Chuyến công du tìm cách 'dập lửa'

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Nỗ lực "dập lửa" không của riêng ai

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp gỡ các đối tác trong khu vực để thảo luận về các nỗ lực hiện nay nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, qua đó, đảm bảo các con tin được trả tự do. Cùng với đó là sự gia tăng viện trợ nhân đạo gần đây cho dải Gaza và tầm quan trọng của việc tiếp tục bổ sung viện trợ cho khu vực này.

Khói đen bốc lên sau một vụ tấn công tại TP Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Ảnh: DPA

Nội dung thảo luận cũng bao gồm tầm quan trọng của việc tránh xung đột lan rộng và nỗ lực đạt được hòa bình và an ninh lâu dài ở khu vực, bao gồm việc thông qua con đường hướng tới một Nhà nước Palestine độc lập với những đảm bảo an ninh cho Israel. Trong thời gian ở Saudi Arabia, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ tham gia một cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nhằm thúc đẩy sự phối hợp an ninh trong khu vực. Đồng thời tham dự cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia về hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển, nơi ông sẽ phối hợp với các đối tác của Mỹ "để bảo đảm tiến bộ liên tục trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng toàn cầu". Dự kiến, bên lề diễn đàn này, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Ngoại trưởng Antony Blinken, cùng các quan chức Ai Cập, Qatar, Saudi Arabia, Oman sẽ gặp nhau để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Theo Chủ tịch WEF Borge Brende, hiện đã có chút động lực cho các cuộc đàm phán về con tin và cũng có thể có một lệnh ngừng bắn. Chuyến công du tìm cách "dập lửa" của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra không lâu sau khi phái đoàn Ai Cập kết thúc chuyến thăm Israel để thảo luận về "tầm nhìn mới cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza". Theo một quan chức Ai Cập, các nhà hòa giải đang nỗ lực đạt được một thỏa hiệp nhằm đáp ứng hầu hết các yêu cầu chính của cả hai bên. Hamas tới nay vẫn yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ cả 2 yêu cầu trên, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi Hamas bị đánh bại và nước này sẽ duy trì sự hiện diện an ninh ở Gaza. Áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với cả hai nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Rafah. Đây là nơi hơn một nửa trong tổng số 2,3 triệu người dân Gaza đang nương náu. Ai Cập đã cảnh báo một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah có thể gây ra "hậu quả thảm khốc" đối với tình hình nhân đạo ở Gaza, làm trầm trọng hơn nguy cơ nạn đói và đe dọa an ninh, hòa bình khu vực. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: "Cuộc xung đột ở Gaza cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người Palestine khiến hơn 110.000 thường dân thương vong. Thời gian có nghĩa là sự sống. Sự tiếp diễn của cuộc xung đột ở Gaza là không thể chấp nhận được,… Việc cản trở những nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza là không thể tha thứ được".

Bước leo thang nguy hiểm

Israel và Hezbollah, một nhóm vũ trang thân Iran ở Lebanon, đang bị mắc kẹt trong một chu kỳ bạo lực gia tăng có nguy cơ leo thang hơn nữa sau cuộc giao tranh trực tiếp chưa từng có giữa Israel và Iran. Trong những ngày qua, hai bên đã tăng cường xung đột, làm gia tăng lo ngại rằng, bên này hoặc bên kia có thể tính toán sai lầm và gây ra một cuộc đối đầu căng thẳng hơn. Một kịch bản như vậy có thể dẫn đến thương vong và tàn phá trên diện rộng ở cả Lebanon và nước láng giềng Israel. Gần đây nhất, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 26/4 tuyên bố đã tấn công các tòa nhà quân sự nơi những thành viên Hezbollah đóng quân ở phía Nam Lebanon. Trong khi đó, Hezbollah đã tấn công IDF ở khu vực núi Dov phía Bắc Israel bằng tên lửa chống tăng. IDF sau đó đáp trả bằng hỏa lực pháo binh và lực lượng không quân Israel tấn công nhiều mục tiêu ở miền Nam Lebanon. Giới chuyên gia lưu ý, tránh một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Mỹ kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra, với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cử một quan chức cấp cao của Nhà Trắng thực hiện nhiều chuyến đi tới khu vực nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Những nỗ lực của phương Tây nhằm xóa bỏ sự liên kết giữa hai mặt trận đã không có kết quả. Hezbollah chỉ ngừng bắn trong thời gian ngắn, nhân lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần ở Gaza vào tháng 11 năm ngoái. Ông Rym Momtaz, nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại Paris, nói: "Đây là thời điểm có rủi ro cao nhất đối với mặt trận Hezbollah - Israel kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái. Có rất nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa nổ ra, mỗi bên đang kiểm tra giới hạn của bên kia thông qua các cuộc tấn công như vậy".

Xung đột gia tăng đáng kể giữa Israel và Hezbollah có thể là thảm họa cho cả hai bên. Trong cuộc chiến gần đây nhất giữa hai bên vào năm 2006, Israel đã ném bom sân bay dân sự ở Beirut và Hezbollah đã bắn tên lửa vào sâu lãnh thổ Israel. Hơn 1.100 người đã thiệt mạng ở Lebanon. Khoảng 120 binh sĩ và hơn 40 dân thường Israel đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Cả hai bên đã tăng cường lực lượng quân sự của mình trong gần hai thập niên kể từ đó, với việc Israel mua hệ thống phòng không mới và máy bay chiến đấu tiên tiến từ Mỹ, còn Hezbollah mua tên lửa mới và các vũ khí khác từ Iran. Hezbollah cũng có hàng nghìn binh sĩ có kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường trong cuộc nội chiến ở Syria và hệ thống đường hầm ở miền Nam Lebanon được cho là tương đương với mạng lưới ngầm của Hamas ở Gaza. Theo ước tính của Israel, Hezbollah có khoảng 150.000 tên lửa pháo binh và tên lửa đạn đạo vào năm 2015, trong khi các nhà phân tích an ninh cho rằng con số này đã tăng lên kể từ đó. Các nhà phân tích cho biết, Hezbollah che giấu quy mô kho vũ khí của mình nhằm duy trì lợi thế chiến lược trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Israel.

Mối đe dọa hủy diệt trên diện rộng đã khiến cả hai bên đều quan tâm đến việc đảm bảo cho xung đột không vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều đó đã khiến cả hai bên tin rằng, họ có thể tăng cường độ xung đột mà không gây ra một cuộc chiến tranh tổng lực. Chuẩn Tướng Assaf Orion, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel cho biết: "Dù cả hai bên đều hiểu rằng họ muốn tránh chiến tranh, nhưng họ lại thực sự cho phép mình ngày càng leo thang theo thời gian. Vì vậy, chừng nào còn giao tranh ở Gaza, Hezbollah sẽ tiếp tục các cuộc tấn công của mình, điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm".

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/chuyen-cong-du-tim-cach-dap-lua-i729652/