Chuyên gia cảnh báo đại dịch kế tiếp Covid-19; Hé lộ nguồn gốc

Mặc dù các biến thể Covid-19 mới đang tiếp tục xuất hiện trên khắp thế giới nhưng các nhà khoa học và bác sĩ đã bắt đầu chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo với việc quay lại tiếp tục nghiên cứu về biến đổi khí hậu để sẵn sàng các giải pháp đối phó.

Biến đổi khi hậu có thể là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của đại dịch tiếp theo sau Covid-19.

Biến đổi khi hậu có thể là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của đại dịch tiếp theo sau Covid-19.

Theo tác giả bài viết Victoria Bela, khi các chuyên gia tìm hiểu thêm về cách biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sự đột biến và lây lan của các bệnh truyền nhiễm, câu hỏi có thể không phải là liệu bệnh khác có xuất hiện hay không - mà là khi nào.

Nhân vật mà Victoria Bela đề cập trong bài viết là Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Y tế Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm Trung Quốc, một cái tên đã trở nên quen thuộc và nhân vật trung tâm trong cuộc chiến chống lại virus ở Trung Quốc. Zang đã có hàng trăm bài báo trong lĩnh vực y tế công cộng và các bệnh truyền nhiễm. Nhưng bây giờ, vị Giám đốc này đang bắt tay vào một sáng kiến mới nhằm giải quyết mối liên hệ giữa hai mối đe dọa ngày càng tăng: biến đổi khí hậu và các bệnh truyền nhiễm.

Theo Zang, trong khi thế giới thường quan tâm nhiều hơn đến những tác động có thể quan sát được của biến đổi khí hậu như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thảm khốc, ngày càng có nhiều nghiên cứu đang xem xét tác động gián tiếp của bầu khí quyển đang ấm lên đối với sự đột biến và lây lan của mầm bệnh. Zang nhận định việc nghiên cứu mối quan hệ trên “sẽ trở thành trọng tâm ngày càng tăng trên toàn cầu”. Khi khí hậu trên hành tinh thay đổi, bao gồm cả sự mở rộng của vùng nhiệt đới, cách thức mầm bệnh phát triển và biến đổi cũng sẽ thay đổi theo.

Theo Zhang, “kho chứa vi khuẩn và virus đang mở rộng khi Trái đất ấm lên", và điều này sẽ khiến nhiều động vật hơn bị nhiễm vi khuẩn, virus và nấm vì mầm bệnh và vật trung gian của chúng như bọ ve và muỗi có nhiều đất sinh sống hơn.

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh viêm não và bệnh Lyme, cả hai đều lây lan qua bọ ve, đang gia tăng. Trong khi đó ở Trung Quốc, bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền đang ngày càng được phát hiện ở những khu vực mà trước đây chưa từng xuất hiện căn bệnh này.

“Bệnh sốt xuất huyết đã lan rộng từ khu vực gần phía Nam – những khu vực nhiệt đới hơn – về phía Bắc, và bây giờ cũng bắt đầu mở rộng đến lưu vực sông Dương Tử. Vì vậy, giờ đây chúng tôi cũng có thể phát hiện bệnh sốt xuất huyết ở lưu vực sông Dương Tử”, Zhang cho biết, "ngoài ra, tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và châu Phi, căn bệnh này chưa được ngăn chặn và số ca mắc bệnh cũng ở mức rất cao. Tất cả đều liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những thập kỷ tới, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự lây lan của các bệnh truyền qua vector như sốt rét do những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa toàn cầu.

"Có giả thuyết cho rằng đại dịch Covid-19 lây sang người từ loài dơi, loài dơi có môi trường sống cũng ngày càng mở rộng. Ngoài ra, khi các khu vực phía Bắc như Alaska tiếp tục ấm lên, một số loài chưa từng xuất hiện trước đây có thể xâm nhập vào xã hội loài người của chúng ta, bao gồm cả các loài vi khuẩn và nấm cổ xưa. “Vì vậy, công việc chúng tôi đang làm hiện nay thực sự là dành cho đại dịch tiếp theo", Zhang cho biết.

Theo Zang việc chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo sẽ cần phải là nỗ lực chung của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Nó sẽ đòi hỏi khoa học “từ các góc độ và cấp độ khác nhau” để cung cấp càng nhiều bằng chứng càng tốt cho các chuyên gia chính sách và chính phủ sử dụng khi đưa ra các chiến lược quản lý dịch bệnh.

Ngoài việc chuẩn bị đối phó với sự lây lan của mầm bệnh trong tương lai, các nhà khoa học còn lo ngại về việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh.

Kháng kháng sinh – khi vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút và nấm phát triển khả năng kháng thuốc nhằm tiêu diệt chúng – là một thách thức ngày càng tăng khác. Các mầm bệnh truyền nhiễm có thể thay đổi và biến đổi theo thời gian, khiến chúng không còn phản ứng với các loại thuốc dùng để điều trị. Theo WHO, điều này có thể khiến tình trạng nhiễm trùng tồn tại ở bệnh nhân và làm tăng nguy cơ lây lan sang người khác Theo thống kê, năm 2019, trên toàn thế giới có 1,27 triệu người trực tiếp tử vong do kháng kháng sinh.

Theo Zhang, “các nhà khoa học trên toàn thế giới đều nhất trí là đến năm 2050, hàng năm có 10 triệu người sẽ chết vì kháng thuốc”. Con số này tương đương với số người hiện đang chết vì ung thư mỗi năm.

Trước đây, nghiên cứu về tình trạng kháng thuốc được tách thành các bác sĩ lâm sàng nghiên cứu cách điều trị và các dược sĩ đang cố gắng tạo ra các loại kháng sinh mới. Zhang cho biết: “Nhưng hiện tại chúng tôi đã phát hiện ra sự xuất hiện của tình trạng kháng thuốc nhanh hơn sự xuất hiện của kháng sinh”. Vị giám đốc này cũng cho biết mặc dù nghiên cứu về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và kháng thuốc “hiện vẫn còn thiếu”, nhưng việc mở rộng trên lĩnh vực này sẽ là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị cho đại dịch.

(Theo SCMP)

Tuệ Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-canh-bao-dich-benh-tiep-theo-sau-covid-19-he-lo-nguon-goc-272044.html