Chuyện công an chính quy 'cắm bản' và những đổi thay không ngờ ở xã biên giới

Đến nay, xã biên giới Kim Thủy đã có nhiều đổi thay tích cực. Đó là kết quả sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công an xã chính quy về 'cắm bản'.

Kim Thủy là xã biên giới, có diện tích tự nhiên chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) với gần 500km2, chủ yếu là bà con dân tộc Bru – Vân Kiều sinh sống.

Cuối năm 2019, 5 cán bộ chiến sỹ đã được Công an tỉnh bố trí về đảm nhiệm các chức danh công an xã tại đây. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt là thách thức không nhỏ đối những chiến sỹ Công an xã Kim Thủy trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại vùng biên này.

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, Công an xã Kinh Thủy đã đi đến từng bản, từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, hạn chế nạn du canh du cư, giúp bà con dần dần thoát cảnh nghèo đói, ổn định đời sống.

Ruộng lúa nước của người dân xã Kim Thủy.

Già làng Hồ A Lai ở bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy là tấm gương về phát triển kinh tế của bản. Trước đây, gia đình già Hồ A Lai thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ nguồn vốn từ chính quyền, gia đình ông đã tiến hành khai hoang trồng lúa nước 2 vụ/năm, đào ao thả cá. Ngoài ra, tận dụng lợi thế của vùng gò đồi, gia đình ông còn khai hoang để trồng thêm cây keo lai, bạch đàn…

Đến nay gia đình ông đã sở hữu trang trại hàng chục héc ta rừng trồng và một mô hình vườn ao chuồng khá quy mô. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của già làng Hồ A Lai, Công an xã Kim Thủy đã nhân rộng mô hình trồng lúa nước này đến một số bản biên giới xa xôi…

Ông Hồ A Lai, phấn khởi cho biết, từ ngày lực lượng công an chính quy được điều động về địa phương, Ông Hồ A Lai và những hộ dân của bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy không còn mối lo về nạn trộm cắp, phá hoại tài sản. Họ chuyên tâm làm ăn phát triển kinh tế, vì việc đảm bảo an ninh trật tự, xóa bỏ các loại tệ nạn đã có Công an xã Kim Thủy lo liệu.

Công an xã Kim Thủy gặp gỡ, trao đổi công việc cùng những người có uy tín trong xã.

Vài năm về trước, người dân ở xã Kim Thủy có thói quen sử dụng súng tự chế, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh để săn bắn động vật hoang dã. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự.

Xác định công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân có ý nghĩa quan trọng đối với việc đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, nên mỗi lần xuống cơ sở, mỗi cán bộ công an xã đều không quên kết hợp việc tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí.

Nhờ vậy mà hơn 3 năm qua, người dân xã Kim Thủy đã giao nộp hàng chục loại vũ khí tự chế và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở cơ sở mà ngay từ ngày đầu, lực lượng Công an xã Kim Thủy triển khai thực hiện khá triệt để.

Được sự vận động của công an, người dân tự nguyện giao nộp nhiều vũ khí công cụ hỗ trợ, súng tự chế.

Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt là thách thức không nhỏ đối những chiến sỹ công an xã Kim Thủy. Nhất là việc hoàn thành đề án thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ phải nói là một nhiệm vụ cực kì khó khăn. Tuy vậy, với sự nỗ lực ngày đêm không biết mệt mỏi, đến nay, những chiến sỹ công an xã Kim Thủy đã giúp rất nhiều gia đình hoàn thành các thủ tục về nhân thân một cách hợp pháp.

Trung tá Dương Công Tư, Trưởng Công an xã Kim Thủy cho biết: “Chúng tôi đi về từng nhà giúp bà con tìm kiếm lại các giấy tờ tùy thân, người nào không có thì chúng tôi lục lại toàn bộ những giấy tờ tùy thân. Chúng tôi thống nhất lại với tư pháp xã, thống nhất xong thì làm lại giấy tờ cho bà con. Đến nay, dữ liệu quốc gia của xã Kim Thủy đạt 99% đã đúng, đủ và sạch. Nhiều người gọi chúng tôi là “Bố công an, mẹ tư pháp” vì đi khai sinh cho rất nhiều người…”.

Công an xã Kim Thủy khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn.

Bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, chung tay hỗ trợ người dân thoát nghèo, lực lượng Công an xã Kim Thủy cũng đã tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội.

Ông Hồ Song, Trưởng bản An Bai, cho biết, trước đây bà con sống dựa vào tự nhiên, cuộc sống bấp bênh, thường xuyên thiếu ăn. Từ khi được chính quyền quan tâm, nhất là các anh công an chính quy mới về đã đến tận nhà giúp bà con sửa chữa nhà cửa, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Từ khi các anh về, bà con được hiểu biết pháp luật hơn, an ninh trật tự thôn bản tốt hơn. Bạo lực gia đình, khai thác lâm sản giảm rất rõ rệt…

Ông Hồ Viết Tình, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết, lực lượng Công an xã thường xuyên báo cáo và tham mưu Đảng ủy, Ủy ban xã giải quyết khá hiệu quả các vấn đề về an ninh trật tự. Nhờ có Công an chính quy nên Đảng ủy, Ủy ban xã rất yên tâm về tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Khi có sự việc xảy ra trên địa bàn thì cơ động xử lý tình huống nhanh, kịp thời…

Những đồi trọc ở vùng biên Kim Thủy ngày được phủ xanh bởi các mô hình trồng rừng gỗ lớn. Những ruộng lúa nước 2 vụ mà trước đây người Bru – Vân Kiều chưa từng nghĩ tới đã dần thay thế những khoảnh lúa rẫy ít năng suất, những mô hình chăn nuôi tập trung các loại gia súc, gia cầm dần hình thành đang góp phần làm “thay da đổi thịt” bộ mặt nông thôn vùng bản làng nơi biên giới… Tất cả sự đổi thay tích cực ấy, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công an xã chính quy ngày đêm chăm lo cho sự nghiệp an ninh Tổ quốc.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-cong-an-chinh-quy-cam-ban-va-nhung-doi-thay-khong-ngo-a656028.html