Chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ: Bài toán an ninh châu Á

Trong chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á để tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson phải thực hiện rất nhiều trọng trách.

Tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là chuyến đi đầu tiên tới Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây thực sự là chuyến đi mang nặng trọng trách với Ngoại trưởng Tillerson trong bối cảnh chính quyền ông Trump phải đối mặt với nhiều vấn đề ở châu Á sau hơn nửa năm đầu của nhiệm kỳ: Từ mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc và Nga cho tới việc Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Đặc biệt là việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần thứ hai.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, diễn ra từ 5-8/8 tại Thủ đô Manila của Philippines, ngoài cuộc chiến chống khủng bố... tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được đặc biệt nhấn mạnh. Tại đây, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, sẵn sàng tiến hành các cuộc thảo luận hiếm hoi với người đồng cấp Ri Yong-ho của Triều Tiên.

Tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là chuyến đi đầu tiên tới Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Kang Kyung-wha nhấn mạnh, bất kỳ cuộc gặp nào với người đồng cấp Ri Yong-ho là một cơ hội để "truyền tải mong muốn của Seoul tới Bình Nhưỡng nhằm chấm dứt các hành động khiêu khích và phản ứng tích cực với những đề xuất đặc biệt mới đây của Hàn Quốc (cùng đối thoại) nhằm thiết lập một chế độ hòa bình".

Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cũng có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về hợp tác trong việc đối phó với những mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.

Với Mỹ, dù cho trong nhiều bài phát biểu, Tổng thống Trump bày tỏ sự “hết kiên nhẫn” với hành động thử tên lửa của Triều Tiên, song chính quyền Washington dường như vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “gây áp lực một cách ôn hoà” với Bình Nhưỡng.

Gây sức ép với Bình Nhưỡng qua ngoại giao và các đối tác cũng là điều lặp lại tại lần tới châu Á này của ông Tillerson.

Vấn đề an ninh châu Á luôn là mối quan ngại lớn với Mỹ, bởi điều này có thể gây ảnh hưởng tới các lợi ích cũng như đồng minh của Washington. Theo giới chuyên gia, chuyến đi của ông Tillerson lần này là cơ hội cho chính quyền của ông Trump mở rộng cam kết với các đồng minh, đối tác lớn tại khu vực, những bên quan trọng đối với việc gia tăng các lợi ích của Mỹ.

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tillerson là Philippines, bởi ngoài vai trò là Chủ tịch ASEAN và là bên lên kế hoạch cho chương trình nghị sự ASEAN lần này, Manila còn là một đồng minh của Mỹ.

Philippines là bên có liên quan trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông và đang là một trong những nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang muốn xâm nhập để mở rộng ảnh hưởng vào Đông Nam Á.

Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tìm cách tái cân bằng sự liên kết của nước này với Washington và đang tìm kiếm một loạt các mối quan hệ rộng lớn hơn bao gồm với cả Bắc Kinh và Moscow, chính quyền Tổng thống Duterte và bản thân ông cũng nhận ra đang tồn tại sự hội tụ lợi ích về nhiều vấn đề như chống khủng bố cũng như mối liên kết thể chế sâu xa giữa Washington và Manila.

Đến Manila, ông Tillerson cũng nhằm xây dựng mối quan hệ để chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh dự kiến giữa ông Duterte và ông Trump vào cuối năm nay.

Sau các cuộc gặp gỡ và đàm phán với các đối tác nước ngoài tại Hội nghị Ngoại trưởng ở Manila, Ngoại trưởng Mỹ cũng dừng chân ở Thái Lan, một đồng minh hiệp ước khác của Washington ở Đông Nam Á. Mặc dù mối quan hệ Mỹ, Thái Lan đã trở nên lạnh nhạt sau những biến động tại chính trường Bangkok năm 2014, giữa hai nước vẫn có sự gắn kết.

Hai nước đã tổ chức thành công Đối thoại chiến lược Mỹ-Thái Lan phiên thứ sáu, một tín hiệu về sự tiếp tục tiến trình bình thường hoá các mối quan hệ, dù còn chậm chạp, được tiếp nối từ thời chính quyền ông Obama.

Để kết thúc chuyến công du ASEAN, ông Tillerson tới thăm Malaysia. Mối quan hệ Mỹ-Malaysia đã ấm dần lên đáng kể dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama, với việc hai bên nâng mức quan hệ lên đối tác toàn diện trong chuyến thăm của ông Obama tới Malaysia...

Xem thêm >> FBI truy lùng dấu vết của Nga qua mạng xã hội trong ngày bầu cử Mỹ

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-cong-du-dong-nam-a-dau-tien-cua-ngoai-truong-my-bai-toan-an-ninh-chau-a-a334811.html