Chuyên gia ăn mòn kim loại và con đường khoa học chông gai

Giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Huy là tiến sĩ khoa học về lĩnh vực ăn mòn kim loại, người đã sơn các cột điện đường dây 500 KV. Công việc đơn điệu của cán bộ một ngành khoa học ít được biết và niềm say mê khoa học của ông khiến nhiều người kinh ngạc.

Tiến sĩ Vũ Đình Huy. Ảnh: T.N.A

Tiến sĩ Vũ Đình Huy. Ảnh: T.N.A

Từ lời phê “lý lịch đen” của thầy chủ nhiệm

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy sinh ra trong dòng họ Vũ có tiếng đỗ đạt ở Bắc Ninh (dòng họ này có gốc ở Hải Dương, cũng nổi tiếng về khoa bảng). Năm 16 tuổi Vũ Đình Huy đã đam mê khoa học và đưa ra phương châm cho mình: “kết hợp trái tim với bộ óc thành nhà khoa học, nhà thơ”.

Giấc mơ trở thành nhà khoa học hóa ra gặp không ít khó khăn. Những năm cả nước sục sôi chống Mỹ, sẵn sàng hi sinh tất cả cho sự nghiệp chung, bỗng xảy ra một việc trái khoáy. Đang học lớp 10/10 thì trường có chủ trương khuyến khích học sinh xung phong đi học hệ sư phạm 2 tháng để làm giáo viên cấp hai. Vũ Đình Huy không xung phong. Học sinh này muốn học đại học để làm nhà khoa học. Sự việc gây xôn xao trong trường.

Thầy giáo chủ nhiệm (sau này cũng là một giáo sư nổi tiếng) đã phê vào học bạ như sau: “Cần xác định rõ động cơ và mục đích học tập” và “cần nghiêm khắc với chủ nghĩa cá nhân còn có lúc biểu hiện rõ”. Những lời phê như thế thời đó gần như đã “giết” sự nghiệp học tập của học sinh Huy. Quả vậy, với việc không xung phong đi hệ sư phạm để làm giáo viên cấp hai , người học sinh này đã không được kết nạp Đoàn, một việc rất nghiêm trọng khi đó.

Hệ thống đường dây 500KV

Vũ Đình Huy vẫn không nản chí và lao vào học tập trong sự dị nghị của cả giáo viên lẫn bạn bè. Kết quả, Huy đã thi đậu vào trường Đại học Sư phạm. Ngay trong thời gian là sinh viên đại học, Vũ Đình Huy đã có công trình khoa học đầu tay được bằng khen của Ủy ban Khoa học Nhà nước. Khi anh tốt nghiệp đại học, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã có công văn xin người sinh viên trẻ tài năng này về làm việc. Nhưng, tiến sĩ Huy nhớ lại: “Chẳng hiểu sao Bộ Giáo dục vẫn kiên quyết cử tôi đi công tác ở một trường sư phạm mà không cho tôi về cơ quan nghiên cứu khoa học, mặc dù đã có công văn xin người”.

Tiếp tục ước mơ làm khoa học, thầy giáo trẻ đã tiếp tục theo học và tốt nghiệp thêm Trường đại học Tổng hợp, ngành hóa lý. Chính cách học “vòng vèo” này giúp anh Huy không bị thui chột giấc mơ trở thành nhà khoa học chuyên nghiệp, và cuối cùng, anh cũng được chuyển về Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Tiến sĩ Vũ Đình Huy nhớ lại: “Tôi nghĩ muốn nâng cao kiến thức, phải đi học nước ngoài. Tôi đã xin Ủy Ban cho đi học nghiên cứu sinh, nhưng bị từ chối thẳng thừng với lý do bản thân và gia đình không có ai là đảng viên”.

Con đường đến với khoa học của một chàng trai trẻ tưởng như kết thúc khi chính cơ quan mà anh yêu mến nhất cũng không thể làm gì hơn là giao cho anh những công việc không tên. Thật may mắn, lúc đó có hình thức đi nước ngoài theo chế độ thực tập sinh 2 năm để nâng cao kiến thức. Chế độ thực tập sinh này không yêu cầu nặng nề về lý lịch. Vũ Đình Huy đã đi theo cánh cửa hẹp ấy. “Trong thời gian ở Nga, tôi đã xin thầy giáo Nga cho học nghiên cứu sinh và được ở lại thêm một năm để hoàn thành chương trình phó tiến sĩ!”.

Chạy theo giấc mơ sáng

Năm 1983, Vũ Đình Huy trở về nước, với nhiều dị nghị, bởi đột nhiên anh này trở về với bằng phó tiến sĩ trong tay (học vị này nay chuyển đổi thành tiến sĩ). Người ta không ngờ rằng Vũ Đình Huy vẫn trăn trở muốn tiếp tục học lên tiến sĩ (tức học vị tiến sĩ khoa học).

Câu chuyện không tưởng của Vũ Đình Huy hẳn đã kết thúc nếu như những người thầy giáo ở Nga cũng máy móc và nặng nề chuyện lý lịch như Việt Nam. Thậm chí, Vũ Đình Huy nghĩ rằng các giáo viên ở Liên Xô lúc ấy thậm chí không thèm mở cái phong bì trong đó có lý lịch của anh. Họ tin tưởng và quý mến tinh thần khoa học của anh.

Tiến sĩ Huy nói với chúng tôi rằng ngày càng ít sinh viên thích đi theo ngành chống ăn mòn kim loại: “Hầu hết các lĩnh vực đều phải sử dụng kim loại và chịu tình trạng ăn mòn, nhất là ở vùng biển, miền núi, biên cương. Tôi đi dạy, thấy các em than phiền các công trình nghiên cứu của ta được ứng dụng vô cùng hạn chế - Tiến sĩ Huy cho biết - Lý do không phải chất lượng khoa học của ta kém, mà do chủ đầu tư thích dùng công nghệ nước ngoài vì họ dễ thuyết phục xin vốn!”.

Thầy giáo đáng kính và nổi tiếng từ Liên Xô đã gửi công văn cho Chính phủ Việt Nam để trực tiếp xin cho Vũ Đình Huy sang Nga học chương trình tiến sĩ khoa học. Vũ Đình Huy được đồng ý cho trở lại Nga, nhưng chỉ với tư cách lao động hợp đồng với Viện nghiên cứu mà anh đã theo học.

Hai năm làm hợp đồng với Viện, Vũ Đình Huy làm đủ thứ việc theo yêu cầu. Ngoài ra, anh… bí mật làm đề tài tiến sĩ khoa học. Vũ Đình Huy kể: “Bảo vệ thành công xong luận án tiến sĩ khoa học, tối hôm đó tôi mới dám về báo với anh em trong ký túc xá. Mọi người đều ngỡ ngàng. Họ không biết tôi học ra sao và viết luận án khi nào!”.

Vũ Đình Huy trở thành người nước ngoài đầu tiên được cấp học vị tiến sĩ khoa học trong lịch sử 50 năm thành lập của Viện Hóa Lý Liên bang Nga. Anh cũng được Viện hàn lâm phong danh hiệu Nhà khoa học hàng đầu. Ít ai biết được Vũ Đình Huy đã suy nghĩ những gì. Anh nói: “Chỉ đến khi ấy tôi mới tin rằng việc học tập của mình đã hoàn thành mà không còn bị ai phá ngang”.

Trở về

Ước mơ “Phải cống hiến cái gì đó cho đất nước” đã thành sự thật. Đường dây 500 KV được khởi công và tiến sĩ Vũ Đình Huy được mời về nước để tham gia vào dự án lịch sử. Lúc này, tiến sĩ đã có nhiều công trình in ấn tại các nước phát triển, anh cũng có một cuốn sách về ăn mòn kim loại nổi tiếng trong giới khoa học và được xem là một chuyên gia lớn trong lĩnh vực này.

Được mời về nước, trình bày trước hội đồng gồm các nhà khoa học và quản lý hàng đầu, tiến sĩ Vũ Đình Huy đã trình bày phương pháp mạ chống ăn mòn cho cột đường dây 500 KV, đồng thời anh cũng đưa luôn công thức mạ cụ thể đối với công trình lịch sử.

Hội đồng đã yên lặng lắng nghe, ghi chép, nghiên cứu, thảo luận và chấp nhận phương án của tiến sĩ Vũ Đình Huy. Thời khắc đó, Vũ Đình Huy như trút đi một gánh nặng về đạo làm người, trước câu hỏi: mục đích học tập là gì? Vì bản thân hay vì xã hội? Đến nay, tiến sĩ vẫn tự hào với thành quả của mình. Gặp chúng tôi ở văn phòng báo Tiền Phong tại TPHCM, tiến sĩ tự hào cho biết: “Sau nhiều năm vận hành, hệ thống cột của đường dây 500 KV vẫn được bảo vệ, chống được sự ăn mòn rất hiệu quả”.

Người thầy chủ nhiệm năm xưa, giờ đây cũng là một giáo sư nổi tiếng trong nước. Thậm chí vị giáo sư này cũng rất quan tâm đến dự án đường dây 500 KV và có nhiều thảo luận xung quanh công trình. Gặp lại người học trò của mình năm xưa, vị giáo sư nói: “Thầy sai rồi! Thời đó có những suy nghĩ thật đơn giản và ấu trĩ”. Thầy chia sẻ: “May mà Huy đã vượt qua được khó khăn để trở thành một nhà khoa học chân chính”.

Làm bạn với thơ

Một tiến sĩ khoa học về lĩnh vực ăn mòn kim loại nhưng là tác giả của ba tập thơ. Có gì mâu thuẫn không, giữa tư duy khoa học lô gic và một tư duy thơ vốn nhiều xúc cảm? Tiến sĩ Vũ Đình Huy nói: “Thơ giúp tôi cân bằng cuộc sống, giúp tôi nói lên được những suy tư tình cảm của mình trước cuộc sống”.

Vị tiến sĩ này có những bài thơ khá lạ, nói về thời hậu chiến với tư tưởng hòa giải, với hình ảnh hai người lính ở hai chiến tuyến cùng nằm dưới những nấm mộ bên nhau trên chiến trường xưa.

Hiện giáo sư Huy đã nghỉ hưu và làm giảng viên cho một trường đại học với mức lương 2 triệu đồng một tháng. Một trường đại học trả ông hàng ngàn đô la để làm cán bộ quản lý nhưng ông từ chối. Ông chỉ muốn yên tĩnh để nghiên cứu các công trình mới.

Trần Nguyễn Anh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/chuyen-gia-an-mon-kim-loai-va-con-duong-khoa-hoc-chong-gai-700617.tpo