Chuyên gia giải mã nguyên nhân vì sao Parkson đóng cửa

Việc TTTM Parkson đóng cửa khiến nhiều người tiêu dùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên nhưng theo Chủ tịch Hội Siêu thị HN: Đây lại là điều hết sức bình thường.

Parkson là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB), Công ty đầu tư của Tập đoàn Lion (Malaysia) hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ngày 26/9/2005, đơn vị này đặt chân vào thị trường Việt Nam bằng việc mở trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM.

Đến năm 2013, tập đoàn này chính thức có 11 trung tâm thương mại bao gồm cả hợp đồng quản lý. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 trở đi, con đường kinh doanh của tập đoàn đến từ Malaysia bắt đầu khó khăn. Đơn vị này liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại.

Cụ thể, tháng 1/2015, Công ty TNHH Parkson Việt Nam đột ngột thông báo đóng cửa trung tâm thương mại tại Keangnam, Phạm Hùng, Hà Nội. Chỉ trong một đêm 3/1, Lion yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài. Đến giữa tháng 5/2016, Parkson Paragon ở TP.HCM đóng cửa để di dời sau 5 năm hoạt động.

Mới đây, tập đoàn lại tiếp tục tuyên bố đóng cửa Parkson Viet Tower tại ngã tư Tây Sơn Thái Hà. Các gian hàng đang rục rịch rời khỏi trung tâm thương mại này và đến ngày 15/12/2016, tập đoàn đến từ Malaysia chính thức không còn hoạt động ở Hà Nội.

Liên quan tới sự rút lui của "ông lớn" ngành bán lẻ này, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội để hiểu hơn về nguyên nhân tại sao dẫn tới sự "phá sản" này.

Parkson đóng cửa là bình thường

- Thưa ông, là Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, ông có ngạc nhiên trước thông tin TTTM Parkson sẽ đóng cửa tới đây không?

Ông Vũ Vinh Phú: Trong cơ chế thị trường, việc đóng mở cửa là việc bình thường. Việc một TTTM đóng cửa và những TTTM khác vẫn phát triển là việc không còn "ghê gớm", do nhiều nguyên ngân như cơ chế mỗi trung tâm mỗi khác, có thể do thua lỗ, cơ cấu, tái cơ cấu để co cụm vài điểm phát triển tốt lên hoặc chuyển sang một loại hình dịch vụ khác...

Nhưng điều quan trọng, sức mua của nhóm ngành hàng mà Parkson kinh doanh không có xu hướng tăng. Vì mặt hàng quá cao cấp, trong khi tỉ lệ người giàu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% - 20% có mức thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng, còn lại khoảng 80% là những người nghèo, người có mức thu nhập thấp đến trung bình.

Cho nên, xu hướng bây giờ là mua hàng bình dân. Có những trung tâm trường vốn vẫn cố gắng trụ vững để giữ thương hiệu nhưng hiệu quả thấp.

Ông Phú cho rằng: "Việc TTTM Parkson đóng cửa có thể do thua lỗ...". Ảnh: Internet.

Ông Phú cho rằng: "Việc TTTM Parkson đóng cửa có thể do thua lỗ...". Ảnh: Internet.

- Phải chăng đây là kết quả sàng lọc của thị trường khi mà các điểm bán liên tục mở ra như mặt hàng công nghệ, điện máy, thực phẩm... trong khi sức cạnh tranh ngày càng gay gắt và sức mua thấp, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Thực trạng hiện nay chúng ta đang thấy rất rõ đó là: Trong khi chỉ có một số ít các nhà bán lẻ, siêu thị Việt Nam còn tiếp tục trụ vững và phát triển, còn lại đa số các thương hiệu nội về bán lẻ hiện đại, phần thì bán bớt cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh.

Phần thì rút bớt địa điểm do làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ vì nhiều lý do khách quan và chủ quan gây nên, một phần co cụm lại, ít phát triển để củng cố thương hiệu, trụ vững ở thị trường, chấp nhận cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Parkson rút lui: Bài học đắt giá cho các nhà bán lẻ

- Sau sự rút lui có phần "đau đớn" của Parkson cũng như nhiều "ông lớn" bán lẻ khác, ông có cảnh báo gì đối với những nhà bán lẻ đi sau nói chung và các siêu thị, TTTM đang hoạt động tại Việt Nam nói riêng?

Ông Vũ Vinh Phú: Tính cấu kết trong con người Việt nói chung và trong kinh doanh của người Việt nói riêng còn rất ít, không bền vững, dễ bị phá vỡ, hình như vấn đề này nhiều năm chưa được khắc phục một cách cơ bản. Mạnh ai người đó thu mua hàng hóa để tổ chức bán ra, sự phối hợp điều chỉnh hỗ trợ trong thu mua và trong bán ra của các doanh nghiệp nội chưa có gì rõ nét, "các con thuyền nan" nhỏ ít hợp sức với nhau, do vậy không tạo thành sức mạnh tổng hợp chung.

Từ năm 2014 trở đi, Parkson liên tiếp thua lỗ, phải đóng cửa một số trung tâm thương mại.

Vậy nên, trong kinh tế thị trường về bán lẻ, các TTTM, siêu thị nên chọn phân khúc khách hành phù hợp, tổ chức nguồn hàng tận gốc, có chất lượng; tính toán hiệu quả kinh doanh, xây dựng thương hiệu, làm ăn kinh doanh có văn hóa, giá cả cạnh tranh có lành mạnh... đặc biệt là liên kết cùng đi lên trong thời buổi khó khăn này thì mới có thể đứng vững.

Đặc biệt, không thu mua hàng hóa qua nhiều cầu, ép chiết khấu. Đối với siêu thị nội, giảm chiết khấu cho hàng thực phẩm tươi sống, hạ giá với nhà cung cấp, hỗ trợ đầu tư sản xuất...

- Thưa ông, xin ông cho biết: Chúng ta phải làm gì để phát triển một nền công nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam trong tương lai?

Ông Vũ Vinh Phú: Muốn thực hiện định hướng trên, trước hết cần tạo môi trường kinh doanh thương mại minh bạch, công khai, bình đẳng và thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trên thị trường. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát hợp lý, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam.

Có những chính sách phù hợp, không vi phạm các cam kết quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa kinh doanh bán lẻ, hỗ trợ liên doanh liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa phân phối và phân phối, liên kết vùng.

Tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, chất lượng ổn định, đủ cung ứng cho thị trường bán lẻ nói chung và các siêu thị trong cả nước, bởi vì nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có thể có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được.

Doanh nghiệp cần tự thân khắc phục những điểm yếu bằng năng lực vốn có của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển, không làm ăn chụp giật, kinh doanh vì lợi ích của xã hội và người tiêu dùng.

Chú trọng đào tào nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của các doanh nghiệp FDI để tự hoàn thiện mình.

Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán 1 phần vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp nhằm nắm bắt những kinh nghiệm tiên tiến của các doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển, không bị thôn tính mất thương hiệu vì những lý do chủ quan gây nên.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần kiểm tra, kiểm soát về vấn đề đóng thuế đối với các doanh nghiệp tư nhân. Quy hoạch, quản lý nhà nước cần được xây dựng một cách khoa học, thực thi, song còn thiếu các điều kiện cần và đủ cho quy hoạch thực hiện; đôi lúc tùy tiện cục bộ gây thiệt hại trước hết đối với các doanh nghiệp nhỏ bé của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hoàng (Thực hiện)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguyen-nhan-vi-sao-parkson-dong-cua-d108854.html