Chuyện dữ liệu… lười

Sự tréo ngoe trong dữ liệu của Tổng cục Du lịch và các báo cáo địa phương cho thấy cách thống kê và thu thập dữ liệu rất sơ sài, chưa dựa vào các tiêu chí cụ thể.Chân dung du khách Việt

TPHCM đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và quốc tế trong dịp Tết 2023. Ảnh: VNA

TPHCM đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và quốc tế trong dịp Tết 2023. Ảnh: VNA

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 20 đến 26-1-2023) ước đạt 9 triệu lượt khách, tăng gần 50% so với năm trước. Tổng doanh thu đạt 17.500 tỉ đồng, giảm 30%. Như vậy, doanh thu du lịch nội địa Tết 2023 giảm hơn 50% so với năm trước và đạt trung bình hơn 1,94 triệu đồng mỗi du khách.

Vậy mà, các con số từ các sở và hiệp hội du lịch địa phương lại cho thấy chiều tăng rất tốt đẹp, nhưng đầy nghịch lý.

Dữ liệu tréo ngoe

Trả lời báo chí về kinh doanh du lịch mùa Tết 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp lữ hành và địa phương trong việc xây dựng sản phẩm riêng hoặc sản phẩm vùng, cải thiện cơ sở vật chất, dẹp bỏ tình trạng “chặt chém”. Các điểm đến được yêu thích của khách nội địa là những khu du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và sinh thái.

TPHCM đứng đầu cả nước với 1,7 triệu lượt khách, trong đó có 250.000 lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu ước đạt 6.300 tỉ đồng, đã tính luôn lượng ngoại tệ của 65.000 lượt khách nước ngoài. Như vậy, tính đổ đồng, mỗi lượt du khách đến TPHCM chi trung bình hơn 3,7 triệu đồng. Trong khi đó, các hãng lữ hành thành phố đón 18.000 lượt khách tham quan với doanh thu 17 tỉ đồng – mỗi khách chi 944.000 đồng.

Các doanh nghiệp lữ hành TPHCM đưa khoảng 23.000 lượt khách đi du lịch các tỉnh thành khác với doanh thu 148 tỉ đồng trong Tết này. Vậy trung bình mỗi khách từ thành phố đi trong nước chi 6,43 triệu đồng.

Trong khi đó, lữ hành quốc tế (outbound) là mảng màu sáng nhất của thị trường Tết 2023. Sở Du lịch TPHCM ước tính các hãng lữ hành của thành phố cũng đưa khoảng 18.000 lượt khách đi nước ngoài với doanh số 432 tỉ đồng. Vậy trung bình mỗi người dân thành phố đi du lịch nước ngoài dịp Tết chi 24 triệu đồng – gấp gần bốn lần con số đi du lịch trong nước.

Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ hai với gần 670.000 lượt khách, tăng gần 60%, doanh thu tăng hơn 50% đạt 538 tỉ đồng. Khánh Hòa đứng thứ ba với trên 431.000 lượt khách, doanh thu tăng 2,7 lần đạt 650 tỉ đồng. Thanh Hóa phục vụ 428.000 lượt khách, doanh thu đạt 357 tỉ đồng. Cần Thơ đón 370.000 lượt khách, tổng doanh thu ước 340 tỉ đồng.

Trong khi đó, các con số của Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long lại cho thấy một bức tranh rất tươi sáng khi số khách và doanh thu đều tăng mạnh. Các tỉnh, thành ĐBSCL có lượt khách tăng mạnh đều trên 100% như: An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu…

Tổng lượt khách ước đạt 2,2 triệu lượt, tăng 61%; doanh thu đạt 1.600 tỉ đồng, tăng 116% – tức hơn gấp đôi. Tức mỗi du khách chi trung bình 725.000 đồng khi đến vùng đồng bằng.

An Giang là tỉnh dẫn đầu đồng bằng về cả lượt khách lẫn doanh thu, với nửa triệu khách và 400 tỉ đồng doanh số – trung bình mỗi lượt khách chi 800.000 đồng. Tuy vậy, tỉnh này đã không lọt vào bảng xếp hạng top đầu của du lịch nội địa do Tổng cục công bố.

Xếp thứ hai là thành phố Cần Thơ với 370.000 lượt khách, tăng 128%; doanh thu 340 tỉ đồng, tăng 250% – tức 3,5 lần do với năm ngoái.

Kiên Giang xếp thứ ba về số lượng 340.000 lượt khách nhưng đứng thứ hai về doanh thu 375 tỉ đồng. Riêng thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh ước đón hơn 185.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 13.851 lượt, tổng doanh thu trên 266 tỉ đồng. Cách làm này đã gộp luôn cả khách nội địa lẫn nước ngoài – tương tự như cách làm của Sở Du lịch TPHCM.

Sự tréo ngoe trong dữ liệu của Tổng cục Du lịch và các báo cáo địa phương cho thấy cách thống kê và thu thập dữ liệu rất sơ sài, chưa dựa vào các tiêu chí cụ thể. Du lịch các tỉnh thành làm các báo cáo ước đoán nộp lên trên và chỉ cần năm sau cao hơn năm trước là đủ.

Có tỉnh thành như Hà Nội chỉ thống kê trong sáu ngày (từ 21 đến 26-1), hoặc có tỉnh cắt xuống còn bốn ngày như Bạc Liêu (từ 21 đến 24-1) hay Lào Cai ba ngày (từ 22 đến 24-1). Nhưng có nơi như Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh kéo thành đợt 11 ngày (từ 19 đến 29-1) với số khách và doanh thu kỷ lục.

Các tỉnh thành cũng không màng tách bạch lượng khách trong nước và quốc tế như trong trường hợp TPHCM và Kiên Giang. Cơ quan phía trên chỉ tổng hợp một cách sơ sài và công bố. Dĩ nhiên có sai sót như trường hợp của An Giang lẽ ra phải đứng thứ ba cả nước. Ngành du lịch địa phương và cơ quan quản lý trung ương cũng không màng đến con số chi tiêu trung bình của du khách đến từng địa phương và con số trung bình trên cả nước.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting chuyên nghiên cứu thị trường và dữ liệu du lịch, cho rằng “có bất cập” trong thống kê khách nội địa. Các sở du lịch địa phương tính luôn người đến các điểm giải trí dịp Tết thành du khách. “Khách đi thăm Thảo Cầm Viên cũng thành du khách. Điều này giải thích việc các thành phố lớn như TPHCM trở thành địa phương có lượng khách lớn nhất cả nước”, ông nói.

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, cho rằng thống kê khách quốc tế và khách nội địa của nhiều địa phương “không phải là số lượt khách đi du lịch thuần túy, mà chỉ là số lượt đi lại giữa các tỉnh thành”. Số lượt này sẽ cao gấp 2,5-3 lần số liệu thực tế.

Cách làm dữ liệu lười biếng và hời hợt như trên lộ ra những lỗ hổng, khiến các số liệu được tô hồng.

Doanh nghiệp tự bơi

Qua Tết, các doanh nghiệp lữ hành trong nước bắt đầu lên kế hoạch cho các mùa du lịch lớn sắp tới. Tuy nhiên, cách làm dữ liệu lười hay dữ liệu hồng như trên và tồn tại từ các năm trước sẽ khó giúp ích cho việc dự báo nhu cầu và lên kế hoạch kinh doanh cho những mùa du lịch trọng điểm còn lại của năm 2023, đặc biệt là dịp lễ 30-4 và kỳ nghỉ hè ba tháng kế đó.

Bà Trần Thị Phương Linh, Giám đốc tiếp thị và công nghệ thông tin của BenThanh Tourist, cho biết du xuân đón Tết trên những chuyến du lịch giờ đây đã trở thành xu hướng của nhiều gia đình. Bà cũng nói rằng lượng khách đặt tour nước ngoài cao hơn nhiều so với tour trong nước, theo tỷ lệ 70-30.

Tỷ lệ trên chắc khó bề áp dụng trong các kỳ nghỉ sắp tới bởi sau Tết khách càng có xu hướng siết chặt hầu bao hơn nữa khi các khoản thưởng không còn.

Khi sức mua giảm 30% so với năm 2022, các doanh nghiệp lữ hành trong nước buộc phải có chiến lược phù hợp, linh hoạt thích ứng bằng cách tối ưu hóa giá vé máy bay, dịch vụ cho các kỳ nghỉ trong năm thời gian tới.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, nhấn mạnh rằng động lực tăng trưởng chính vẫn là thị trường du lịch trong nước với kinh doanh vượt thời điểm năm 2019 từ 20-30%. Mảng du lịch nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn khi lượng khách chỉ bằng 60-65% thời điểm trước dịch.

Dữ liệu lười, dữ liệu hồng cũng khiến công việc dự báo nhu cầu du lịch nội địa và các xu hướng mới trở nên khó khăn, trong khi đây lại là nền tảng cho các hoạt động kinh doanh cho ngành hàng không và du lịch, và cả nhà chức trách.

Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các ngành du lịch khách sạn hồi phục như voucher giảm giá khách sạn và đi lại như Nhật Bản và các nước đã làm. Nhưng việc thống kê dữ liệu một cách chính xác và khoa học là không nằm ngoài tầm với các địa phương và Tổng cục Du lịch. Đặc biệt là khi mọi địa phương, mọi ngành đều kêu gọi và quyết tâm thực hiện số hóa.

Các con số thống kê cũng phác thảo sơ nét về chân dung một du khách Việt – dĩ nhiên chưa chính xác hoàn toàn. Độ tuổi và giới tính chưa có, nhưng mức chi tiêu trung bình chưa đến hai triệu đồng/khách, riêng khách đến TPHCM – đã tính khách quốc tế – chi gần gấp đôi và đạt 3,7 triệu đồng. Nhưng chi tiêu của du khách đến TPHCM và các tỉnh phía Nam – thông qua các hãng du lịch – lại khá thấp, chỉ bằng nửa mức chi tiêu trung bình cả nước, ở mức 800.000 đến trên 1 triệu đồng. Trong khi đó, khách từ TPHCM chi sộp cho những chuyến đi xa trong nước (hơn 6,4 triệu đồng) và sẵn sàng chi gấp bốn lần số đó cho những chuyến xuất ngoại.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-du-lieu-luoi/