Chuyện đất và người ở A Lưới

Nằm trên sườn dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) là địa phương nghèo, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đất đai bị nhiễm dioxin rất khó khăn cho việc trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, A Lưới không bị bỏ lại phía sau.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào A Lưới vươn lên và quân đội luôn là lực lượng xung kích giúp bà con: Bộ đội hóa học tẩy độc cho đất, Bộ đội Biên phòng giúp bà con làm kinh tế để thoát nghèo... Chúng tôi đã về A Lưới, theo “dấu chân” các anh bộ đội, ghi lại những câu chuyện về đất và người nơi đây.

Kỳ 1: Nỗi đau da cam và hy vọng mới...

Những dáng người đi không vững, những khuôn mặt biến dạng và khắc khổ, những ánh mắt chậm chạp, những hình hài không trọn vẹn... của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác ở huyện A Lưới đã khiến tôi thực sự ám ảnh, xót xa...

Nỗi đau sau chiến tranh

Nghe tôi nói sắp có chuyến công tác về huyện biên giới A Lưới, cha tôi-một chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã kể cho tôi nghe về những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu ở chính mảnh đất này, trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Qua câu chuyện của cha, tôi hình dung ra những cánh rừng xơ xác, cỏ cây chết cháy vì chất độc hóa học. Có những cây cổ thụ cả mấy người ôm cũng bị rụng sạch lá, chĩa thẳng những cành cây khô khốc trơ trụi lên trời...

Khi chúng tôi đến A Lưới thì những điều cha tôi kể về sự tàn khốc của chiến tranh vẫn còn đang hiện hữu trước mắt, bằng những hậu quả vô cùng xót xa mà nó để lại: Đó là những dáng người đi không vững, những khuôn mặt biến dạng và khắc khổ, những ánh mắt chậm chạp, những hình hài không trọn vẹn... của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

 Bộ đội Biên phòng đến thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VÕ TIẾN

Bộ đội Biên phòng đến thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VÕ TIẾN

A Lưới là huyện biên giới giáp Lào, có diện tích tự nhiên hơn 1.000km2, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu... với hơn 90% dân số sống bằng nghề nông. Nói đến nghề nông thì phải cần đến đất để trồng cấy, chăn nuôi. Thế nhưng, nhiều vùng của huyện A Lưới, đặc biệt là khu vực gần sân bay A So thì người dân chưa thể chăn nuôi, trồng cấy được, bởi khu vực này còn bị nhiễm chất độc dioxin. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến, kho chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ lấy đi phun rải khắp dãy Trường Sơn. Trong vòng 10 năm, từ 1961 đến 1971, Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So đã phải hứng chịu hơn 432.810 gallon chất khai quang với khối lượng dioxin ước tính khoảng 11kg. Tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề nhất của chất độc da cam/dioxin. Sân bay A So còn được gọi là “thung lũng da cam của dãy Trường Sơn”. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có gần 16.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Xuân Mai ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới, là gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chỉ tay về phía chiếc giường, nơi có một người đang nằm, ông Mai bảo: “Nó là con thứ hai của tôi đó. Nó bị liệt. Con thứ ba thì mất rồi”...

Tôi càng xót thương khi được biết, con đầu và con thứ tư của ông Mai cũng chậm phát triển trí tuệ. Trong ngôi nhà không có vật dụng gì đáng giá. Xung quanh ngôi nhà chỉ là những vạt cỏ trơ trụi, lác đác vài khóm mía, bụi chuối cằn cỗi... Ông Mai buồn rầu nhìn ra khu vườn trước mặt, giãi bày: “Trồng sắn trụi hết, chuối cũng trụi. May thì trồng keo, nhưng ở sân bay có lên được mô”... Ông Mai nuôi mấy người con bệnh tật nhờ vào tiền chế độ trợ cấp của Nhà nước và đi làm thuê. Cuộc sống "giật gấu vá vai", lo miếng ăn hôm nay mà chưa biết ngày mai tính sao!

Hàng xóm của ông Mai là gia đình anh Hồ Việt Phương. Những năm qua, người trong gia đình anh Phương cứ thấy mỗi ngày sức khỏe lại kém dần đi. Bản thân anh Phương đến nay đã hoàn toàn mất khả năng lao động, không thể đi lại được. Toàn xã Đông Sơn có hơn 1.500 người, thì đến 119 người nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Con số mà đồng chí Lê Thanh Tường, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn cung cấp ấy khiến chúng tôi sững sờ, đau xót. Chiến tranh đã qua nhưng hậu quả mà nó để lại trên mảnh đất này quá lớn và vẫn hiện hữu hằng ngày, chưa biết đến khi nào mới hết. Những xóm làng xơ xác, những phận người đang phải chịu đựng đến tận cùng của sự cơ cực...

Ngoài những trường hợp như tôi đã kể trên, ở đây còn rất nhiều gia đình cũng phải gánh chịu nỗi đau mất mát do dioxin gây ra, như trường hợp vợ chồng chị Hồ Thị Liên và anh Hồ Giang Ngân. Chị Liên 9 lần mang thai nhưng chỉ 3 lần được đón con chào đời. Ấy thế mà 3 người con ấy, hiện nay một người bị mù, hai người còn lại đều chậm phát triển.

Có lẽ, mọi sinh vật ở nơi đây đều phải "chiến đấu khốc liệt" để vượt qua sự khắc nghiệt của "môi trường chết" thì mới có thể sinh tồn...

Nỗ lực để hồi sinh

Kế hoạch làm sạch đất và nước ở A Lưới đã được Chính phủ cùng các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới đã tổ chức tái định cư cho đồng bào 3 xã ở khu vực lân cận sân bay A So (gồm A Đớt, Hương Lâm, Đông Sơn) để bảo vệ sức khỏe người dân. Xung quanh sân bay A So đã thực hiện dự án trồng cây bồ kết để ngăn người và súc vật vào vùng nguy hiểm.

Đặc biệt, mới đây, Bộ tư lệnh (BTL) Hóa học đã khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So. Đây là dự án được triển khai hoàn toàn bằng nguồn lực của Việt Nam từ tài chính đến công nghệ. Các kết quả khảo sát đã cơ bản xác định được khu vực sân bay A So có diện tích ô nhiễm dioxin khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m. Tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3, trong đó khoảng 6.600m3 đất có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt (mức ô nhiễm rất nặng). Dự kiến sử dụng công nghệ cô lập và chôn lấp (từng thực hiện trong xử lý tẩy độc tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định) mang lại kết quả tốt), BTL Hóa học sẽ xử lý triệt để ô nhiễm tại sân bay A So, giúp người dân huyện A Lưới yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế.

Khi biết tin bộ đội đến khử chất độc da cam tại sân bay A So, bà con địa phương rất vui mừng, phấn khởi. Nhiều gia đình sẵn sàng hiến toàn bộ tài sản trên đất, giao lại mặt bằng cho bộ đội tiến hành dự án. Anh Lê Minh Lịch, sinh năm 1975, nhà ở thôn Tru-Chaih, xã Đông Sơn, là nạn nhân chất độc da cam, đã đến buổi lễ khởi công dự án từ rất sớm. Anh bảo: "Chúng tôi rất mong Nhà nước, mong bộ đội tẩy sạch chất độc dioxin trong đất để có môi trường sinh sống, làm ăn tốt hơn". Bản thân anh Lịch bị dị tật ở chân, sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn nên anh ước mong các thế hệ sau này sẽ không phải chịu nỗi đau như thế nữa.

Với cương vị Trưởng cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701 (Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới nhiều “điểm nóng” chịu hậu quả của bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh trên khắp Việt Nam. Nhưng lần này đến với A Lưới, ông vẫn không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến những số phận bất hạnh. Trước những ánh mắt tràn đầy hy vọng của người dân, tôi thấy ông rất xúc động khi phát biểu tại lễ khởi công dự án đặc biệt này: “Dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới là dự án đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khắc phục hậu quả chiến tranh. Đồng bào dân tộc vùng biên giới cuộc sống còn rất nghèo khó. Việc trả lại môi trường trong sạch để bà con yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ cấp bách...”.

Cùng về A Lưới dự lễ khởi công dự án, Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học không chỉ xúc động khi chứng kiến những hoàn cảnh, những số phận bất hạnh do bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, mà còn xúc động khi nhận được tình cảm đặc biệt mà nhân dân và cán bộ địa phương dành cho bộ đội hóa học, bởi ước mong lớn nhất của bà con là bộ đội sẽ giúp tẩy sạch thứ chất độc chết chóc kia để con người và các sinh vật nơi đây được hồi sinh. Thiếu tướng Hà Văn Cử chia sẻ: Được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao mà BTL Hóa học xác định phải làm thật tốt, thật hiệu quả. A Lưới là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, các sản phẩm nông nghiệp... Khi dự án hoàn thành có thể giúp địa phương phát huy những lợi thế đó để cuộc sống của người dân được tốt hơn, bớt khó khăn, cơ cực...

(còn nữa)

Ghi chép của NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-dat-va-nguoi-o-a-luoi-655988