Chuyển đổi số trong xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, ngày 17/4, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật'.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên khẳng định, sách là kho tàng tri thức quý báu, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về tri thức nhân loại đến người dân. Sách pháp luật là công cụ quan trọng, là phương tiện để thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa tri thức pháp lý đến người dân.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) - ông Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: BTC

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 thì một trong các hình thức PBGDPL là thông qua biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật, trong đó có sách pháp luật. Theo hình thức thể hiện có sách pháp luật in, sách pháp luật điện tử và sách nói. Theo nội dung thể hiện có: sách nghiên cứu pháp luật, sách phục vụ dạy và học pháp luật, sách pháp luật phổ thông và sách văn bản pháp luật.

Ông Trần Văn Tùy, Phó Trưởng phòng truyền thông chính sách, PBGDPL (Cục PBGDPL) nhấn mạnh: thực tiễn cho thấy, PBGDPL qua sách pháp luật có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhiều đối tượng với trình độ nhận thức khác nhau. Thông qua đọc sách pháp luật, độc giả sẽ được trang bị nội dung, kiến thức pháp luật; các quy định về quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể trong từng lĩnh vực để nâng cao hiểu biết của bản thân. Hiểu biết pháp luật sẽ giúp hình thành trong người dân niềm tin vào luật pháp; tăng cường ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo ông Trần Văn Tùy, khâu biên soạn sách pháp luật cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể về nội dung, bố cục, hình thức và giá bán. Chẳng hạn, đối với sách pháp luật phổ thông, nội dung phải gồm các vấn đề pháp lý thường gặp trong đời sống hàng ngày, được nhiều người quan tâm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của công dân. Hình thức cần trình bày bắt mắt, khổ sách và độ dày vừa phải, gọn gàng, dễ mang theo, thuận tiện cho người sử dụng.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử. Việc đọc sách pháp luật và tiếp thu kiến thức pháp lý không nên chỉ ở các ấn phẩm sách giấy mà cần đa dạng hóa hình thức như: sách nói, sách định dạng số…

Từ hiệu quả thiết thực với mô hình “Quán cà phê pháp luật” tại Hậu Giang, ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang đề xuất nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật này, đồng thời đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Chú trọng định hướng từ gia đình, nhà trường về văn hóa đọc nhất là đọc sách pháp luật, nhằm giúp học sinh có nền tảng tri thức, tạo cho các em có thói quen tự tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thượng tá Lương Khắc Của, Phó Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội biên phòng. Ảnh: BTC

Nhằm phát huy hiệu quả Tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới, Thượng tá Lương Khắc Của, Phó Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội biên phòng cho rằng: cấp chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của các đồn biên phòng trong phối hợp với cơ quan chức năng của ngành văn hóa tư tưởng, tư pháp và bưu điện để xây dựng và tổ chức tốt hoạt động của tủ sách pháp luật trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp từng tuyến biên giới phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng cơ quan và trình độ dân trí mỗi vùng…

Linh Đan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-doc-sach-phap-luat-2271699.html