Chuyên gia cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ ba tại Indonesia

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong bối cảnh các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tăng liên tiếp trong ba tuần qua, các chuyên gia Indonesia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia,. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Các chuyên gia tại Indonesia cho rằng Omicron đã lây lan trong cộng đồng mạnh hơn dữ liệu chính thức, có thể dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ ba tại nước này. Nhà nghiên cứu dịch tễ học Tonang Dwi Ardyanto, Đại học Sebelas Maret (UNS), cho biết quy mô thực sự về sự lây lan của biến thể Omicron trong nước không được nhìn nhận một cách toàn diện do việc xét nghiệm chưa thực hiện đầy đủ, đặc biệt là việc sử dụng biện pháp xét nghiệm PCR - được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong phát hiện virus SARS-CoV-2 còn hạn chế. Ông Torang cho biết hiện có khoảng 85% xét nghiệm là xét nghiệm kháng nguyên nên khó có thể chẩn đoán chính xác mức độ lây lan của biến thể này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã chỉ ra rằng độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên từ 0-94%, theo đó khả năng âm tính giả có thể cao.

Nhà virus học I Gusti Ngurah Mahardika, Đại học Udayana, cho biết việc nới lỏng giám sát đi lại trong cộng đồng cũng là một trong những yếu tố đẩy nhanh tốc độ lây lan của biến thể Omicron. Ông cho biết các cơ quan y tế Indonesia chỉ có thể theo dõi trung bình 13 người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, thấp hơn khuyến nghị của WHO về việc truy vết và xét nghiệm với tối thiểu 15 người tiếp xúc gần. Thậm chí, chính phủ đã cho phép xét nghiệm antigen thay vì PCR đối với những người tiếp xúc gần các trường hợp lây nhiễm.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyên gia Mahardika ước tính con số thực các trường hợp mắc mới COVID-19 có thể gấp khoảng 7 lần so với số liệu chính thức. Trong khi chuyên gia Torang cho rằng con số thực có thể lên đến 10-15 lần so với dữ liệu chính phủ đưa ra, vì hầu hết các trường hợp nhiễm Omicron không có triệu chứng.

Nhà dịch tễ học Dicky Budiman, Đại học Griffith (Australia), cũng cho rằng khả năng lây lan của Omicron cao hơn 3-4 lần so với biến thể Delta trước đó. Do đó, theo ông Dicky, làn sóng lây nhiễm thứ ba là không thể tránh khỏi nếu Indonesia không nâng cao cảnh giác và xem xét thận trọng mức độ kháng thể của cộng đồng với khả năng lây lan nhanh của biến thể.

Tính đến ngày 8/1, Indonesia đã ghi nhận 5.494 ca mắc mới với hơn 250 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh do COVID-19 tăng từ 1,38% lên 3,35% trong hai tuần qua.

* Ngày 10/1, chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc cho biết số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng gấp đôi lên 456 so với 183 ca của tuần trước. Cụ thể, biến thể Omicron gây ra 0,2% số ca mắc COVID-19 tại Seoul và nhiều khả năng trở thành biến thể phổ biến nhất tại đây vào cuối tháng 1 hoặc tháng 2.

Tuy nhiên, Seoul chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày giảm từ 1.533 ca trong tuần cuối cùng của tháng 12/2021 xuống 1.077,7 ca vào tuần trước. Tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 1,5% từ hai tuần trước.

* Ngày 10/1, chính quyền thành phố An Dương tỉnh Hà Nam của Trung Quốc xác nhận 2 ca lây nhiễm cộng đồng COVID-19 tại đây là do biến thể Omicron. Những người này được cho là có liên quan đến cùng một chuỗi lây nhiễm với các ca cộng đồng hiện nay tại quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân.

Trước đó, Thiên Tân phát hiện 2 ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên do biến thể Omicron trong một đợt tái bùng phát dịch mới, tất cả đều ở quận Tân Nam.

Dựa trên điều tra dịch tễ và kết quả giải trình tự gene, nguồn lây tại An Dương được xác định là một sinh viên đại học trở về từ quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân, ngày 28/12/2021.

Đào Trang - Thúc Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-canh-bao-lan-song-covid19-thu-ba-tai-indonesia-20220110151943481.htm