Chuyện của 'người đàn bà đẻ nhiều nhất Thủ đô'

Bà Đặng Thị Hải (56 tuổi, trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) cười buồn khi nhắc đến biệt danh 'người đàn bà đẻ nhiều nhất Thủ đô'. Chỉ trong vòng 30 năm, bà đã trải qua 14 lần sinh nở. Cuộc sống gia đình bà vì thế mà luôn chìm trong những khổ đau, thiếu thốn. Giờ đây, chồng mất, con út mất và 4 đứa con vướng vòng lao lý càng khiến cuộc đời của người phụ nữ này chạm đến tận cùng nỗi đau.

14 lần sinh con, 14 lần tự cắt rốn

Nhìn dáng vẻ tiều tụy, già nua của bà Hải, chẳng ai nghĩ bà mới ngoài 50 tuổi. Gương mặt in hằn vô số nếp nhăn, đôi bàn tay vàng úa màu của bùn đất. Ngày nào cũng vậy, bà Hải ra khỏi nhà từ lúc tờ mờ sáng và trở về khi phố đã lên đèn. Bà Hải nổi tiếng khắp vùng vì đẻ tận 14 người con, cứ 2 năm lại đẻ một lần. Và, cả 14 người con, 8 trai, 6 gái bà không sinh tại cơ sở y tế mà sinh tại nhà.

Hằng ngày, giữa cánh đồng mênh mông nước, gió lạnh cứ thể thổi liên hồi vào khu nhà tạm bợ nơi bà cùng các con đang sinh sống. Bà dậy sớm nấu cám nuôi lợn, thả bò, cắt từng mớ rau, kéo vài con tôm, con cá bán kiếm đồng ra đồng vào.

Bà Hải ngồi trò chuyện với hàng xóm trong ngôi nhà tạm bợ của gia đình.

Người đàn bà khốn khổ này chưa từng có một ngày nhàn nhã, thanh thản cho riêng mình. 16 tuổi, bà cất bước theo chồng. Chồng bà là ông Ngô Doãn Năm, người cùng thôn. Nhà chồng bà Hải nghèo, hồi mới lấy nhau, vợ chồng bà phải dựng một túp lều tạm ở sườn đê. Đứa con đầu lòng của vợ chồng bà được sinh ra ở trong chính túp lều dột nát ấy. Nhiều đêm trời dông bão, bà chỉ lo lều sập, vợ chồng con cái bà sẽ không còn chỗ mà dung thân. Vậy mà, những đứa con cứ liên tiếp ra đời chật ních cả túp lều bên triền đê. Càng đông con, gia cảnh nhà bà càng nghèo hơn. Nhiều hôm bà Hải phải luộc su hào cho các con chấm muối ăn trừ bữa.

“Đẻ nhiều quá, tôi cũng hãi lắm. Một lần tôi quyết định trốn chồng tới bệnh viện triệt sản. Thế mà ông ấy nghi ngờ, theo tôi đến cả bệnh viện. Lúc tôi bước vào phòng chuẩn bị triệt sản, ông ấy lao đến vừa lôi xềnh xệch, vừa đánh cho một trận đau nhừ cả người. Ông ấy bảo con cái là của trời cho, “tao cấm”. Sau lần đó tôi không bao giờ dám bén mảng đến bệnh viện nữa”, bà Hải phân trần cho cái việc đẻ nhiều của mình.

14 lần sinh nở thì cả 14 lần bà Hải đẻ rơi. Bà Hải cười buồn nói: “Số tôi vất vả, đâu được như người ta mà có ngày nghỉ chờ sinh. Cứ làm quần quật đến ngày đến giờ thì chúng nó tự chui ra thôi”. Đứa thì bà đẻ ở ruộng khoai lang, đứa bà sinh ở vườn rau muống... Hầu như lần nào bà cũng vượt cạn một mình. Cứ con chui ra, tiện có dao thì lấy dao, có liềm thì lấy liềm cắt rốn rồi bế con về lều. Giỏi lắm bà nghỉ ngơi được vài ngày rồi lại đứa lớn trông đứa bé, còn bà tiếp tục công việc đồng áng. Thường thì mỗi đứa cách nhau 2 năm, cũng có đứa chỉ cách nhau già 1 năm.

Gia đình 16 người ở trong căn nhà tạm dựng trên đất dự án bỏ hoang, xung quanh là ao hồ, vợ chồng bà tận dụng để thả con cá, nuôi con vịt. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Hải luôn cố gắng cho các con đi học. Tuy nhiên, chỉ đứa lớn là học tới lớp 11, đa số chỉ học hết lớp 6, lớp 7 rồi bỏ dở.

Nỗi đau lớn nhất của người mẹ nghèo là gián tiếp đẩy các con vào vòng lao lý.

14 lần đẻ rơi nên các con của bà Hải đều không có giấy chứng sinh. Khi không có giấy chứng sinh thì không thể làm được giấy khai sinh. Ban đầu, địa phương thương tình vợ chồng bà hoàn cảnh khó khăn nên vẫn chiếu cố. Nhưng sau này, khi thấy vợ chồng bà cứ sòn sòn 2 năm một đứa, địa phương khuyên thế nào cũng không được nên họ kiên quyết không làm giấy chứng sinh cho các con của bà nữa. Những đứa trẻ không được đến trường cứ hồn nhiên sống như cây cỏ. Chúng cũng hầu như sống tách biệt với người xung quanh. Những đứa lớn hơn thì ngày ngày theo nhau ra đồng, ra mương bắt con cua con cá.

Gia đình bà Hải sống đúng theo mô hình tự cung tự cấp. Lúa do nhà cấy, rau cỏ do nhà trồng, cá mú do các con bà bắt về..., nói chung có gì ăn nấy. Thế nên, những đứa con của vợ chồng bà hiếm khi nào được ăn một bữa thịt no nê. Hôm nào “dấn” lắm, bà Hải mới dám mua vài lạng thịt bèo nhèo về cho các con ăn. Đứa nào nhanh tay thì được vài ba miếng, đứa nào chậm có khi chả kịp gắp miếng nào là lại lăn đùng ra khóc ăn vạ.

Năm 2015, con trai út của bà Hải mất do bệnh não úng thủy. Bà nhớ lại: “Cũng chỉ vì không có tiền chữa chạy nên con tôi mới phải ra đi oan uổng thế. Tội nghiệp, nó bé nhất nhưng cũng có được mẹ chăm bẵm mấy ngày đâu. Tôi đẻ rơi nó ở ngoài bãi, được vài ngày thì để nó ở trong lều rồi đi úp cá cho con dâu bán. Thế nên, nó bị bệnh lâu rồi mà tôi cũng không có thời gian để ý, phát hiện được sớm. Mấy ngày trước, con trai tôi bị nhược cơ, các bác sĩ khuyên tôi đưa nó lên Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị nhưng tôi cũng có đi được đâu. Một phần không có tiền, một phần nữa nếu tôi đi thì lấy ai chăm sóc, lo cho những đứa ở nhà. Thôi đành phó mặc cho ông trời vậy”.

Không lâu sau ngày con trai út mất, chồng bà Hải cũng qua đời sau 5 năm bị bệnh hiểm nghèo. Một mình người phụ nữ ấy tần tảo thức khuya, dậy sớm lo toan cho đàn con thơ, cuộc sống càng thêm chật vật.

Bà Hải nói rằng: “Cuộc đời này tôi chưa thấy ai khổ như mình. Quanh năm suốt tháng tôi chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi. Có năm khó khăn đến mức Tết không có một đồng nào trong nhà. Tôi sang mượn hàng xóm 200 nghìn đồng để ăn Tết. Ngày 29 Tết, người hàng xóm mang tiền sang rồi cho thêm 10 kg gạo, mua chịu vài lạng miến cho các con. Có đợt con ốm không có tiền đi viện, tôi sang hàng xóm bảo: Chị còn tiền không, cho em mượn 500 nghìn, em cho cháu đi viện. Chị hàng xóm vào nhà lấy ra 2 triệu đưa cho tôi bảo về lo cho con. Đó là 2 người tôi nhớ ơn đến tận bây giờ”.

Các con của bà Hải cứ đứa lớn trông đứa bé.

Ân hận khi để các con sa ngã

Chồng mất khi mới 37 tuổi, một mình nuôi các con khôn lớn, bà Hải chưa được một ngày nghỉ ngơi. Tính tới thời điểm này, 6 trong số 14 người con của bà đã lập gia đình. Những tưởng giờ là tuổi bà Hải bắt đầu được nhàn nhã hơn nhưng nuôi con chưa xong, bà còn phải nuôi thêm cháu, khi các con đứa công việc không ổn định, đứa bỏ chồng về nhà mẹ.

Tâm sự với chúng tôi, bà Hải nói rằng việc sinh nhiều con đã khiến bà ân hận rất nhiều. Bởi, chính cái sự đông con ấy đã khiến vợ chồng bà không có thời gian để quan tâm và chăm sóc cho các con. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc 4 người con trai của bà Hải vướng vòng lao lý.

Một buổi chiều cuối tháng 1/2021, khi vừa cắt rau muống ở bờ ao sát nhà đi lên, tay vẫn cầm nguyên chiếc liềm, quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất, bà Hải bàng hoàng nhận tin 4 người con trai lần lượt từ thứ 7 đến thứ 10 bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi khám xét, Công an quận Hà Đông đã thu giữ 4 xe máy Honda Wave, 18 điện thoại di động và nhiều hung khí.

Bà Hải lau nước mắt, kể lại: “Lúc đó, tai tôi ù cả đi, quần áo ướt sũng chẳng kịp thay, cứ ngồi sụp xuống dưới cửa nhà rồi ngất lịm. Thằng thứ 7 tên H. vừa tròn 21 tuổi, mới đi nghĩa vụ về, tưởng sẽ tu chí làm ăn, chỉ bảo các em nhưng không ngờ chính nó lại lôi kéo các em vào con đường tội lỗi”.

Vốn đã mang trong mình mặc cảm về sự nghèo khó, nay 4 đứa con lại vướng vòng lao lý khiến bà Hải lòng quặn thắt. Bà bảo, dù có những lúc nghèo không có nổi bát cơm mà ăn, bà cũng không bao giờ lấy của ai thứ gì. Vậy mà, giờ đây 4 người con của bà lại bị bắt vì tội trộm cắp. Bà Hải chia sẻ: “Con tôi phạm tội bị bắt giữ, có người sẽ hiểu là do tôi bận bịu làm việc kiếm tiền nên không may để các con như thế. Nhưng, chắc chắn có người cũng nghĩ khác, nghĩ xấu về tôi”.

Để có được xưởng may cho con, bà Hải đã phải bán cá, bán lợn và vay mượn khắp nơi.

Dù buồn, dù đau khổ thì bà Hải vẫn phải tiếp tục sống để còn làm chỗ dựa cho những đứa con còn lại. Hằng ngày, bà Hải vẫn lọ mọ mò cua, bắt ốc, đi xin đồ ăn thừa tại các hàng ăn về chăn vịt gà, thả sen, nuôi cá dưới đầm nước trước nhà. Năm ngoái, một đứa con gái của bà đi học may, bà phải vay mượn khắp nơi và gom tiền bán cá, bán lợn được 100 triệu đồng mua 6 chiếc máy khâu, lát lại sàn nhà để mở xưởng may cho con làm. Bà mong rằng, đây cũng là cơ sở giúp những người con trai của mình khi mãn hạn tù trở về có cái nghề để làm lại cuộc đời.

Theo nhẩm tính của bà Hải, nếu đúng thời hạn thì năm nay đứa con trai thứ 10 của bà sẽ mãn hạn tù. “Nó mà thực sự biết tu chí thì sẵn xưởng may của chị đây, kiểu gì chả có việc cho nó làm. Tôi cũng chỉ mong chị em chúng nó biết bảo ban nhau để đừng bao giờ vướng vào tù tội nữa. Ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, bà Hải nói.

Chịu cảnh khốn khó từ khi sinh ra nên bà Hải chưa một lần dám dám mơ ước nhà cao cửa rộng hay cuộc sống sung sướng. Thứ bà Hải mong mỏi duy nhất là có sức khỏe để đi làm nuôi con, nuôi cháu. Bà Hải tâm sự: “Ngoài ra tôi cũng chỉ ao ước làm sao tích cóp được một khoản tiền nho nhỏ để khi đổ bệnh hay “nhắm mắt xuôi tay” cũng không làm phiền đến các con, các cháu”.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/chuyen-cua-nguoi-dan-ba-de-nhieu-nhat-thu-do-i727238/