Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Thường Tín

Sau khi những diện tích chuyển đổi tự phát của nông dân phát huy hiệu quả nhất định, UBND huyện chỉ đạo các HTX có nhu cầu chuyển đổi những vùng đất khó khăn, lập đề án quy hoạch cụ thể trình huyện phê duyệt. Có được chủ trương, các HTX đã nhanh chóng quy hoạch các vùng đất và chỉ đạo xã viên thực hiện chuyển đổi những vùng đất khó khăn về nguồn nước hoặc trũng sang những mô hình sản xuất chuyên canh rau, trồng hoa, cây cảnh và phát triển kinh tế trang trại. Từ thực tế trên, các xã thành lập ban chỉ đạo để thực hiện đề án quy hoạch, xây dựng phương án cụ thể, từ việc trồng cây gì, nuôi con gì để áp dụng đối với từng địa phương, từng vùng đất. Những phương án có sự thống nhất từ lãnh đạo huyện, xã đến bà con nông dân để tránh sự luân canh cùng một loại cây ở nhiều xã, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, 100% số xã, thị trấn đã dồn điền đổi thửa xong. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lưu Đức Phúc cho biết, toàn huyện Thường Tín đã chuyển đổi được 668,91 ha sang các mô hình vườn, ao, chuồng; trồng hoa, cây cảnh và sản xuất rau an toàn. Năm 2008, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 885 tỷ đồng, trong đó trồng trọt đạt 537,9 tỷ đồng.

Đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao là xã Thư Phú. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 180 mẫu đất bãi chuyên trồng rau, màu các loại. Do có kinh nghiệm trong sản xuất cộng với sự năng động, tìm tòi học hỏi, người dân Thư Phú đã đưa về địa phương những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cần tây, tỏi tây, cải canh, cà-rốt, cà chua, đậu leo... Với phương châm mùa nào rau ấy, sản phẩm nông nghiệp của xã đã có mặt ở nhiều thị trường lớn. Việc trồng rau màu đã thật sự làm thay đổi cuộc sống của người dân. Bình quân, mỗi ha trồng rau, bà con nông dân thu về hơn trăm triệu đồng một năm. Chúng tôi như thêm phấn chấn hơn khi đi dọc phía trong tuyến đê sông Hồng đã được bao bọc bằng những mầu xanh cây trái, mầu trắng của khu nuôi trồng thủy sản. Bắt đầu từ xã Ninh Sở đến xã Thống Nhất, men theo triền đê sông Hồng uốn lượn khoảng 10km đã có hàng trăm trang trại đang sản xuất hiệu quả. Hiện nay, các xã vùng đất bãi ven sông Hồng đã chuyển đổi được hơn 300 ha các vùng đất trũng sang mô hình trang trại. Trước đây, vùng đất bãi tại xã Lê Lợi thường ngập úng vào mùa mưa, rất khó canh tác nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi có chủ trương chuyển đổi của huyện, xã chủ động cho các hộ dân đấu thầu để xây dựng trang trại. Đến nay, toàn xã đã thực hiện chuyển đổi hơn 60 ha trũng hoặc cao hạn sang làm trang trại. Sau nhiều năm triển khai, hiệu quả kinh tế các vùng đất này đã cao hơn nhiều so với gieo cấy lúa, bình quân mỗi ha đã đạt hàng trăm triệu đồng một năm. Nhiều nông hộ vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình. Khác với vùng đất bãi sông Hồng, vùng đất bãi sông Nhuệ thuộc các xã miền tây không có nhiều điều kiện phát triển mô hình trang trại. Tuy nhiên, đây lại là những vùng đất cao, chất đất màu mỡ, rất thuận lợi cho sản xuất các loại rau thơm. Canh tác được nhiều vụ trong năm, năng suất cao, chất lượng rau bảo đảm, hiệu quả kinh tế lớn, đó là điểm nổi bật nhất trong sản xuất rau màu của các địa phương miền đất bãi ven sông Nhuệ. Và cũng không ai ngạc nhiên khi rau của những vùng đất bãi này đã có mặt ở rất nhiều nơi. Trong đó, phải kể đến xã Tân Minh, nơi có phong trào sản xuất rau màu nổi tiếng khắp vùng. Hiện tại, xã Tân Minh đã quy hoạch hơn 80 ha từ những vùng đất cao sang gieo trồng các loại cây gia vị như húng, mùi, tía tô, thì là, kinh giới... Điều đáng nói là người dân trong xã đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường, thực hiện luân canh gối vụ để tăng thu nhập trên một diện tích đất. Các loại cây trồng trên cho thu nhập khá cao, đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Nét nổi bật ở Tân Minh là nông dân rất mạnh dạn đầu tư gieo trồng nhiều loại rau trái vụ, mặc dù khó canh tác nhưng thu nhập lại cao hơn rất nhiều so với gieo trồng chính vụ. Vùng đất bãi Thường Tín đang thật sự thay da đổi thịt, trở nên trù phú. Hoàng Hùng

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=153129&sub=127&top=39