Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trồng, chế biến cây dược liệu cần được nhân rộng

Các tỉnh vùng Tây Bắc nước ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu giá trị cao như: Đương quy, tam thất, đẳng sâm, ba kích, hoàng liên, sâm vũ diệp... Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài...

Tiềm năng phát triển cây dược liệu lớn

Lai Châu có hơn 70% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, có thế mạnh phát triển cây dược liệu quý. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Lai Châu có 875 loài dược liệu, phân bố tự nhiên ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các huyện vùng cao, biên giới, như: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên. Nhiều loại dược liệu có giá trị như: Hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, đỗ trọng, thất diệp nhất chi hoa…

Gần đây, các loại dược liệu như đương quy, đỗ trọng, hoàng khung, sâm cát cánh, bạch truật… được trồng tại một số xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, như Sà Dề Phìn, Tả Phìn, Tả Ngảo. Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, hoạt chất của một số cây dược liệu trồng ở Lai Châu cao hơn so với trồng ở các địa phương khác.

Các tỉnh vùng Tây Bắc nước ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu giá trị cao.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển cây dược liệu quý đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu, trong nhiều năm qua các cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu phát triển các loại dược liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... và nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù khác nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu.

Với Yên Bái, cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh là quế, sơn tra được trồng ở các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và TP Yên Bái đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cao, khoảng 4,5 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 - 3 lần so với trồng cây thông. Người dân cũng đã phát triển trồng các cây dược liệu bản địa để tăng thu nhập cho gia đình.

Với tiểu vùng khí hậu ôn đới, đất rừng rộng và tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số về cây thuốc, tỉnh Lào Cai có rất nhiều lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển bền vững cây dược liệu. Ở đây có Vườn quốc gia Hoàng Liên được ví như "kho báu" về cây thuốc quý, với hơn 850 loại cây thuốc đặc hữu… tập trung tại các huyện vùng cao, biên giới như Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai… với các loại dược liệu chủ yếu là: Đương quy, a-ti-sô, xuyên khung, chè dây, sa nhân, độc hoạt, ý dĩ… hoàng liên, sâm vũ diệp...

Tập trung quy hoạch, xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trồng và chế biến cây dược liệu

Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây dược liệu ở vùng Tây Bắc còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là khai thác tự nhiên, thậm chí chưa được bảo tồn đúng mức… Một số loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Phần lớn cây dược liệu trên địa bàn chưa được chế biến sâu mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị rất thấp.

Khó khăn lớn nhất của các tỉnh vùng Tây Bắc hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cây dược liệu như đường giao thông, thủy lợi, cơ sở nhân ươm giống, thu gom và chế biến sản phẩm… còn rất thiếu, chưa đáp ứng quy mô sản xuất lớn, tập trung. Đáng chú ý, hầu hết vùng trồng cây dược liệu là nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới không đồng đều, hạn chế, cho nên việc sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao gặp khó khăn, đòi hỏi phải đào tạo khá tốn kém.

Để khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững vùng dược liệu Tây Bắc, các tỉnh đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng trồng và chế biến cây dược liệu. Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gien, khai thác dược liệu, trồng trọt, chế biến dược liệu, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng dược liệu. Trong khi đó, Yên Bái đang ưu tiên phát triển 11 loài dược liệu gồm: Quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, ba kích, giảo cổ lam, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, a-ti-sô, cà gai leo...

Để dược liệu trở thành các bài thuốc, cần phải có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân.

PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, khí hậu và thổ nhưỡng là 2 đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu. Nhưng dược liệu chỉ là nguyên liệu để sản xuất thuốc chứ không phải cứ trồng thì đó đã là bài thuốc.

Do đó, để dược liệu trở thành các bài thuốc, cần phải có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.

Với cách làm kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nông-chính quyền-doanh nghiệp là mô hình bền vững, vừa giúp người dân bảo đảm đầu ra nguyên liệu, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn với quy trình trồng trọt được quản lý nghiêm ngặt.

Nguyễn Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-theo-huong-trong-che-bien-cay-duoc-lieu-can-duoc-nhan-rong-169231119084912132.htm