Chuyện cuối tuần: Làm thế nào Troussier, HLV 'quái đản' đã đưa Nhật Bản đến chức vô địch Asian Cup 2000?

Thật kinh ngạc, những gì đang xảy ra đang diễn ra tại ĐT Việt Nam giống hệt ĐT Nhật Bản đã trải qua khi được dẫn dắt bởi HLV Philippe Troussier. Có lý do để chúng ta hy vọng bởi năm 2000, vượt qua sự hoài nghi và những lời chỉ trích, chiến lược gia người Pháp đã cùng các Samurai xanh kết thúc trong vinh quang rực rỡ.

Hideaki Kitajima chưa bao giờ khoác áo ĐTQG Nhật Bản, nhưng lại nằm trong số 22 cầu thủ tham dự Asian Cup 2000. Dư luận xứ mặt trời mọc sôi sục với lựa chọn này, giống như nhiều quyết định gây sửng sốt khác mà HLV Philippe Troussier đưa ra khi ấy.

Thật ra chính Kitajima cũng bất ngờ khi thấy tên mình. Và anh sẽ còn sốc hơn nữa khi bước ra sân tập. Ở đó, HLV Troussier thao thao bất tuyệt về triết lý và các ý tưởng, còn anh thì chẳng hiểu gì, kể cả qua phiên dịch. Rồi đột nhiên, ông thầy người Pháp tiến lại, cho anh… một phát tát trời giáng.

“Cậu có hiểu gì không đấy?”, ông hét. Phản ứng của Kitajima, như anh thuật lại với nhà báo Yoshiyuki Komiya vào năm 2023, giống kiểu “cái quái gì thế này?”. Thực sự choáng váng. Chưa một ai từng làm điều này với anh. Nhưng với những tuyển thủ khác, họ không có gì ngạc nhiên. Tất cả đã quen với tính khí ông thầy, người đã tạo nên đủ nhiều các hành động quái đản.

JFA ký hợp đồng với HLV Troussier năm 1998 sau khi không thể thuyết phục Arsene Wenger rời Arsenal.

Trước đó không lâu, vào năm 1998, cái tên Troussier hoàn toàn xa lạ ở xứ sở mặt trời mọc, ngay cả với LĐBĐ Nhật Bản (JFA). Vốn dĩ họ nhắm tới Arsene Wenger cho vị trí HLV trưởng, nhưng ông này từ chối vì đang tận hưởng thành công từ cuộc cách mạng ở Arsenal. Và Wenger giới thiệu người bạn thân Troussier, người đã tạo nên nhiều dấu ấn trong thời gian làm việc ở châu Phi. Troussier cũng thuyết phục JFA bằng tầm nhìn dài hạn, về kế hoạch hướng đến World Cup 2002 và vươn tầm thế giới.

Ngay từ buổi đầu, sóng gió đã nổi lên. Ra mắt trên sân tập ngày 1/10/1998, Troussier khiến các cầu thủ trở tay không kịp khi đột ngột đẩy buổi tập lúc 11h lên 7h sáng. Sau khi phổ biến lý thuyết, ông giám sát thực hành và thẳng tay ném bóng vào cầu thủ nào không làm đúng. Khi cả đội không khiến ông hài lòng, họ bị phạt chạy vòng quanh sân, trong sự khó chịu bởi bên ngoài là ánh mắt soi mói của giới truyền thông. Kỷ luật cũng được thiết lập lúc sinh hoạt. Không ai được phép dùng điện thoại hay đọc báo, và phải ngồi im trước bàn ăn cho đến khi đội trưởng Masami Ihara rời chỗ.

Những ngày sau, Troussier không ngại mắng mỏ cầu thủ ngay trước bàn dân thiên hạ, và cũng sẵn sàng chỉ trích công khai bất cứ ai. Ông nói cả đội không chuyền bóng nên hồn, ngoại trừ Hidetoshi Nakata (nhưng sau đó đã loại ngôi sao số một này khỏi đội tuyển). Rồi ông tuyên bố Hiroshi Nanami, một ngôi sao khác, không xứng đáng đóng vai thủ lĩnh. Lần khác, ông quát “cút ra ngoài” với một cầu thủ, khiến những người khác sững sờ, sau đó hè nhau cùng rời đội để phản đối.

Thời gian đầu dẫn dắt ĐT Nhật Bản, HLV Troussier liên tục khiến dư luận dậy sóng bởi cách hành xử khắc nghiệt với học trò.

Ngoài ĐTQG, Troussier cũng nắm các đội trẻ. Ông cùng U21 Nhật Bản tới Asiad 1998 và bị loại ở vòng bảng thứ hai, nhưng đưa U20 vào tới chung kết U20 World Cup 1999 và giúp U22 giành vé đến Olympic 2000. Có điều với người Nhật, thành tích của ĐTQG mới quan trọng.

Những lời kêu gọi sa thải Troussier liên tục nổi lên sau kết quả nghèo nàn của Nhật ở Copa America 1999 và các trận đấu kém ấn tượng, hòa Trung Quốc, thua Hàn Quốc đầu năm 2000. Lối chơi của Samurai xanh cũng không thuyết phục lắm, bị báo giới mô tả là nhiều lỗ hổng trong phòng ngự, thiếu sáng tạo khi tấn công. Việc một số tuyển thủ bị xếp ở các vị trí trái với sở trường là một vấn đề khác bị mổ xẻ, bên cạnh những hành động gây khó chịu cho cả cầu thủ lẫn giới truyền thông.

Nhưng Troussier không bị sa thải, thậm chí còn được gia hạn hợp đồng. Lý do là JFA một lần nữa bị Wenger từ chối. Không có lựa chọn nào khả dĩ hơn, họ buộc phải tiếp tục với Troussier.

HLV Troussier đối mặt với sức ép rất lớn, vì các điều tiếng và thành tích kém ấn tượng.

Tuy nhiên ông vẫn kiên trì với kế hoạch, với việc mở rộng phạm vi lựa chọn cầu thủ và cùng dẫn dắt các đội tuyển trẻ để đồng bộ phong cách.

Thật may là sự chuyển biến đã đến. Nhật Bản gây kinh ngạc với trận hòa 2-2 trước đương kim vô địch thế giới Pháp tại giải giao hữu ở Morocco. Họ tiếp tục giành Kirin Cup sau trận hòa Slovakia và thắng Bolivia. Chưa hết, đến Olympic mùa hè ở Sydney, U23 Nhật lần đầu tiên vào tứ kết.

Theo Troussier, ông đã làm việc với 140 cầu thủ ở mọi cấp độ đội tuyển nhằm phổ biến triết lý cũng như tìm ra những nhân tố phù hợp nhất. Lứa trẻ, vốn luôn sung mãn về thể lực và tràn đầy động lực, khát khao chiến thắng, lại dễ uốn nắn theo triết lý mới, là những người được tin dùng. Trong đội hình 22 cầu thủ tới Asian Cup 2000 có tới 15 cầu thủ không quá 25 tuổi, bao gồm 11 cầu thủ thuộc đội U23 dự Olympic Sydney.

Bên cạnh đó, HLV người Pháp cũng lý giải cách hành xử khắc nghiệt với học trò là có chủ đích. “Cầu thủ Nhật rất có tính tập thể nhưng lại quá khuôn mẫu và không đủ cá tính để phát huy sức mạnh cá nhân”, ông nói.

Trong thời gian ở Lebanon chuẩn bị cho Asian Cup 2000, Troussier một lần nữa đề cập đến sự ngoan ngoãn của học trò. “Nếu họ là người Cameroon, chắc cả đám đã leo thang dây ra ngoài khách sạn để đi chơi”, ông đùa trong buổi họp báo. Vì vậy, những hành động có phần thái quá của ông nhằm kích thích tính chiến đấu ở mỗi cầu thủ, cũng giúp họ làm quen với sự bạo liệt trên sân.

Chiến lược gia người Pháp muốn thay đổi triệt để các cầu thủ Nhật Bản, từ tư duy chơi bóng đến tính tự chủ và tinh thần chiến đấu.

Điều này thực sự có hiệu quả. ĐT Nhật Bản thực sự bùng nổ, bứt khỏi giới hạn bản thân và thể hiện những gì tốt nhất của họ. Kết hợp với triết lý của Troussier - kiểm soát bóng - Những Samurai xanh trở thành đội bóng khác biệt, so với chính họ trước đây và phần còn lại của giải đấu.

“Tôi đã nói với các cầu thủ trước Asian Cup 2000, nếu chúng ta có thể kiểm soát bóng, chúng ta không cần phải phòng ngự. Tuyến phòng thủ đầu tiên là giữ quyền kiểm soát bóng. Chúng ta phải giao tiếp, di chuyển khắp mặt sân và đoàn kết. Thế hệ này rất giỏi, và họ có thể thích ứng với phong cách của tôi”, HLV Troussier chia sẻ trên trang chủ AFC.

Trở lại với Kitajima và cú tát trong lần đầu lên tuyển. Nó khiến anh tỉnh ra, tự nhận bản thân giống như một cậu nhóc lần đầu học bóng đá và lắng nghe chăm chú. Kitajima dần hiểu bóng đá phải thế này, là tiền đạo nên di chuyển thế kia. Sau này cầu thủ đã ghi 86 bàn thắng trong sự nghiệp cho biết, chính nhờ cảm hứng từ Troussier, anh không ngại thay đổi và liên tục tái tạo bản thân.

Còn tại Asian Cup 2000, sau khi Nhật Bản đánh bại đội bóng số một châu Á thời điểm đó, Saudi Arabia, với tỷ số 4-1 ở trận mở màn, Kitajima được ra sân ở trận thứ hai gặp Uzbekistan. HLV Troussier nhận định đây là đối thủ rất khó chịu, nhưng các học trò của ông chơi hay đến mức giành chiến thắng 8-1. Kitajima chính là người ghi bàn chốt sổ, ngay trong trận ra mắt ĐTQG.

Người ghi bàn duy nhất ở trận chung kết Asian Cup 2000, tiền đạo Mochizuki (trái) và Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu, tiền vệ Nanami (phải).

Trận cuối vòng bảng gặp Qatar, Nhật hòa 1-1 bởi sử dụng đội hình B. Nhưng Troussier nhấn mạnh đây không phải đội dự bị. Với ông, không có khái niệm đó. Tất cả là một tập thể và bất kỳ ai cũng sẽ được tin tưởng, nếu như họ chứng minh mình đủ tốt.

Ví dụ như trường hợp của Shigeyoshi Mochizuki. Thường bị coi là phương án dự phòng, nhưng khi được Troussier điền tên vào đội hình xuất phát ở trận chung kết gặp lại Saudi Arabia, chính tiền vệ này đã ghi bàn duy nhất giúp Nhật Bản lên ngôi vô địch. Cũng trận này, Nhật Bản đã cho thấy tinh thần mạnh mẽ của họ khi chống chọi sức ép khủng khiếp của Saudi Arabia ở nửa sau trận đấu. Họ chơi như Troussier mong muốn.

Nanami là trường hợp khác. Chính những lời khích tướng của Troussier khiến cầu thủ này chơi một giải đấu xuất sắc, ghi 3 bàn và thể hiện vai trò thủ lĩnh nổi bật. Anh cũng chấp nhận hỗ trợ phòng ngự, đuổi theo và liên tục gây áp lực với đối thủ khi mất bóng. Kết thúc giải đấu, Nanami được vinh danh là Cầu thủ hay nhất Asian Cup 2000, sau đó nhận cái ôm nồng nhiệt cùng những lời tán dương từ HLV người Pháp.

HLV Troussier nâng cao chiếc cúp vô địch châu Á năm 2000.

ĐT Nhật Bản đăng quang cũng là nòng cốt tham dự World Cup 2002.

Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng tuyển Nhật đăng quang ở Lebanon là mạnh nhất mọi thời đại. “Tôi không nghĩ có phiên bản nào tốt hơn đội tuyển năm 2000”, trợ lý của Troussier, HLV Masakuni Yamamoto nói vào năm 2020, “Đội bóng này đã đánh bại các đối thủ cực mạnh với các tỷ số gây sốc, và vô địch với kỷ lục 21 bàn thắng. Nhiều năm sau, kể cả khi Asian Cup nâng số đội, Nhật Bản cũng không thể ghi nhiều bàn đến vậy”.

"Tôi biết rõ về Nhật Bản, để nếu so sánh thì Việt Nam và Nhật Bản không khác nhau nhiều về mặt kỹ thuật. Khác biệt lớn nhất chính là việc Việt Nam chưa nhận ra họ có thể chơi sòng phẳng với các đội bóng lớn", HLV Troussier nói năm 2021.

HLV Troussier sẽ còn dẫn dắt Nhật Bản tới những kỳ tích khác, á quân FIFA Confederations Cup 2001 và vượt qua vòng bảng World Cup 2002, trước khi từ chức vào mùa hè 2002. Ông rời đi trong vinh quang, được tung hô là người hùng của xứ mặt trời mọc và nhiều năm sau, được đưa vào Đại sảnh Danh vọng của bóng đá Nhật Bản.

Người Nhật đánh giá cao đóng góp của HLV Troussier. Không chỉ về thành tích, mà còn bởi nền móng ông tạo ra, từ lứa cầu thủ chất lượng đến lối chơi, tư duy và tâm lý thi đấu. Chiến lược gia người Pháp cũng nghĩ vậy. “Tôi cho rằng mình đã cống hiến chút công sức cho bóng đá Nhật Bản”, ông nói trên NumberWeb.

Thanh Hải

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-cuoi-tuan-lam-the-nao-troussier-hlv-quai-dan-da-dua-nhat-ban-den-chuc-vo-dich-asian-cup-2000-post1602222.tpo