Chuyện đời của nữ công nhân

Ở nhiều khu công nghiệp, đa số nữ công nhân phải sống cảnh thuê trọ, đồng lương thấp và ngại lập gia đình.

Không chỉ bởi thiếu đối tác tin cậy mà mối lo cơm áo cùng nhiều hệ lụy xảy ra khiến nhiều nữ công nhân chấp nhận sống cảnh chung tạm bợ hoặc ở vậy.

“Góp gạo thổi cơm chung”

Đêm ở Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo - TP. Hồ Chí Minh. Ánh đèn vàng vọt soi rõ từng đôi nam nữ công nhân ngồi tâm sự, hẹn hò trên bãi cỏ. Huỳnh Thảo lại sửa soạn đồ cho buổi hẹn hò lần thứ… tư. Trải qua ba cuộc tình công nhân, màu hồng trong mơ hình như đã không còn làm cho Thảo đợi chờ, hy vọng nhiều nữa bởi lẽ ngoài giờ làm việc, Thảo và bạn trai cũng chỉ biết đến chốn hẹn hò là bãi cỏ, công viên hay cùng lắm là quán cà phê, quán karaoke bình dân chung quanh khu công nghiệp. Chuyện gì đến cũng đã đến, những đôi công nhân yêu nhau như Thảo chỉ có thể dùng tấm màn ri-đô kéo làm nẻo riêng, là có thể sống chung với nhiều bạn đồng nghiệp khác vì ai cũng khó khăn, lại tăng ca tăng giờ làm.

Nữ công nhân ở một doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Họ làm việc hầu hết các giờ vàng nên có ít thời gian giao lưu kết bạn.

Thảo kể chuyện buồn: “Công nhân chúng em nhiều người góp gạo thổi cơm chung, rồi sống chung như vợ chồng, phát sinh cãi vã từ những mâu thuẫn thường nhật, cũng do nghèo khó. Ba cuộc tình trước, bạn trai em đều về phòng của em thuê để ở cùng. Vài tháng đầu, họ còn có trách nhiệm chăm sóc tổ ấm nhỏ, còn đưa một khoảng tiền lương nhưng dần dà, anh nào cũng dắt bạn về ăn nhậu hát hò cả đêm. Có anh còn bắt em đưa tiền để mua bia rượu, chẳng ngó ngàng hay quan tâm đến nhu cầu của em cả. Mà em có đòi hỏi chi nhiều đâu, chỉ là những ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi, thăm bạn bè, hay thậm chí chỉ là một buổi xem phim lãng mạn cũng không có. Vậy là chia tay!”.

Khi được hỏi mong muốn gì ở lần hẹn thứ tư này, Thảo cười: “Em chỉ muốn bớt cô đơn, chứ cả hai làm công nhân, đầu tắt mặt tối lấy gì ước mơ!”.

Cách chỗ ở của Thảo không xa, khu vực nhà trọ trên Tỉnh lộ 10 có vài nghìn đôi công nhân. Nhiều trong số đó sống chung phòng như vợ chồng. Tuy nhiên, chưa đôi nào đăng ký kết hôn mà chỉ sống tạm cho qua ngày tháng hay sống “cho giống bạn bè”. Nguyên nhân hầu hết là do các công nhân đều làm việc cho Công ty May Pouyeun, nơi “ngốn” đến gần 100 nghìn lao động với đặc thù ngành nghề (may công nghiệp) nên khi ra khỏi xưởng sản xuất, hầu như chị em công nhân ở đây chỉ còn tiền mua chút rau héo, cá tạp ở cái chợ “hồm hổm” rồi về ăn uống qua quýt cho xong, sau đó thì ngủ lấy sức để ngày sau lại vào ca.

Huỳnh Thúy Kim Hạnh (28 tuổi, quê Trà Vinh) kể: “Em làm được mỗi tháng 5 triệu đồng, bạn trai em cũng làm cỡ đó. Nếu cưới, tụi em phải đi hai quê vì nhà anh ấy ở tận Nghệ An, mỗi lần về quê tốn kém lắm. Chỉ nghĩ đến việc đi lại, đón cha mẹ hai bên vào dự cưới… là em đã rùng mình. Nên tụi em quyết định cứ phòng ai nấy sống, khi nào nhớ nhau thì gặp tại phòng trọ 50 nghìn đồng/giờ, khi nào đủ tiền rồi mới cưới. Biết là đã “cứng” tuổi nhưng em… đành chấp nhận”.

Công nhân thường phải làm tăng ca, công việc luôn bận rộn (ảnh minh họa).

Cái khó “bó” chuyện chồng con

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, số công nhân làm việc tại các KCX-KCN ở TP. Hồ Chí Minh là hơn 280 nghìn người; trong đó tỷ lệ nữ giới khoảng 70%, tỷ lệ công nhân trong độ tuổi thanh niên hơn 60%, công nhân từ các tỉnh, thành khác ngoài TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 70%. Kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thanh niên công nhân tại các KCN-KCX hiện nay có 4 nhu cầu chính: 82% cần việc làm và thu nhập ổn định; 76% mong được quan tâm, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham gia hoạt động xã hội, giao lưu kết bạn; 69% muốn được hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; 42% cần được học tập, nâng cao tay nghề, học vấn và phát triển cá nhân. Như vậy, có khoảng 190 nghìn nữ công nhân chỉ mong đủ lương để sống, được vui chơi giao tiếp và có cơ hội nghề nghiệp. Song có thể thấy với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng thì chỉ riêng nội dung “đủ sống” đã là khó, nói gì đến tích lũy hay mong ước một mái ấm gia đình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Tân, đưa ra con số thống kê, quận có 100 nghìn công nhân, tỷ lệ thanh nữ công nhân thuê nhà ở trọ là 78% (chi phí thuê nhà ở và điện nước trung bình khoảng 1 triệu đồng/người/tháng), tình hình an ninh trật tự tại nhiều khu nhà trọ không bảo đảm, diện tích phòng ở chật hẹp, không thông thoáng, không khí ẩm thấp, điện nước thiếu thốn… Vì vậy, sau giờ làm việc, có 64% thanh niên công nhân muốn được ngủ để lấy lại sức; 27% thanh niên công nhân đọc sách báo; 21% xem tivi; 28% đi dạo, cà phê; 33% làm thêm công việc khác để tăng thu nhập… Chỉ có số ít (khoảng 12%) công nhân đi học thêm để nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, tin học. Cán bộ phụ nữ quận Bình Tân cũng cho rằng, cơ hội để nữ công nhân lập gia đình là rất ít, phần vì thiếu thời gian, phần vì lương chưa đủ tích lũy nên ngại lấy chồng.

Chúng tôi hỏi chuyện 10 nữ công nhân thuê phòng trọ trên đường Hương Lộ 2 (KCN Tân Tạo) thì cả 10 đều chưa lập gia đình. Trong số này, có người đã có người yêu, người gặp bạn trai mỗi… tháng/lần nhưng đa số đều ngại ngần vì sợ bị lừa, đùa bỡn, sợ tốn kém, sợ “một phút sẩy chân, ngàn đời ân hận”.

Thế nên 10 nữ công nhân ấy có chị đã 35 tuổi và trẻ nhất thì cũng 26. Hỏi chuyện tình duyên, chị em nào cũng cười khúc khích nhưng trong mắt ánh lên nỗi buồn khi nhìn hình ảnh các đôi vợ chồng sinh sống vất vả ở quanh khu trọ. Chúng tôi cũng thăm dò ý kiến một bác sĩ tại Khoa Sản - Nhi của Bệnh viện quận Bình Tân thì vị này cho biết, hầu hết nữ công nhân đến bệnh viện để “xử lý tình huống” đều đi một mình, tự đóng tiền, tự chịu đựng và lầm lũi ra về sau khi để lại dòng tên ảo. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị em công nhân ngại lập gia đình.

Chị Nguyễn Thị Bé Ba giờ đã 40 tuổi, vẫn buôn bán hàng rong bên cạnh KCN Lê Minh Xuân kể, chị đã làm công nhân 10 năm, trải qua ba cuộc tình nhưng không tới đích, trong đó có hai lần chị phải tự tìm đến bác sĩ để giải quyết hậu quả. Những người như chị Bé Ba không giàu, không đẹp, không có thời gian giao tiếp xã hội nên cũng chỉ có thể làm bạn với các công nhân nam đồng cảnh ngộ. Trong khi đó, ai cũng suy nghĩ không chín, không sâu và rất “xấu hổ” nếu phải đưa bạn gái đến bệnh viện nên họ đã đẩy chị Bé Ba và nhiều chị em khác đến chỗ “chán nản tìm chỗ dựa”. Chị nói buồn buồn: “Chị thấy mấy đứa nhỏ bây giờ yêu mà không biết cách phòng ngừa nên gặp em gái nào chị cũng chỉ bảo này nọ cho an toàn, đỡ nhọc thân. Hôm rồi may mắn có đứa lấy được chồng làm công nhân cùng xưởng, cả xóm trọ ai cũng mừng vì hiếm lắm mới có cái đám cưới công nhân cùng làm chung”.

Anh Lâm Đình Thắng - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh nói, tính đến 31/12/2015, số doanh nghiệp tại các KCN-KCX có tổ chức Đoàn hiện nay là 136 doanh nghiệp, một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên đã thành lập được 66/94 cơ sở Đoàn trong các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên (đạt tỷ lệ 70,2%). Qua đó, các cấp bộ Đoàn đã “vun vén” cho vài trăm đôi công nhân nên duyên chồng vợ. Con số này khá khiêm tốn so với nhu cầu nhưng có thể là “mô hình gia đình vững chắc” mà các nữ công nhân có thể an tâm trông cậy vào. Ghé thăm một địa chỉ mà anh Thắng hướng dẫn, đập vào mắt chúng tôi là hai vợ chồng đang ăn cơm chiều trong tiếng bi bô của trẻ. Vợ là chị Trần Thị Ngọc còn chồng là anh Dương Tuấn Thạch đều là công nhân KCX Linh Trung. Ngọc kể họ quen nhau nhưng cũng quá nghèo nên không thể cưới, cũng chưa dám sống thử. Tình cờ được Thành đoàn vun vén thêm nên cả hai cũng có đám cưới ấm cúng. “Tại đám cưới tập thể năm 2013, cùng với hàng chục đôi uyên ương công nhân khác, vợ chồng em được tặng cặp nhẫn, được chụp hình trong váy áo cưới, mời một mâm cỗ cho hai bên… nên vô cùng hạnh phúc”, Ngọc vuốt ve con, kể lại chuyện “đám cưới trong mơ” mà đỏ hoe mắt!

Hạnh phúc thì rất khó tìm, nhất là đối với nữ công nhân nhưng không phải là không thể tìm được, chỉ là đi đúng đường thôi, phải không Ngọc?

Minh Hạnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chuyen-doi-cua-nu-cong-nhan-n124704.html