Chuyên gia giáo dục chia sẻ cách chống 'sốc' cho tân sinh viên

Chuẩn bị vào đại học, tân sinh viên sẽ phải đối mặt với một 'thế giới mới' khác xa so với cuộc sống phổ thông trước đây. Để giúp các em giảm cảm giác lo lắng, không bỡ ngỡ và lạc lõng trước môi trường học tập mới, chuyên gia giáo dục khuyên gì?

Nguyên nhân gây "sốc"

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, có một số vấn đề tâm lý có thể xuất hiện với các tân sinh viên như sau:

Thứ nhất, đó là cảm giác xa nhà và nhớ nhà, nhớ quê do lần đầu bước vào một môi trường xã hội mới mẻ với bạn mới, thầy cô mới, các quan hệ mới cũng như cách học tập và sinh hoạt rất khác trước… Một số bạn dễ thích nghi nhưng không ít bạn có thể bị "sốc" trước hoàn cảnh mới.

Thứ hai, tâm lý lo lắng có thể xuất hiện về việc học hành, đặc biệt là vấn đề tiền nong… lo sao trang trải đủ số tiền cha mẹ cho để học tập và sinh hoạt thường xảy ra với khá nhiều sinh viên.

TS. Hoàng Ngọc Vinh.

TS. Hoàng Ngọc Vinh.

Thứ ba, tâm lý "xả hơi" do thời gian trước đó não bộ làm việc căng thẳng do học tập và thi cử nên thường có xu hướng "nghỉ ngơi" sẽ tác động đến tâm lý của tân sinh viên và điều này dẫn đến trễ nải trong học tập, chờ "nước đến chân mới nhảy", chờ đến kỳ thi mới học…

Làm sao để phòng tránh nguy cơ gây "sốc" cho tân sinh viên?

Để giúp tân sinh viên vượt "sốc" những ngày đầu, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhắn nhủ "dù các em xuất thân ở hoàn cảnh nào cũng nên tự tin. Việc bước vào môi trường học tập mới đòi hỏi các tân sinh viên phải học cách thích nghi và tự trang bị cho bản thân những kỹ năng, hành trang cần thiết nhất'.

Đầu tiên đó là cần có một tâm lý vững chắc bởi khi bước vào một môi trường học tập mới với nhiều sự mới mẻ, xa lạ sẽ khiến tân sinh viên cảm thấy choáng ngợp và đôi lúc không thể thích nghi tốt trong giai đoạn đầu. Từ việc học cho đến việc vui chơi, kết bạn cũng có thể làm các bạn cảm thấy khó thích nghi. Đồng thời, khoảng thời gian đầu phải xa gia đình cũng khiến cho nhiều sinh viên cảm thấy nhớ nhà, buồn bã. Vì thế, trước khi vào đại học, các em hãy cố gắng giữ vững tâm lý, chuẩn bị tốt về tinh thần để không trở nên lạc lõng, cô đơn giữa môi trường mới.

Tiếp theo là chương trình học ở đại học sẽ hoàn toàn khác với trung học. Học ở đại học phải học các kỹ năng nghe giảng rồi ghi lại những điều cơ bản vào vở. Đây là kỹ năng nghe hiểu và khái quát tương đối khó với các bạn sinh viên mới nên các em cần sớm làm quen với cách học này.

Việc học tập chủ yếu là tự học, tự tìm hiểu vì thời lượng giảng của thầy cô có hạn, không thể truyền tải hết nội dung như học ở phổ thông nên phải tự đọc, tự học nhiều để hình thành tư duy phản biện trước những vấn đề được thầy cô giảng giải. Sinh viên phải có sự chủ động cao trong học tập, tìm hiểu thêm nhiều tài liệu và tự rèn luyện tốt những kỹ năng để phát triển bản thân.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, mục đích chính của sinh viên là học để sau này có việc làm trước hết là vì bản thân và sau vì gia đình. Một số bạn năm đầu mải theo phong cách lạ, quên mất mình là ai, dễ chạy theo thứ hư danh và đánh mất mình lúc nào không hay nơi quán game, cờ bạc… "Cuộc sống đô thị nhiều cái hay nhưng cũng nhiều cái tiêu cực vì vậy các em cần tỉnh táo và tránh xa".

Đối với các em sinh viên năm nhất, các em cần học cách quản lý chi tiêu phù hợp, hiệu quả. "Cuộc sống xa nhà với nhiều khoản chi cần thiết cho cuộc sống như tiền: điện, nước, nhà trọ, chi phí ăn uống, chi phí đi lại, học phí và rất nhiều khoản chi lặt vặt khác có thể khiến các em luống cuống. Do vậy, đối với tiền bố mẹ cho để ăn và học, các em tránh vung phí mà không hiểu bố mẹ quần quật nắng mưa kiếm tiền cho cả gia đình. Hơn nữa, trong bối cảnh học phí sẽ tăng thì các em càng phải chi tiêu tằn tiện hơn".

Tân sinh viên trúng tuyển làm hồ sơ nhập học vào trường đại học.

Tân sinh viên trúng tuyển làm hồ sơ nhập học vào trường đại học.

Một hành trang không thể thiếu nữa đối với các tân sinh viên, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh đó là, các em cần học những kỹ năng mềm phù hợp như: quản lý thời gian, làm việc nhóm, lắng nghe, tư duy sáng tạo để phục vụ tốt cho nhu cầu học tập, phát triển bản thân. "Những kỹ năng này không chỉ giúp ích cho việc học mà còn là yếu tố quan trọng góp phần giúp cho đời sống của sinh viên trở nên tích cực, lành mạnh, tạo dựng được các mối quan hệ lâu bền. Bên cạnh đó, tiếng Anh và Công nghệ thông tin là các công cụ quan trọng giúp các em học tập hiệu quả hơn để vươn đến chân trời tri thức của nhân loại. Làm sao sau 4-5 năm đại học sử dụng tốt tiếng Anh chuẩn bị cho công việc của mình, khi ấy việc làm sẽ dễ đến với các em hơn".

Đặc biệt, để có thể học tập và sinh hoạt tốt với môi trường mới, các tân sinh viên cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tích cực để có được một thể chất khỏe mạnh, ổn định. Khi có được một sức khỏe tốt, các em sẽ dễ dàng hoàn thành các công việc, nhiệm vụ trong cuộc sống lẫn học tập và tránh được tình trạng bệnh tật, đau ốm gây nên nhiều trở ngại cho đời sống học tập khi xa nhà.

"Điểm cuối cùng các bạn tân sinh viên cần lưu ý đó là nên sớm ổn định nơi ăn chốn ở để an tâm học tập và có kế hoạch học tập. Đối với các bạn sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng có thể sắp xếp thời gian để kiếm việc làm thêm, gia tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. Làm thêm vừa giúp kiếm tiền, vừa hỗ trợ rèn luyện kinh nghiệm, kỹ năng cho các bạn sinh viên".

Trần Thị Thuyết

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-giao-duc-chia-se-cach-chong-soc-cho-tan-sinh-vien-169230907132842117.htm