Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong triển khai các mô hình sinh kế giúp người dân cải thiện thu nhập. Trong đó, phục tráng và phát triển các loại giống lúa bản địa có giá trị kinh tế cao trở thành đặc sản vùng miền, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Trung tá Nguyễn Huy Du (bên trái) giới thiệu giống lúa Khẩu Lương phửng để chuẩn bị cho vụ Xuân Hè sắp tới. Ảnh: Ái Vân

Trung tá Nguyễn Huy Du (bên trái) giới thiệu giống lúa Khẩu Lương phửng để chuẩn bị cho vụ Xuân Hè sắp tới. Ảnh: Ái Vân

Ở huyện Phong Thổ, giống lúa nếp tan, hay còn gọi là Khẩu Lương phửng, là loại giống lúa thuần chủng ở địa phương, được đánh giá là giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Mỗi vụ thu hoạch có năng suất trung bình từ 40 tạ đến 45 tạ/ha, cao hơn 20% so với năng suất lúa cùng loại. Giống lúa này được bà con cấy theo phương pháp truyền thống, được huyện phục tráng thành công. Đến nay, giống Khẩu Lương phửng được huyện Phong Thổ xây dựng thành mô hình, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Diện tích Khẩu Lương phửng được trồng trên địa bàn xã Bản Lang hơn 130ha, tập trung chủ yếu ở bản Lang 2, bản Hợp 1 và bản Nà Cúng.

Khẩu Lương phửng là giống lúa bản địa được người dân xã Bản Lang đưa từ trên nương xuống canh tác ở ruộng nước, cấy tập trung ở xã Bản Lang và trồng một vụ trong năm. Là giống lúa cao cây, bản lá to, cứng, có nhiều ưu điểm như khả năng chống chịu các loại sâu bệnh tốt, chỉ nhiễm nhẹ đối với bệnh rầy nâu và sâu đục thân, sâu cuốn lá. Hạt gạo tròn, ít bạc bụng, đồ xôi lên có vị dẻo đậm, mùi thơm đặc trưng. Nông sản có giá trị tương đối cao khi có giá thành từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng/kg thóc và 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg gạo. Do vậy, bà con đang tích cực tích trữ nguồn giống bản địa, xây dựng bao bì thương phẩm để nâng cao giá trị cho giống Khẩu Lương phửng này. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền tới người dân tích cực tham gia Đề án phục tráng giống Khẩu Lương phửng để tạo ra vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho thị trường sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Việc phục tráng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu lúa Khẩu Lương phửng đã mang lại hiệu quả tích cực cho người dân và địa phương. Trên cơ sở đó, xã đã bổ sung giống lúa chất lượng cao vào các vụ gieo trồng tiếp theo. Đồng thời, lưu giữ, mở rộng diện tích gieo trồng giống lúa quý mang đặc trưng bản địa, góp phần phát triển đặc sản địa phương tạo sinh kế giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Trung tá Nguyễn Huy Du, cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bản Lang cho biết: "Đảng bộ xã đã xây dựng các mô hình phát triển hàng hóa nông nghiệp, chú trọng đến mô hình lúa nếp trên địa bàn, nhất là mô hình lúa nếp ở xã Bản Lang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn bảo tồn và phát triển giống nếp tan, chúng tôi rất cần sự quan tâm của huyện, Sở Khoa học công nghệ Lai Châu xây dựng đề án, phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp khôi phục giống lúa nếp tan, tạo điều kiện cho bà con nhân rộng mô hình này, nâng cao chất lượng giống Khẩu Lương phửng để trở thành hàng hóa tập trung, tiến tới được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh".

Hiện nay, Khẩu Lương phửng là một trong 7 giống lúa bản địa của tỉnh Lai Châu đã được phục tráng và phát triển thành công bao gồm: Khẩu Ký, nếp tan Co Giàng, Khẩu Hốc, Séng Cù, Tả Cù, Tả Râu, Khẩu Lương phửng... Đây là những giống lúa được đánh giá chất lượng tốt, năng suất cao, có giá trị thương phẩm, là các mặt hàng của Lai Châu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu, để tỉnh Lai Châu có nông sản đặc trưng quảng bá, cạnh tranh trên thị trường.

Mong muốn nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất, đồng bào dân tộc Mông ở bản Sùng Chô, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng quýt và một số loại cây ăn quả khác trên vùng đất dốc, đồi núi. Sau nhiều năm trồng và chăm sóc, vườn quýt của gia đình chị Hàng Thị Kẻ đã cho kết quả ngoài mong đợi về sản lượng. Đồng thời, vườn cây ăn quả của chị còn thu hút cho mọi người đến check-in, tạo thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Với diện tích 1ha, được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, năm 2018, chị Kẻ đã trồng 200 gốc quýt thay thế cho trồng cây ngô. Sau 3 năm kiên trì chăm sóc, đến năm thứ 4, vườn quýt nhà chị đã bói quả. Năm đầu tiên, sản lượng không đều, từ năm thứ 2, trừ chi phí, chị Kẻ đã thu về được 50 triệu đồng. Mùa thu hoạch năm thứ 3, chị Kẻ đã chăm sóc vườn quýt khoa học hơn, bón phân kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc nên vườn quýt ra quả nhiều, chất lượng hơn, sản lượng ước đạt 2 tấn quả. Từ việc bán nhỏ lẻ, liên kết với thương lái, trừ chi phí, chị thu được khoảng 70 triệu đồng từ vườn quýt.

Toàn cảnh thành phố Lai Châu. Ảnh: Ái Vân

Toàn cảnh thành phố Lai Châu. Ảnh: Ái Vân

Chị Kẻ chia sẻ: "Trồng ngô không cho giá trị thu nhập cao nên tôi chuyển sang trồng quýt. Vườn quýt tôi bón bằng phân hữu cơ nên chất lượng, năng suất đều đảm bảo về giá trị dinh dưỡng và về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn đây là điểm du lịch gắn với nông nghiệp để khách đến với Lai Châu có thể trải nghiệm và yêu thích".

Đến vườn quýt của chị Kẻ, cây nào quả cũng sai trĩu cành. Do gia đình chị trồng cây sạch, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên có thể thưởng thức những trái quýt ngay tại vườn, lại vừa tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành. Khi vào vụ thu hoạch, những trái quýt vàng quyện với màu xanh đậm cây cối tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, yên bình. Cũng vì lý do này, khi quảng bá vườn quýt của chị Kẻ lên các trang mạng xã hội, vườn quýt đã được đông đảo các bạn trẻ đến chụp ảnh, đánh dấu địa điểm, do vậy, chị Hàng Thị Kẻ có thêm nguồn thu nhập từ việc du lịch gắn với nông nghiệp.

Qua nhiều năm trồng quýt, chị Kẻ rút ra kinh nghiệm, cây quýt phát triển ở nhiệt độ từ 13 độ C đến 39 độ C, thích hợp trồng ở nơi đất dốc. Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 8 đến 10 tháng nên cần bón phân theo giai đoạn, thu hoạch quả vào ngày nắng ráo, không nên thu hoạch sau ngày trời mưa hoặc sương mù, không nên tồn trữ quả quá 15 ngày sẽ làm giảm giá trị nông sản. Từ việc thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng ăn quả phù hợp, gia đình chị Kẻ là một trong những tấm gương nông dân điển hình trên địa bàn xã, dám nghĩ, dám làm phát triển kinh tế theo mô hình mới có thu nhập ổn định, lâu dài. Nếu được đầu tư đúng hướng có thể phát triển thêm theo chiều hướng dịch vụ du lịch...

Có thể thấy, các mô hình hỗ trợ sinh kế đã góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số được tiếp cận với các cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất chất lượng, phù hợp với từng gia đình, địa phương. Đó là bàn đạp quan trọng, là những chiếc cần câu hiệu quả giúp người dân vươn lên, tạo tiền đề cho nền kinh tế của địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-doi-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-hieu-qua-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post475761.html