'Chuyển đổi số thế nào' đã 'gãi đúng chỗ ngứa' nên sức lan tỏa lớn

''Có vẻ như các câu hỏi được đặt ra trong 'Chuyển đổi số thế nào' đã 'gãi đúng chỗ ngứa' của nhiều người nên sức lan tỏa lớn'' - TS Nguyễn Nhật Quang - một trong 2 tác giả nhận giải B sách quốc gia lần thứ 6.

Chuyển đổi số thế nào là cuốn thứ hai trong Bộ sách căn bản về chuyển đổi số - NXB Thông tin và Truyền thông, do Giáo sư Hồ Tú Bảo - Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang biên soạn. Cuốn đầu tiên có tựa đề Hỏi đáp về chuyển đổi số (tác giả: Nguyễn Huy Dũng - Hồ Tú Bảo - Nguyễn Nhật Quang).

Nội dung sách giới thiệu phương pháp luận ST-235 và trình bày về quá trình chuyển đổi số quốc gia, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các địa phương và doanh nghiệp.

Cuốn sách vừa giành giải B Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 6 sẽ giúp mỗi cá nhân, tổ chức nhận thức được chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Chuyển đổi số chỉ thành công khi trở thành chiến lược cốt lõi, thay vì là nỗ lực riêng biệt; phải bao trùm lên mọi hoạt động, mọi bước đi của tổ chức.

Tác phẩm trình bày một cách khoa học từ những điều cơ bản về chuyển đổi số như khái niệm, vai trò... đến phương pháp, vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số; sau đó đi vào cụ thể các lĩnh vực trọng tâm như: chuyển đổi số quốc gia, kinh tế - xã hội, địa phương, doanh nghiệp... thông qua hai nguyên lý, ba cặp nguyên tắc và năm vấn đề.

Từ đó, sách đưa ra lời giải cho câu hỏi quyết định đến sự thành công hay thất bại của quá trình thực hiện chuyển đổi số ở mỗi tổ chức. Ví dụ, chọn việc gì để làm trước nên chọn cái khó nhất, hay gọi là “nỗi đau” lớn nhất, vấn đề gì tồn tại lâu rồi còn gọi là bài toán thiên niên kỷ; hoặc đưa những vấn đề đang nóng khiến người dân bức xúc để xem công nghệ số có giải quyết được không…

Chuyển đổi số thế nào giúp tạo ra những ý tưởng mới và độc đáo về sử dụng công nghệ để thay đổi cách làm việc. Chiến lược chuyển đổi số do người đứng đầu chỉ đạo xây dựng và sẽ được lan tỏa, thấm nhuần tới từng thành viên của tổ chức.

Sách đưa ra 3 nhiệm vụ phải thực hiện để chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao, có tác động đến toàn bộ tiến trình chuyển đổi. Một là phải có được những ý tưởng mới và độc đáo về công nghệ hoặc ứng dụng công nghệ cho một mục tiêu xác định. Hai là phải thực hiện, cài đặt được những ý tưởng đó trong thực tế. Ba là phải đem được kết quả đó vào sử dụng, tạo ra và lan tỏa giá trị mới.

Các quan điểm, nội dung về hoạt động của doanh nghiệp, từ kinh nghiệm tích lũy của các tác giả trong quá trình tư vấn, giảng dạy chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau nhưng có thể vận dụng ở mức độ nào đó cho các tổ chức như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu và thậm chí là từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với hai tác giả Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang bên lề Lễ trao giải Sách quốc gia lần thứ 6 để hiểu thêm về một số vấn đề trọng tâm của cuốn sách.

Hai tác giả Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang. Ảnh: Lê Anh Dũng

-Khó khăn lớn nhất khi biên soạn cuốn sách có nội dung đặc thù này là gì, thưa các ông?

TS Nguyễn Nhật Quang: Theo tôi, đó chính là việc làm thế nào để viết về những nội dung khá khu biệt nhưng độc giả đại chúng vẫn hiểu được. Viết sao phải chuẩn chỉnh, chặt chẽ về chuyên môn ngôn từ gần gũi, dễ đọc. Sau khi cuốn Hỏi đáp về chuyển đổi số ra đời, áp dụng vào thực tế chúng tôi nhận thấy nhiều nơi rất lúng túng khi thực hiện và trong quá trình giảng dạy cũng nhận được nhiều câu hỏi sát sườn của học viên. Rõ ràng là lý thuyết có thể nắm vững nhưng thực hành lại bất ổn, tỷ lệ chuyển đổi số thất bại không phải là ít. Điều này càng thôi thúc chúng tôi biên soạn cuốn sách thứ hai như cuốn cẩm nang nhỏ để chỉ dẫn cụ thể về phương pháp tiến hành chuyển đổi số.

GS Hồ Tú Bảo: Ngoài ra, còn có một khó khăn nữa vì chuyển đổi số là câu chuyện mới, chưa có tiền lệ nên tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm. Trên thế giới, kinh nghiệm của các nước rất khác nhau, chúng ta khó mà học theo. Chúng tôi phải vừa làm vừa thảo luận, tìm hiểu tài liệu và không thể thiếu những trải nghiệm thực tiễn từ cơ sở, lăn lộn suốt 2 năm mới hoàn thành.

-Các tác giả nhận được phản hồi thế nào về cuốn sách?

TS Nguyễn Nhật Quang: Rất vui chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả ở các doanh nghiệp ngành dầu khí, điện lực; các tổ chức cơ quan thuộc Chính phủ... Đặc biệt, một số địa phương khi lập Đề án chuyển đổi số đã tích cực tham khảo thông tin trong cuốn sách, đặc biệt là phương pháp luận ST-235. Có vẻ như các câu hỏi được đặt ra trong Chuyển đổi số thế nào đã “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều người nên sức lan tỏa lớn. Thật hạnh phúc khi tâm huyết của chúng tôi được các bạn đón nhận và vận dụng hữu ích vào từng ngành, lĩnh vực của mình.

GS Hồ Tú Bảo: Một điển hình như Nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng Rạng Đông trong khi tiến hành xây dựng đề án chuyển đổi số đã tham khảo thông tin từ cuốn sách và thu được hiệu quả cao, củng cố niềm tin về hướng đi mới của doanh nghiệp.

Việc vận dụng nội dung của Chuyển đổi số thế nào sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, lĩnh vực kinh tế số - xã hội số, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp.

- GS. Hồ Tú Bảo nghiên cứu và giảng dạy về trí tuệ nhân tạo, học máy và chuyển đổi số. Sau 25 năm làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, hiện ông công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán của Việt Nam và Viện John von Neumann của Đại học quốc gia TP. HCM.

- TS. Nguyễn Nhật Quang nguyên là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA, Viện trưởng Viện KHCN VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Phần mềm Hài Hòa. Các lĩnh vực nghiên cứu gồm: Chuyển đổi số, thành phố thông minh, công nghệ BIM/GIS

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-the-nao-da-gai-dung-cho-ngua-nen-suc-lan-toa-lon-2233282.html