Chuyện của biệt đội cướp cơm Hà Bá trên sông Hàn

Thời gian gần đây, một số cầu trên sông Hàn (TP Đà Nẵng) bỗng 'nóng' vì trở thành điểm không ít người chọn gieo thân để trút những phiền muộn, đau khổ trong cuộc sống. Nhận tin, bất kể đêm hay ngày, nắng hay mưa, các chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng tức tốc lên đường cứu người. Nhiều người đặt tên cho lực lượng này là biệt đội 'cướp cơm Hà Bá'.

Đội PCCC và CNCH trên sông tổ chức lực lượng lặn tìm thi thể .nạn nhân nhảy cầu tự tử.

Đội PCCC và CNCH trên sông tổ chức lực lượng lặn tìm thi thể .nạn nhân nhảy cầu tự tử.

Chuyên "cướp cơm Hà Bá"

Từ khi thành lập đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông tham gia dập lửa hàng chục vụ cháy tàu, thuyền; cứu hàng chục người sống sót sau những vụ nhảy cầu tự tử và hàng trăm sự cố cần tìm kiếm, CNCH qua các vụ tai nạn, sự cố trên sông, biển. Bất kể thời gian nào, khi nhận được thông tin có người đuối nước, cần tìm thi thể, tang vật dưới sông, nước cần được hỗ trợ là cán bộ chiến sĩ của Đội CBCS lại tức tốc lên đường. Trong đó, nhiệm vụ cứu và tìm thi thể người nhảy cầu để lại không ít câu chuyện xót xa.

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ làm công tác PCCC và CNCH trên sông mới hay, cuộc chiến với "thủy thần" để vớt thi thể không hề đơn giản. Thiếu tá Lê Tuấn Anh- Đội trưởng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông cho hay, công tác CNCH trên cạn vốn đã khó thì CNCH dưới nước còn khó khăn gấp vạn lần. Trên thực tế, tìm kiếm thi thể đuối nước có độ rủi ro rất cao. Nếu non kinh nghiệm dễ dẫn đến chính bản thân trở thành nạn nhân. Vì vậy, công việc đòi hỏi các chiến sĩ phải đáp ứng những điều kiện cụ thể và phải trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt.

Theo đó, mỗi khi có ca cần cứu hộ trên sông biển, bên cạnh phương tiện là cano, Đội còn mang theo nhiều thiết bị như: bộ đồ lặn, phao tròn, dây thừng cứu hộ, áo phao, rà câu, mặt nạ, bình khí… Biển nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên người thực hiện tìm kiếm, cứu hộ phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về đâu để khoanh vùng tìm kiếm. Thông thường, với những người chết đuối thì theo quy luật 3 ngày xác sẽ nổi.

Nhớ lại lần đầu tiên vớt xác nạn nhân dưới lòng nước sâu, đa phần các chiến sĩ đều thấy tim đập, chân run khi chạm vào xác nạn nhân. Nhưng lâu dần thành quen, nghề đã tôi luyện tinh thần thép cho những người lính. Sau này mỗi lần nhận nhiệm vụ vớt xác nạn nhân dưới đáy sông, cả đội đều lẩm nhẩm khẩn cầu người bị nạn phù hộ cho mình nhanh tìm được thi thể để đưa họ trở về với gia đình. Chẳng nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người gặp nạn trên sông biển, vớt được bao xác nạn nhân, tìm được bao nhiêu tang vật vụ án, nhưng mỗi vụ việc đều để lại những ấn tượng khó phai.

Theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh, cầu Thuận Phước nằm ở cửa sông và biển nên có những hôm đi cano bị sóng đập dữ dội, buộc phải đi đường vòng mới đến được vị trí cần cứu hộ. Môi trường sông nước nguy hiểm, khi xuống đến đáy, tất cả đều tối tăm, mù mịt. Dưới nước có nhiều vật cản, có những đoạn nước chảy xiết, nhiều hố sâu, người lính cứu hộ phải dò theo hướng dây, tay chân mò mẫm bám theo sợi dây sinh tử ấy để tìm đường đi và đường về.

Tuy vậy, kể từ khi "nghề vận vào người", trong suốt những năm tháng vớt xác cứu hộ, những "thợ săn xác chết" chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi bất kỳ điều gì. Dù biết hiểm nguy là thế nhưng khi đã lựa chọn thì mỗi cán bộ chiến sĩ đều đồng lòng nghìn người như một để chiến đấu, giành giật với tử thần, nước xiết, tai nạn hiểm nguy mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Lực lượng PCCC và CNCH trên sông cứu sống 1 người nhảy cầu Thuận Phước trong đêm.

Lực lượng PCCC và CNCH trên sông cứu sống 1 người nhảy cầu Thuận Phước trong đêm.

Chỉ bỏ khi không còn sức để bơi, không còn hơi để lặn

Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông hiện tại có 19 người. Năm 2023, Đội tham gia 32 vụ CNCH trên sông. Số vụ cứu nạn cứu hộ đa số là tự tử trên sông Hàn, tập trung tại cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn. Năm 2024, chỉ trong 4 tháng và những ngày đầu tháng 5 vừa qua đã liên tiếp xảy ra gần 10 vụ nhảy cầu tự tử, tập trung tại cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn.

Thiếu tá Lê Tuấn Anh thổ lộ: "Trong nghề này, chúng tôi tiếp xúc với xác người chết nhiều hơn là cứu được người còn sống. Dù là thế nào, khi làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng xác định phải làm với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ để khi nhìn lại không phải cảm thấy tiếc nuối".

Đã biết bao lần Thiếu tá Tuấn Anh và đồng đội có cảm giác ngậm ngùi, xót xa khi đã nỗ lực hết sức để đến hiện trường nhanh nhất có thể nhưng nạn nhân đã không cầm cự được thêm. Nếu may mắn thì có người còn sống, song người mãi mãi lìa xa cuộc đời này lại chiếm phần nhiều.

Kể đến đây, ánh mắt Thiếu tá Tuấn Anh nhìn xa xăm như chất chứa bao nỗi niềm. Người Đội trưởng này chỉ mong, mỗi người chúng ta hãy biết trân quý hơn mạng sống của bản thân, thay vì chọn cách tiêu cực như gieo mình xuống dòng nước thì hãy tìm cách vượt qua chông gai trong cuộc sống, suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định điều gì.

Nghề "vượt sóng cứu người" này thường xuyên đối mặt với những tình huống nguy cấp, khó khăn. Thế nhưng các cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH luôn trong tâm thế không quản hiểm nguy, sẵn sàng xả thân thực hiện nhiệm vụ vì cuộc sống bình yên của người dân. Việc thường xuyên không có mặt cùng gia đình những ngày lễ Tết với các chiến sĩ dường như đã quá quen thuộc. Có lẽ, nếu không có bản lĩnh, tình yêu nghề và lòng thương người thì các anh không thể miệt mài làm công việc đó suốt bao nhiêu năm nay.

Sau những vụ CNCH, một số người nhà nạn nhân đã gửi những lá thư cảm ơn đến các cán bộ, chiến sĩ. Đó là sự động viên to lớn và ý nghĩa đối với cán bộ chiến sĩ Đội PCCC và CNCH trên sông Công an TP Đà Nẵng, xem đó là nguồn động lực để có thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình "Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ".

THANH AN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chuyen-cua-biet-doi-cuop-com-ha-ba-tren-song-han-post295333.html