Chuyển đổi số ngân hàng mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý tài chính, minh bạch dòng tiền góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những sản phẩm dịch vụ này gắn chặt chẽ với đời sống hàng ngày của người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh QR…; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp;… kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với xuất hóa đơn điện tử vừa tạo thuận tiện cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch tài chính và hỗ trợ quản lý thuế…
"Những trải nghiệm này đã cho tôi thấy rõ sự tiến bộ vượt trội so với những sản phẩm, dịch vụ mà tôi đã trải nghiệm 2 năm trước", Thủ tướng nói.
Về các mục tiêu xây dựng Chính phủ số, Thủ tướng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong số bộ, ngành đã hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ bí mật nhà nước).
"Qua báo cáo của các đồng chí và với những trải nghiệm thực tế các sản phẩm dịch vụ của ngành ngân hàng trình diễn ngày hôm nay cho thấy, những giải pháp, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều được ứng dụng, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ mới và không thua kém so với các nước trên thế giới…", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức về đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ… Do đó, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Để tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, vượt qua các thách thức và tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những bộ, ngành, lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số, trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thời gian qua, Thủ tướng đề nghị toàn ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật các Tổ chức tín dụng 2024 vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt…; Đồng thời, phải thực hiện tốt về hạ tầng, dữ liệu, nguồn lực, đảm bảo an ninh, an toàn và truyền thông, giáo dục tài chính...
Tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng là lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với đảm bảo an ninh, an toàn...

Theo đó, tính theo bình quân toàn ngành, nhiều chỉ tiêu đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025.
Cụ thể, tại Ngân hàng Nhà nước, 100% các thủ tục hành chính đủ yêu cầu được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đến cuối năm 2023, đã có 87,08% người trưởng thành tương ứng 182 triệu tài khoản thanh toán vượt kế hoạch đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số; 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên môi trường số; 17 tổ chức tín dụng đã số hóa hoàn toàn với các dịch vụ cho vay cá nhân, nhỏ lẻ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng cho rằng, việc hình thành hệ sinh thái và kết nối hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, vận hành và quản lý cùng với các nền tảng số quốc gia như Nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; hệ thống hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính cấu thành nên hạ tầng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế. Quan trọng hơn, chuyển đổi số giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các dịch vụ này đã tích hợp sâu rộng để đảm bảo giao dịch số của các ngành, lĩnh vực khác được thực hiện xuyên sốt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới.
Cũng tại sự kiện này, đại diện nhiều ngân hàng đã có những chia sẻ liên quan tới việc chuyển đổi số. Theo ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình chuyển đổi số. Việc ứng dụng các công nghệ mới đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong hình thức kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng, từ châu Âu, Mỹ, Australia hay các nước châu Á.
Ông Long cho biết, hiện nay, ngân hàng mở đang dần trở thành xu thế, làm thay đổi thị trường tài chính với hai xu hướng là tích hợp dịch vụ với bên thứ ba trên kênh của ngân hàng, gia tăng tiện ích trên ứng dụng của ngân hàng với các dịch vụ đặt vé máy bay, taxi, mua sắm…; tích hợp dịch vụ của khách hàng trên kênh của bên thứ ba, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ do bên thứ ba cung cấp để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đề nghị cấp tín dụng, rút gọn quá trình trên ngân hàng mở đó chính là Open API, kết nối ngân hàng với bên thứ ba và ngược lại.
Với mô hình ngân hàng mở, dịch vụ của ngân hàng sẽ không chỉ tồn tại trên kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà còn được “nhúng”, tích hợp trên phần mềm của bên thứ ba đem đến sự đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.
Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định pháp lý là cơ sở, khuôn khổ, thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng mở.
“Với 70.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, 18.000 doanh nghiệp cung cấp phần mềm tại Việt Nam hợp tác với bên thứ ba mang đến tiềm năng phủ sóng mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng trên các kênh số… Có thể thấy, tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam là vô cùng lớn”, Phó Tổng Giám đốc BIDV khẳng định.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc - Phụ trách Khối quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chia sẻ những thông tin liên qua đến chủ đề kết nối, tích hợp ứng dụng VNeID trong xác thực, định danh khách hàng để phòng ngừa gian lận, lừa đảo.
Theo bà Thái, các ngân hàng đã chủ động gia tăng tần suất cải tiến các hình thức cảnh báo nhằm khuyến nghị khách hàng bảo mật thông tin của mình và thực hiện giao dịch trực tuyến an toàn. Tại Vietcombank, với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cùng Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội (CO6) hoàn thành kết nối về kỹ thuật với Dữ liệu dân cư quốc gia và ứng dụng nhiều giải pháp định danh chính xác công dân, khách hàng.
Bà Thái cho rằng, việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trao bằng khen cho các tổ chức tín dụng tiêu biểu về chuyển đổi số. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và và chú trọng đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-ngan-hang-mang-lai-tien-ich-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep/332425.html