Chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp

Trong hai ngày 7 và 8-12, 300 cán bộ, hội viên, nông dân các huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất và TP. Rạch Giá được tập huấn 'Nâng cao nhận thức và chuyển đổi tư duy cho cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới'.

Lớp tập huấn do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức

Học viên được tìm hiểu, thảo luận xung quanh các chuyên đề: Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo vệ môi trường; vai trò và phẩm chất cần thiết của người dân trong xây dựng nông thôn mới; các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Chị Hoàng Thị Xuân Trường, ngụ ấp Tân An, xã Tân An, huyện Tân Hiệp cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy giá lúa tăng, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Mở đầu buổi tập huấn, hội viên, nông dân đặt ra nhiều vấn đề thảo luận cùng chuyên gia như: Làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trong thời buổi giá phân bón tăng cao như hiện nay; giải pháp để hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp khi “bắt tay” nhau; giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản thành công…

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, nội dung cốt lõi của chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là chuyển từ mục tiêu sản lượng sang mục tiêu giá trị. Sản lượng có thể ít hơn nhưng giá trị thu được lại lớn hơn.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy (bìa trái) - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới thảo luận cùng các học viên tại buổi tập huấn.

Ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đối với những mô hình sản xuất còn phù hợp thì cần tiếp tục phát huy, cải tiến, đồng thời chuyển sang bản những mô hình mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nền nghiệp số, nông nghiệp chia nông sẻ, nông nghiệp hữu cơ.

"Phải chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản lượng sang chất lượng, từ không an toàn thực phẩm sang an toàn thực phẩm, từ bán sản phẩm thô sang bán sản phẩm chế biến, đáp ứng những hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định thương mại quốc tế và thị hiếu tiêu dùng mới”, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Tin và ảnh: AN LÂM

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doan-the/chuyen-doi-tu-duy-ve-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-11778.html