Chuyển đổi số: Trường nghề cần 'trở bộ' nhanh hơn

Đổi mới đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số được ví như 'chìa khóa' nâng chất cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc này diễn ra chưa đồng bộ ở các trường nghề, phần nhiều vẫn 'giậm chân tại chỗ', trong khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến thời điểm các trường phải chuyển đổi số đạt 70% mục tiêu đặt ra.

Nỗ lực bứt phá

Trước cơn “khát” nhân lực số và yêu cầu đòi hỏi về tay nghề chất lượng cao, việc xây dựng các mô hình trường nghề thông minh đang được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn cả nước nói chung, TPHCM nói riêng, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trên tất cả các lĩnh vực.

Giờ học trên máy tiện CNC của thầy và trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng - đơn vị đào tạo trên 50 nghề thuộc các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ, ngoại ngữ, trong đó có 7 nghề trọng điểm với cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế - là một điểm sáng trong CĐS. TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ở từng chuyên ngành đào tạo cụ thể, giảng viên tích cực xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng, chẳng hạn như phần mềm Adobe Director (phần mềm cho hệ điều hành Windows) trong đào tạo trực tuyến đối với nghề công nghệ ô tô.

Bên cạnh đó, nhiều giảng viên còn đổi mới mô hình giảng dạy bằng cách thực hiện lớp học đảo ngược. Khác với lớp học truyền thống, ở lớp học đảo ngược, giảng viên thực hiện các bài giảng, video về lý thuyết và bài tập cơ bản bằng cách chia sẻ qua internet cho sinh viên xem trước khi đến giảng đường, xưởng thực hành. Thời gian học trực tiếp ở lớp sẽ dành cho việc giải đáp thắc mắc, làm bài tập khó hoặc thảo luận sâu hơn về kiến thức. Trong lớp học đảo ngược, thời lượng học không gói gọn trong những buổi học trên lớp mà được dàn trải đều trong cả thời gian trước và sau khi đến lớp.

“Các mô đun ở phòng học số chi tiết đến từng góc khuất của mỗi ngành nghề. Có nhiều dạng bài tập, diễn tả cấu tạo, các nguyên lý hoạt động của hệ thống máy móc dưới nhiều góc độ, tạo sự hứng thú, dễ dàng quan sát…, giúp chúng tôi hiểu được 80% quy trình kỹ thuật, các kỹ năng về cách lắp đặt thiết bị, như kỹ năng đấu nối điện, cầm cờ lê, mỏ lết tháo vặn, lắp ráp các thiết bị động cơ ô tô thuần thục như thật. Sinh viên dễ dàng đúc kết kinh nghiệm và áp dụng được ngay vào thực tế”, sinh viên Lê Phạm Chiến Thắng, khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, chia sẻ.

Tương tự, tại các trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng; Cao đẳng Viễn Đông; Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM; Cao đẳng Nghề TPHCM; Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức; Cao đẳng Kinh tế TPHCM; Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn; Cao đẳng Việt Mỹ…, đa số các tiết học ở các trường có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Bài giảng được thầy cô giáo linh hoạt thiết kế để tạo nên thư viện học liệu số cho người học. Điều này giúp người học có thể trải nghiệm các giờ thực hành từ xa, nhưng vẫn nắm bắt được các quy trình vận hành máy móc ngay trên máy tính, điện thoại thông minh…

Cần lực đẩy lớn hơn

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH), Chương trình CĐS trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được thực hiện theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30-12-2021, là một trong những đề án CĐS đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt. Qua hơn 2 năm thực hiện, Tổng cục GDNN đánh giá: mới chỉ có gần 40% trên tổng số 1.880 cơ sở GDNN trên cả nước áp dụng CĐS phát triển được năng lực số cho nhà giáo và chương trình đào tạo, hạ tầng, học liệu số đến quản lý, quản trị số. Nguy cơ đến hết năm 2025 sẽ không đạt 70% như mục tiêu đặt ra.

Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra, chẳng hạn như cơ chế chính sách phục vụ CĐS còn bất cập… Ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia về dự báo nguồn nhân lực TPHCM, lưu ý, để GDNN đạt được mục tiêu nêu trên, Chính phủ và các tỉnh, thành phố cần tăng cường đầu tư mạnh từ nguồn ngân sách nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất, con người, phục vụ cho đào tạo nghề. Trong đó, việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo phải thực hiện thường xuyên và đồng bộ.

ThS Trần Minh Sự, nguyên Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho rằng, trong hơn 370 cơ sở GDNN tại TPHCM, số cơ sở đáp ứng được Chương trình CĐS không nhiều, chỉ khoảng 30%. Các cơ sở chưa thực hiện được, vẫn còn loay hoay với việc CĐS là do cơ sở vật chất hạn chế, kỹ thuật hạ tầng chưa đáp ứng; giáo trình, bài giảng chưa được số hóa, chưa có hệ thống dữ liệu dùng chung. Khó khăn khác trong CĐS là năng lực giảng viên còn hạn chế, trong khi lĩnh vực GDNN cả nước có gần 90.000 nhà giáo.

“Dù lãnh đạo các trường nghề rất tâm đắc và quan tâm đến đổi mới hoạt động quản trị nhà trường cũng như số hóa hoạt động dạy học, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào khi nguồn lực tài chính eo hẹp”, ông Trần Minh Sự nêu ý kiến.

Các trường nghề phải thay đổi tư duy, xem CĐS là ứng dụng những việc đã làm được trong quá trình đào tạo, quản lý để phát hiện những bất cập và tận dụng công nghệ nhằm giải quyết triệt để các bất cập nội sinh của từng trường. Không thể chậm trễ hơn nữa, phải quyết liệt trở bộ nhanh hơn.

TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH)

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) nhận định, nếu không có thay đổi từ cả người dạy và người học, CĐS GDNN sẽ thụt lùi. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Quyết định 2222/QĐ-TTg, thời gian tới tổng cục tiếp tục tham mưu cho Bộ LĐTB-XH để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ CĐS trong lĩnh vực GDNN. Trong đó sẽ xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số…

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-doi-so-truong-nghe-can-tro-bo-nhanh-hon-post730514.html