Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn - Chủ tịch cuộc thi 'Mister Vietnam': Tổ chức cuộc thi nam vương, thường không có lãi

Phúc Nguyễn được biết đến là người khai sinh ra sân chơi tài sắc đầu tiên dành cho đấng mày râu tại Việt Nam cùng nhiều cuộc thi dành cho phái đẹp. Anh cũng là người có công đào tạo và đưa tên tuổi các mẫu nam Việt Nam chiếm thứ hạng cao trên bản đồ 'nam vương thế giới'. Phúc Nguyễn đã có những chia sẻ thẳng thắn, chân thành về những điều được cho là 'lạ lùng' khi quyết định đứng ra tổ chức cuộc thi 'Mister Vietnam 2024'.

Thời gian sẽ trả lời

- Phóng viên: Chào Phúc Nguyễn! Có một thực tế là hiện sân chơi tài sắc dành cho nam giới ở Việt Nam chưa nhiều, vị trí mẫu nam trong làng thời trang Việt cũng chưa được đánh giá cao. Điều gì khiến anh hơn 1 thập kỷ qua vẫn kiên trì với việc kiến tạo và phát triển các cuộc thi này?

- Chuyên gia Phúc Nguyễn: Thật ra, đứng ở góc độ khác, việc không có nhiều sân chơi tài sắc như bạn nói cũng là một lý do mà bản thân tôi với kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thêm động lực và tự tin để khai thác tiềm năng đó. Tôi nghĩ, không phải mình “cố đấm ăn xôi” mà ở vị trí tiên phong thì sẽ gặt hái những điều bất ngờ hơn là đi theo người khác một cách rập khuôn. Cùng với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, tôi tin trong thời gian không xa, người mẫu nam sẽ có vị trí nhất định. Chúng tôi hy vọng sau một vài mùa “Mister Vietnam” được tổ chức, mọi người sẽ thấy được chỗ đứng của những người mẫu nam, thị trường mẫu nam sẽ lên ngôi và tất cả sẽ nhìn nhận con đường chúng tôi đang đi.

- Anh thấy điều gì khó nhất khi giữ vị trí tiên phong tổ chức các cuộc thi tài sắc dành cho nam giới?

- Chúng tôi cũng từng tổ chức các sân chơi sắc đẹp dành cho nữ và nhận được nhiều hỗ trợ của các đơn vị, từ tinh thần đến vật chất. Nhưng với sân chơi dành cho nam giới, nói thật là đến thời điểm này, sự tài trợ, đồng hành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cái khó nhất là tìm nhà tài trợ và sự hỗ trợ. Tuy nhiên, dù khó nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Khi tổ chức cuộc thi dành cho nam giới, ban tổ chức chúng tôi đối diện với vấn đề kinh tế gần như là con số 0. Nhưng nếu chỉ nói về kinh tế thì chúng tôi không tổ chức cuộc thi. Chúng tôi tiếp xúc với ngành thời trang, công nghiệp sắc đẹp từ thuở ban đầu, tạo nhiều tên tuổi như: Phạm Hương, Trương Thị May, Hoàng My, Thanh Ngân… Hơn ai hết, chúng tôi nhìn ra bài toán kinh tế khi tổ chức cuộc thi dành cho nữ lớn hơn dành cho nam.

“Cân não” để cân bằng kinh tế

- Nói vậy hẳn anh cũng phải “cân não” để có thể cân bằng bài toán kinh tế, duy trì việc tổ chức các sân chơi này?

- Ở cuộc thi nào cũng vậy, ban tổ chức luôn đặt ra các tiêu chí, mục tiêu riêng và cố gắng cân bằng bài toán kinh tế. Bài toán kinh tế ở các cuộc thi tài sắc dành cho nam giới khá hóc búa vì thị trường mẫu nam hầu như không có đất diễn. Các sự kiện, chương trình thì đa phần mời mẫu nam chỉ là thành phần phụ. Bài toán kinh tế dành cho “Mister Vietnam” vì thế đều là từ không có lãi cho đến…lỗ (cười). Tuy nhiên mục tiêu lớn nhất khi chúng tôi quyết định duy trì sân chơi như “Mister Vietnam” là mong tìm ra các nhân tố mẫu nam đặc biệt, tìm ra “chiến binh” có thể đại diện mẫu nam chinh chiến trên đấu trường tài sắc quốc tế, được bạn bè quốc tế đón nhận và ghi nhận. Tất nhiên, để làm được việc này tôi cũng phải cố gắng có được nguồn thu từ những lĩnh vực khác như trồng trọt, nông nghiệp, trang trại… Đó là niềm tự hào của những người tiên phong trong lĩnh vực này như chúng tôi.

“Mister Vietnam” tìm ra các nhân tố mẫu nam đặc biệt, tìm ra “chiến binh” có thể đại diện mẫu nam chinh chiến trên đấu trường tài sắc quốc tế

“Mister Vietnam” tìm ra các nhân tố mẫu nam đặc biệt, tìm ra “chiến binh” có thể đại diện mẫu nam chinh chiến trên đấu trường tài sắc quốc tế

- Vậy ngoại trừ bài toán kinh tế thì anh cảm thấy điều gì áp lực nhất khi “đứng mũi chịu sào” các cuộc thi nam giới?

- Điều áp lực nhất có lẽ là thí sinh. Tôi nghĩ, cho dù tổ chức tốt đến mấy, hoành tráng thế nào, nhưng chất lượng thí sinh mới là điều quan trọng để mọi người thật sự có những nhìn nhận ấn tượng về cuộc thi. Đó là lý do chúng tôi quyết định dành thời gian đi khắp nơi để tìm kiếm, trò chuyện, tìm hiểu xem thí sinh có phù hợp tiêu chí cuộc thi không, sẽ mang màu sắc gì với cuộc thi. Các bạn phù hợp tiêu chí mới được mời tham dự sơ tuyển. Điều này khác với các cuộc thi khác là chờ thí sinh chủ động tới đăng ký. Thay vì chờ đợi, chúng tôi tìm thí sinh để phỏng vấn trước, nếu đủ tiêu chí thì sẽ mời tham dự vòng sơ tuyển, hỗ trợ chi phí và điều kiện cần thiết khác để họ tự tin dự thi.

Giúp thí sinh “lột xác”

- Ngay khi vừa phát động, “Mister Vietnam 2024” đã gây chú ý bởi những tiêu chí được cho là khá “lạ lùng”. Kiểu như chỉ cần có chiều cao đạt chuẩn, còn lại chấp nhận cả thí sinh có hình thể chưa hoàn hảo, béo hoặc gầy, có kỹ năng trình diễn chuyên nghiệp hay thiếu chuyên nghiệp… Nếu vậy, có thể hiểu ngoại hình không phải tiêu chí đầu tiên mà cuộc thi này hướng tới, hay có ẩn ý nào khác không?

- Mọi người có thể thấy những tiêu chí đó là “lạ lùng”, nhưng với những người trong nghề như chúng tôi thì khi đã đặt ra bất cứ tiêu chí nào đều có lý do. Và câu trả lời nằm ở thời gian, sự hướng dẫn về chuyên môn của các huấn luyện viên đồng hành cùng cuộc thi. Tôi vẫn ấn tượng và ngưỡng mộ nam người mẫu Thái Lan đăng quang cuộc thi “Mister International 2023” vừa qua. Bạn ấy xuất thân là diễn viên, chỉ có chiều cao khiêm tốn 1m76, nhưng tài năng lại rất vượt trội.

Để tìm ra người xứng đáng với danh hiệu “Mister Vietnam” chắc chắn phải đáp ứng các tiêu chí cần thiết, trong đó chiều cao không phải yếu tố đầu tiên và duy nhất. Thay vào đó là thần thái, cách họ tỏa sáng, thể hiện tinh thần chiến binh trong cuộc thi. Những điều “lạ lùng” như bạn nói, ban tổ chức đã có lời giải cụ thể. Đến với cuộc thi, thí sinh có thể chưa đẹp, chưa hoàn hảo, nhưng sau 6 tháng có sự hỗ trợ của các chuyên gia như siêu mẫu Hà Anh và nhiều người khác, chắc chắn thí sinh sẽ có sự “lột xác”. Thực tế, khi lựa chọn Hà Anh đồng hành với các thí sinh trong “Mister Vietnam 2024”, tôi cũng đã đưa ra một hình mẫu để các thí sinh biết rằng, trước đây Hà Anh cũng không có hình thể hoàn hảo của người mẫu, hoa hậu, nhưng nhờ luyện tập nỗ lực, cô ấy đã trở thành một phiên bản hoàn toàn khác.

- Bên cạnh việc giúp thí sinh có sự “lột xác” về ngoại hình thì việc kiểm soát các phát ngôn hay ứng xử của thí sinh “hậu” cuộc thi có được chú ý đến không?

- Nói thật, phát ngôn của thí sinh là điều hầu hết ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp dành cho cả nam giới lẫn nữ giới đều… sợ (cười). Sợ nhất là các bạn sau khi đăng quang có những phát ngôn không đúng đắn, không chừng mực. Tuy nhiên mỗi ban tổ chức đều sẽ có cách để kiểm soát và hạn chế điều đó xảy ra. Với “Mister Vietnam”, chúng tôi có chuyên gia tâm lý, kỹ năng giao tiếp đồng hành. Tất nhiên không thể thay đổi trình độ, cách ứng xử của một người chỉ trong vài tháng hay một cuộc thi. Chúng tôi hạn chế sự cố và để các bạn thấy tầm nhìn, định hướng đúng đắn nhất. Thật ra một Nam vương hay Hoa hậu cũng chỉ là một bạn trẻ giữ vai trò sứ mệnh mà ban tổ chức cuộc thi đặt ra. Ở độ tuổi còn trẻ, trình độ và kinh nghiệm của các bạn chưa có nhiều, mong công chúng có cái nhìn tích cực, cảm thông, nhẹ nhàng, góp ý để các bạn có cơ hội thay đổi, tiến bộ hơn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-dao-tao-phuc-nguyen-chu-tich-cuoc-thi-mister-vietnam-to-chuc-cuoc-thi-nam-vuong-thuong-khong-co-lai-post564268.antd