợi nhuận đã bị ảnh hưởng nặng. Đến năm nay, các doanh nghiệp đánh giá sức cầu phục hồi và họ tập trung tiêu chuẩn hóa và tối ưu mô hình của Bách Hóa Xanh. Còn bán lẻ dược phẩm, là câu chuyện của Long Châu và FRT. Xét về rủi ro là cạnh tranh về giá có thể kéo dài, thu nhập người dân tăng trưởng chậm.

Ở nhóm xuất khẩu, các dữ liệu từ đầu năm đến nay với 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với nền thấp của cùng kỳ năm trước như gỗ, dép, điện thoại, linh kiện điện tử và dệt may. Một tin tốt là việc xuất khẩu gỗ nội thất sang Mỹ là tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm, số lượng cấp phép xây dựng nhà ở của Mỹ cũng tăng.

Ngành cảng biển cũng chứng kiến sự tăng trưởng về mặt xuất nhập khẩu sang các thị trường chủ lực. Giá trị xuất khẩu thông qua container đường biển qua các thị trường này có sự phục hồi.

Nhóm vật liệu xây dựng cũng kỳ vọng sự phục hồi của bất động sản và đầu tư công. Kỳ vọng chi tiêu tài sản cố định của các doanh nghiệp tư nhân tăng trở lại khi kinh tế phục hồi.

Ngành thép kỳ vọng nhu cầu trong năm nay cũng phục hồi theo sự ấm lại của ngành bất động sản cũng như cơ sở hạ tầng. Giá nguyên vật liệu đầu vào kỳ vọng sẽ biến động trong biên độ hẹp. “Tuy nhiên, thép xây dựng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn bởi thị trường Trung Quốc. Năm 2023 là năm xuất khẩu rất cao của Trung Quốc. Trong khi, Mỹ và EU là thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu HRC – có ứng dụng rộng rãi hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Phùng Xuân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chuyen-gia-goi-y-nhom-nganh-dau-tu-trong-quy-22024-121707.html