Chuyên đề: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới: Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm

Đồng Nai xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (giữa) kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Dung

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh NGUYỄN ĐÌNH MINH cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiên quyết xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hậu kiểm để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.

Còn nhiều cơ sở vi phạm

* Xin ông cho biết kết quả xử lý vi phạm về ATTP thời gian qua trên địa bàn Đồng Nai?

- Toàn tỉnh hiện có hơn 19,3 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2024 (từ ngày 20-12-2023 đến ngày 20-3-2024), toàn tỉnh đã tổ chức 198 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Trong đó, tuyến tỉnh tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh làm trưởng đoàn. Tuyến huyện có 24 đoàn kiểm tra, tuyến xã có 170 đoàn kiểm tra,

Các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại hơn 3,1 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra đã phát hiện 302 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 278 triệu đồng đối với 37 cơ sở, nhắc nhở 265 cơ sở, giao cho địa phương xử lý 23 cơ sở. Đồng thời tiêu hủy 13 loại thực phẩm vi phạm do sử dụng nguyên liệu quá thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ; sản phẩm dương tính với hàn the…

* Gần đây, nhiều địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Tình hình tại Đồng Nai ra sao, thưa ông?

- Mặc dù đạt được những kết quả nhất định song trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do số lượng các cơ sở thức ăn đường phố và sản xuất kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh rất nhiều, hoạt động thời vụ, không có giấy phép kinh doanh. Một số cửa hàng kinh doanh mang tính chất lưu động, không có địa điểm cố định, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh ATTP còn hạn chế…

Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc methanol làm 1 người mắc và tử vong.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Biên Hòa làm 15 người phải nhập viện cấp cứu, điều trị. UBND thành phố Biên Hòa sau đó đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22 triệu đồng đối với quán ăn để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Quan điểm của các cơ quan chức năng là xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở vi phạm ATTP để mang tính răn đe, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tăng cường thanh, kiểm tra, xử phạt

* Những vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là gì, thưa ông?

- Các cơ sở thường mắc phải các lỗi như: không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh; không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Ngoài ra, một số cơ sở buôn bán các loại thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe đối với chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm hoặc giấy chứng nhận hết hạn; vi phạm về vấn đề quảng cáo thực phẩm…

Ngoài thanh, kiểm tra đột xuất, chúng tôi còn tăng cường công tác hậu kiểm, yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục ngay những sai phạm, hạn chế, thiếu sót. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm để cảnh báo cho người dân biết, không sử dụng thực phẩm của các cơ sở vi phạm, nâng cao kiến thức cho người dân về sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP để nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

* Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm ra sao, thưa ông?

- Chúng tôi khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng. Dùng nguồn nước sạch, an toàn. Có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống để tránh nhiễm khuẩn chéo, nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

Người dân nên ăn thức ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2h ở nhiệt độ thường. Khi không dùng tủ lạnh, cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi, muỗi.

Muốn giữ thức ăn quá 5h, phải giữ nóng liên tục trên 600C hoặc lạnh dưới 100C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Đun lại thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 700C trước khi ăn.

Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ. Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn và phải đeo bao tay trong suốt quá trình chế biến, phân chia thức ăn.

* Thưa ông, để đảm bảo ATTP trong năm 2024, các ngành chức năng sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?

- Theo kế hoạch bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024 do UBND tỉnh ban hành, từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm cụ thể trong việc tạo chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát, bảo đảm ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.

Các sở, ban, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về ATTP, đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có tin báo dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp trên. Xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động. Các lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý và hỗ trợ các cơ quan quản lý xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm ATTP, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn, phát triển sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao, hướng tới giảm dần tỷ trọng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý thực phẩm theo chuỗi, nhất là đối với các loại ngũ cốc, rau, củ, quả, các sản phẩm từ thịt. Tăng cường quản lý bảo đảm ATTP đối với các đơn vị, hộ gia đình thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm...

* Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/chuyen-de-bao-dam-an-ninh-an-toan-thuc-pham-trong-tinh-hinh-moi-xu-ly-nghiem-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-ddd4ce2/