Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí CO

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, những ngày qua, cộng đồng không khỏi lo ngại về vấn đề an toàn của bản thân cũng như người xung quanh nếu gặp tình huống tương tự.

Theo chuyên gia y tế, đa phần trong các vụ hỏa hoạn, nạn nhân không chỉ tử vong do cháy mà còn có nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí CO.

Nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí CO

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm ngày 12/9 khiến 56 người tử vong (đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong) và 37 người bị thương.

Hiện những bệnh nhân trong vụ cháy đang được điều trị tại bệnh viện sức khỏe đều ổn định, nhiều trường hợp đã được xuất viện. Đến nay, chỉ còn 4 bệnh nhân nặng nhưng cũng đang có những tiến triển rất tích cực.

Trong vụ cháy, hầu hết các bệnh nhân chủ yếu bị ngạt khói, ngộ độc khí CO, bị chấn thương, nhưng không có trường hợp bệnh nhân bị bỏng. Theo các chuyên gia, ngạt khí và nhiễm độc khí trong đám cháy lớn có thể khiến nạn nhân tử vong trước khi được giải cứu. Bên cạnh đó, việc thoát thân bằng cách nhảy từ tầng cao cũng dễ khiến nạn nhân nguy kịch.

Các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc cho bệnh nhi là nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. Ảnh: BVCC.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, có 2 nhóm tổn thương lớn sau vụ cháy. Nhóm thứ nhất tổn thương do ngộ độc khi hít phải lượng khói lớn, với nhiều khí độc CO và có thể có Cyanua.

Một số nạn nhân may mắn thoát chết chia sẻ, khi phát hiện đám cháy, họ vào nhà, đóng chặt cửa, lấy chăn, rèm cửa ngâm nước để bịt các khe cửa; tẩm nước vào khăn, quần áo che mũi miệng, chui vào tủ quần áo rồi gọi và chờ cứu hộ…

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, về mặt khoa học, cách chui vào không gian kín như tủ quần áo hay nhà vệ sinh không phải là tối ưu, thậm chí là phản khoa học.

Bác sĩ Hoàng phân tích, trong phòng kín, dù có xả nước lạnh hay quạt thông gió thì dưỡng khí sẽ mất dần sau khi bị các loại khí độc như CO, HCN, CO2... len vào, xâm chiếm không gian của dưỡng khí.

Nguy cơ tử vong do thiếu dưỡng khí, phổi có nguy cơ hít phải luồng khí độc như CO, HCN, CO2... và hơi nóng, khiến cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng bởi khí độc và do bỏng niêm mạc đường hô hấp. Nạn nhân bị ngạt khí độc nhanh hơn trước khi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ.

Theo bác sĩ, trong trường hợp đám cháy được dập tắt nhanh chóng, hoặc khí độc chưa xâm lấn quá nhiều, không gây thiếu oxy, không còn cách nào khác để thoát nạn. Đây có thể là một cách kéo dài thời gian sống sót, hy vọng được cứu sống. Những người sống sót bằng cách này thật sự rất may mắn vì sớm được cứu bởi nếu thời gian cháy lâu thì việc này càng nguy hiểm.

Cách phòng tránh

Chuyên gia cho rằng, trong các vụ hỏa hoạn, lượng khí CO sinh ra rất lớn, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí. Ngộ độc khí CO là loại ngộ độc gây ra tử vong rất phổ biến ở trên thế giới cũng như là ở Việt Nam.

Khí CO được sinh ra khi đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ ở trong môi trường thiếu oxy. Tuy nhiên, loại khí này nguy hiểm ở chỗ, không gây kích thích, không màu, không mùi, không vị.

Lực lượng Cảnh sát PCCC nỗ lực giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

“Nếu nạn nhân không tỉnh táo như ngủ say hoặc bị say rượu hoặc bất tỉnh nhân sự thì rất có thể bệnh nhân đã tử vong trước khi kịp biết chuyện gì đã xảy ra” - bác sĩ Hoàng cảnh báo.

Đồng thời, bác sĩ lưu ý, khi xảy ra sự cố cháy, cách phù hợp vẫn là khom lưng, ngồi hoặc bò sát dưới sàn nhà, do đây là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn. Đồng thời tẩm khăn/vải ướt che mũi, miệng (trừ phần mắt) để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi.

“Người dân nên chạy ra ban công, nơi thoáng khí, nếu không xuống được ngay thì nên dựng một tấm mái để nấp dưới đó, khí độc trong nhà bay ra sẽ bay lên cao, vượt lên mái. Ví dụ dùng một tấm đệm gác chéo tạo hình tam giác để người chui xuống dưới” – bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Vũ Việt Hà - khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc phủ khăn ướt che kín mặt, mũi có thể giúp tránh khói nhưng không ngăn được ngộ độc khí CO. Trong đám cháy, nếu ở trong phòng kín quá thì dù có khăn ướt vẫn có thể bị ngộ độc khí CO.

Vì thế, ngay khi được cứu thoát khỏi đám cháy, các nạn nhân cần được cho thở oxy ngay để đảm bảo cung cấp oxy, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra các vết thương trên người, đặc biệt vết thương do ngã, va chạm, sau đó chuyển vào bệnh viện để đánh giá sâu hơn.

Các chuyên gia y tế cho rằng, hầu hết các trường hợp tử vong do hỏa hoạn không phải do bỏng mà là do ngạt khí. Khi ngọn lửa bùng lên bên trong tòa nhà, nó thường sẽ tiêu thụ phần lớn lượng oxy xung quanh, sau đó quá trình cháy sẽ chậm đi.

Chính quá trình "cháy chậm" hay "cháy không hoàn toàn" này tạo ra khí độc. Trong đám cháy, bên cạnh việc thiếu oxy thì khí độc nạn nhân có thể hít phải là các sản phẩm cháy, chủ yếu là carbon monoxide, nhưng cũng có thể là xyanua và nhiều sản phẩm độc hại khác.

Kế đến tử vong có thể là do các ảnh hưởng của nhiệt khi tiếp xúc hoặc hít phải khí nóng. Tình trạng này liên quan đến hiện tượng "sốc nhiệt" gây "ngừng tim phản xạ" qua trung gian thần kinh phế vị khi kích thích các đầu dây thần kinh ở họng và thanh quản. Ảnh hưởng của nhiệt và ngạt khí thường nhanh hơn so với ảnh hưởng trực tiếp do ngọn lửa;

Kể cả khi đã thoát khỏi đám cháy và nhập viện. Nạn nhân vẫn có thể tử vong do mất nước, mất cân bằng điện giải, sốc giảm thể tích máu. Các nguyên nhân khác có thể gặp như nhiễm trùng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), suy thận, rối loạn đông máu...

Bác sĩ Ngô Minh Quân - Khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi xảy ra cháy, người dân tìm cách sơ tán ngay lập tức là phương án hàng đầu. Hãy cố giữ bình tĩnh, càng hoảng sợ thì khả năng mắc sai lầm càng cao.

Người dân ghi nhớ các cuộc diễn tập hay sơ đồ an toàn trước khi tiến hành sơ tán. Không có thời gian để lãng phí khi gặp trường hợp cháy nổ ở tòa nhà chung cư. Đừng chờ đợi và xem liệu lửa có lan rộng hay không. Đừng cố tìm kiếm, mang theo các vật dụng mà trì hoãn việc sơ tán.

Người dân hãy cúi thấp xuống và tránh xa khói. Hãy nhớ rằng không khí sạch hơn và mát hơn ở gần sàn và khói có xu hướng bay lên trên. Bạn sẽ dễ thở hơn nếu tiếp tục bò và tránh hít phải khói. Hãy sử dụng lối thoát hiểm và cầu thang cứu hỏa hoặc lối ra gần nhất.

Chuyên gia khuyến cáo, nếu bị mắc kẹt không thể sơ tán trong khi ngọn lửa và khói đang lan rộng thì người dân nên đóng cửa lại và cố gắng bịt kín các vết nứt để ngăn khói vào phòng. Gọi cứu hỏa và cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-co-tu-vong-do-ngat-va-nhiem-doc-khi-co.html