Chuyên đề: Tấn công, trấn áp tội phạm hoạt động ở vùng giáp ranh: Chặn đứng nhiều đường dây tội phạm lớn

Lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành, các loại tội phạm tìm mọi cách hoạt động, trong đó có không ít tội phạm hoạt động có tổ chức, liên vùng. Từ việc 'mượn' địa bàn để hoạt động đến việc di chuyển từ địa bàn này qua địa bàn khác gây án, các loại tội phạm đã gây không ít khó khăn cho cơ quan công an trong truy bắt, xử lý.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và kiểm sát viên khám nghiệm các địa điểm liên quan khi thực hiện Chuyên án 920G. Ảnh công an cung cấp

* Không để tội phạm “mượn” địa bàn để hoạt động

Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai, cơ quan công an đã đấu tranh phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc có liên quan đến các băng nhóm tội phạm hoạt động liên vùng, liên khu vực. Đặc biệt là các băng nhóm tội phạm “núp bóng” dưới danh nghĩa các công ty, doanh nghiệp trên các lĩnh vực tài chính, bất động sản, kinh tế... để hoạt động phạm tội.

Tại địa bàn Đồng Nai, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phối hợp với công an các địa bàn giáp ranh để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là các tội phạm hoạt động theo băng nhóm, hoạt động có tổ chức, có liên kết, kết nối giữa địa bàn này với địa bàn khác.

Nổi lên trong số đó là chuyên án Đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn lậu xăng dầu quy mô đặc biệt lớn, hoạt động tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... (chuyên án 920G) vào tháng 2-2022.

Đến nay, giai đoạn 1 của chuyên án đã kết thúc, 74 bị cáo liên quan đến đường dây này đã được đưa ra xét xử vào cuối tháng 10-2022 và nhận các mức án nghiêm khắc. Hiện giai đoạn 2 của chuyên án đang được triển khai. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm chưa bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án. Tòa án nhân dân tỉnh cũng vừa đưa ra xét xử 32 bị cáo về tội trốn thuế trong đường dây buôn lậu xăng, dầu liên tỉnh (chuyên án 920G). Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào 15 giờ ngày 1-4.

Đồng Nai là một trong những địa bàn trọng điểm kinh tế phía Nam có kinh tế - xã hội phát triển, người dân nhập cư đông; lại có nhiều tuyến giao thông cửa ngõ quan trọng của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, Đồng Nai được Bộ Công an xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự.

Quá trình điều tra đường dây tội phạm này, cơ quan công an xác định, các đối tượng trong vụ án phần lớn là các chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu ở khu vực phía Nam. Để đưa xăng dầu nhập lậu từ nước ngoài vào sâu trong nội địa tiêu thụ, các đối tượng cầm đầu đã móc nối với các đầu mối kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Đồng Nai nhằm mở rộng thị trường đến các địa phương.

Với lợi ích từ hoạt động buôn lậu, các đối tượng tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai đã cấu kết làm ăn phi pháp trong một thời gian dài khiến cho việc điều tra, phát hiện sai phạm gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình phá vụ án này đã có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ từ công an các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu... nên việc điều tra, phá án đã đạt được yêu cầu đề ra.

Không chỉ có những đường dây tội phạm lớn, hoạt động liên vùng, giữa nhiều tỉnh, thành khác nhau, mà nhiều đối tượng tội phạm còn “nghi binh” bằng việc lập các công ty, doanh nghiệp ở địa bàn này nhưng lại tìm cách hoạt động phi pháp ở địa bàn khác nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đó là các vi phạm trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính...

Tại địa bàn Đồng Nai, thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện, triệt phá các đường dây, đối tượng tội phạm hoạt động trên các lĩnh vực nói trên.

Điển hình như vụ phá đường dây lập dự án “ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân xảy ra tại địa bàn huyện Trảng Bom. Trong vụ án này, cơ quan công an xác định, các đối tượng núp bóng dưới danh nghĩa Công ty CP đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc (gọi tắt Công ty Lộc Phúc, đóng tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) sau đó vẽ ra các dự án không có thật tại địa bàn tỉnh Đồng Nai để lừa đảo người dân.

Tháng 9-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam 22 đối tượng là tổng giám đốc, nhân viên và những người liên quan đến Công ty Lộc Phúc để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các dự án “ma” do các đối tượng núp bóng doanh nghiệp vẽ ra để lừa đảo tại huyện Trảng Bom.

Quá trình khám xét công an thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật; 3,5 ngàn USD; 24,3 lượng vàng; 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi; 5 xe ô tô loại 52 chỗ để phục vụ công tác điều tra.

Theo điều tra của công an, từ khoảng tháng 6-2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu triển khai các dự án “ma” tại một số địa phương và quảng bá rầm rộ. Từ đó đến tháng 9-2023, công ty này đã lừa bán các dự án “ma” cho khoảng 60 người, thu số tiền hơn 70 tỷ đồng.

* Triệt xóa nhiều băng nhóm tội phạm lưu động

Không chỉ có các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản..., các băng nhóm tội phạm hình sự, ma túy cũng thường xuyên lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh... để hoạt động qua lại.

Theo đó, một số đối tượng là người ở địa bàn này nhưng lại chọn địa bàn khác để gây án. Sau khi thực hiện xong hành vi, các đối tượng nhanh chóng rút về địa bàn sinh sống của mình để lẩn trốn, tránh sự truy tìm của lực lượng công an. Các đối tượng chủ yếu hoạt động lưu động trên các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh để dễ bề tẩu thoát.

Theo cơ quan công an, việc các đối tượng ở tại tỉnh, thành khác nhưng lại tìm đến địa bàn Đồng Nai để gây án, sau đó nhanh chóng tẩu thoát đến nhiều địa phương khác khiến cho việc điều tra, truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.

Tháng 7-2023, trên cơ sở thông tin nắm bắt được, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Công an thành phố Biên Hòa xác lập chuyên án, đấu tranh triệt phá đường dây chuyên cướp giật tài sản trên tuyến quốc lộ 51. Thủ phạm chủ yếu là các đối tượng từ địa phương khác đến gây án.

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng xe máy nhãn hiệu Exciter 135, gắn biển số giả, chạy trên tuyến quốc lộ 51 (từ Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi phát hiện người đi đường mang theo giỏ xách, điện thoại di động, trên cổ đeo dây chuyền…, các đối tượng tiếp cận để khống chế, cướp giật tài sản.

Sau khi chuyên án được xác lập ngày 7-7-2023, Công an thành phố Biên Hòa đã bắt giữ 4 đối tượng: Nguyễn Văn Hùng (29 tuổi); Nguyễn Văn Lộc (24 tuổi) cùng ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành; Lê Tuấn Kiệt (19 tuổi); Nguyễn Hoàng Nam (20 tuổi), cùng ngụ tỉnh Tây Ninh và thu giữ nhiều tang vật liên quan. Qua đấu tranh, bước đầu các đối tượng khai nhận, từ cuối tháng 5-2023 đến ngày 7-7-2023, đã gây ra 20 vụ cướp giật tài sản trên tuyến quốc lộ 51.

Hay như vào cuối tháng 12-2023, tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, lực lượng công an huyện triệt phá đường dây chuyên cướp giật tài sản liên tỉnh. Quá trình điều tra, Công an huyện Nhơn Trạch đã bắt giữ 4 đối tượng tham gia đường dây chuyên cướp giật, thu giữ một số tang vật liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Theo điều tra của cơ quan công an, các đối tượng trong băng nhóm này gồm: Bùi Minh Nhựt (sinh năm 2003, ngụ thành phố Cần Thơ); Trương Nhựt Hào (sinh năm 2003, ngụ tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Chí Khá (sinh năm 2002, ngụ tỉnh Cà Mau) và Mã A Ril (sinh năm 1991, ngụ tỉnh Bình Phước) cùng thuê phòng trọ tại xã Hòa Hiệp, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) để đi gây án. Từ tháng 8 đến tháng 11-2023, các đối tượng đã thực hiện 11 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành với tổng giá trị tài sản bị cướp giật hơn 90 triệu đồng.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/chuyen-de-tan-cong-tran-ap-toi-pham-hoat-dong-o-vung-giap-ranh-chan-dung-nhieu-duong-day-toi-pham-lon-8a3510d/