Chuyện cô Thảo làm sách

Sau hai năm thành lập, Anbooks, một công ty 'mới toanh' trên thị trường, đã có năm đầu sách, trong đó có đầu sách đã bán được 23.000 cuốn và sắp sửa tái bản lần thứ sáu, có cuốn mới phát hành ba tháng đã đạt mốc 12.000 bản, tái bản ngay trong tuần đầu ra mắt... Những điều đó đang giúp Ngô Phương Thảo chứng minh suy nghĩ của mình: 'Sách sẽ trở lại, văn hóa đọc không chết' khi chị bắt đầu khởi nghiệp với sách.

Chị Ngô Phương Thảo (bên phải) trong buổi ra mắt sách của Anbooks. Ảnh: Minh Tâm

Trước khi lập ra Anbooks cách đây hai năm, Ngô Phương Thảo là một gương mặt khá quen thuộc trong giới truyền thông, tiếp thị. Chị từng viết báo, phụ trách truyền thông cho một công ty trong ngành dệt, cho một công ty bánh kẹo giữa lúc doanh nghiệp này đang gặp khủng hoảng khi mối quan hệ với cổ đông nước ngoài ở tình cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”... Trước đó nữa chị là nhà phân phối điện thoại, sim số khá có tiếng ở khu vực Đông Nam bộ với hệ thống bạn hàng từ Đồng Nai lên Bình Phước, Tây Ninh, Bảo Lộc...

Tìm về và chấp nhận chính mình

Dù thành công như vậy nhưng Thảo nói chị không cảm thấy hạnh phúc, vẫn không thấy đó chính là con người mình. Vì vậy, chị quyết định quay lại với nghề làm sách, nghề mà chị yêu thích từ nhỏ, nghề mà chị chọn ngay khi mới ra trường, làm biên tập viên nhận lương ba bốn triệu đồng mỗi tháng... Và rồi sau cùng, dù không xác định kinh doanh là nghề nghiệp, chị vẫn lựa chọn bắt đầu con đường của chính mình, với sách, bằng Anbooks, hồi tháng 10-2015, khi tròn 35 tuổi.

Nhưng tại sao lại là sách giữa thời điểm mà ai cũng nói về việc văn hóa đọc đang xuống dốc, và sách giấy đang có nguy cơ chết? Thảo từng bị nhiều người cười giữa cuộc họp khi đưa ra nhận định lạc quan về thị trường sách Việt Nam và dự báo rằng sách sẽ trở lại. Thảo lý giải, giữa thời buổi mà mọi thứ đang thay đổi và không ít người gặp khủng hoảng về giá trị sống, băn khoăn với câu hỏi mình là ai, mình cần làm gì, thì người ta sẽ tìm đến sách, lật giở cuộc đời của các vĩ nhân, những dòng lịch sử, những trang tự sự... để tìm câu trả lời, để rồi thay đổi, lựa chọn và quyết định. Theo chị, vấn đề cốt lõi là làm sao để những người đó dễ dàng tìm được cuốn sách phù hợp, tiếp nhận được những thông điệp và có thể áp dụng để bớt hoang mang trong đời.

Và cũng vì vậy, với Thảo, chọn nghề làm sách, thông qua những cuốn sách, chị muốn góp chút sức nhỏ của mình để nhiều người cùng thay đổi theo hướng tốt hơn. Càng nhiều người thay đổi tích cực thì xã hội càng đổi thay, càng tốt đẹp. Nó giống như một hạt mầm được gieo xuống một mảnh đất cằn khô rồi lớn dần lên, thành một cái cây và phủ bóng mát cho chính mảnh đất đó.

Vì chọn sách, lại là dòng sách ứng dụng (với mục tiêu mỗi người đọc xong cuốn sách đều có thể đứng lên bắt đầu làm một việc cụ thể nào đó để thay đổi con người mình), nên Thảo nói chị học được rất nhiều.

Để có thể trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về cách mạng 4.0 (chẳng hạn) chị đã phải đọc rất nhiều tư liệu liên quan từ trước. Đó là chưa kể, chị còn học được từ cuộc đời họ, cách họ suy nghĩ, tư duy, hành động và cả những trả giá để có được thành công... Chị nhận ra, mỗi tác giả là một bài học sống động về cuộc sống, về hạnh phúc. Cơ hội được học hỏi diễn ra tự nhiên, sau đó trở thành thói quen tự thân. Càng gặp nhiều người giỏi thì càng trả mình về đúng giá trị vốn có.

Với nhiều “cái được” như vậy nên chị không hề coi việc thiếu đi nhiều mối quan hệ bạn bè rộng lớn trong cuộc sống khá “lào xào”, vui nhộn trước đó hay không có nguồn thu nhập ổn định như khi làm ở các công ty lớn... là sự trả giá đặc biệt.

Mô hình làm sách mới

Khi chuẩn bị bắt tay vào làm sách, chị đứng trước hàng loạt câu hỏi lớn: Làm sách như thế nào? Phải thay đổi tư duy nào? Bán những cuốn sách đó bằng cách nào?...

Suy nghĩ, gặp gỡ nhiều người, cuối cùng chị chọn tập trung vào ba dòng: kinh tế ứng dụng, giáo dục ứng dụng, tâm lý ứng dụng. Đó là những lĩnh vực mà chị cho là nền tảng quan trọng để thay đổi những thứ khác.

Chị làm sách giáo dục với ước mong trao truyền cho những người trẻ tư duy làm chủ cuộc sống của chính mình, dứt bỏ tư duy làm thuê vốn đã tồn tại nhiều năm theo nền kinh tế lấy gia công và bán tài nguyên thô làm trụ cột. Làm sách tâm lý với ước mong giúp mọi người cân bằng, trở lại là chính mình khi khủng hoảng, bối rối với những thay đổi chóng mặt của đời sống hội nhập, giao thoa giữa cũ và mới, giữa những hệ giá trị đối lập và mâu thuẫn nhau. Làm sách kinh tế với ước mong cập nhật những xu thế mới, nguyên lý mới của đời sống kinh tế thế giới, để có thêm nhiều công dân toàn cầu từ Việt Nam; ước mong có một thế hệ trẻ Việt Nam tỏa ra thế giới với tâm thế vững vàng...

Có sách rồi thì phải bán được, giải được bài toán doanh thu để có sức nuôi quân, tái đầu tư. Không thể nói sách của mình là hay nhất vì những thứ như thế trên thị trường đã có cả triệu cuốn, cũng đừng nghĩ sách có thể nghiễm nhiên lên kệ khi không có tiền làm truyền thông, quảng bá và trả cho hệ thống phân phối. Phải chọn cách làm khác: đó là để những cuốn sách tự tìm đường đến với độc giả của mình. Để làm được điều đó, bản thân mỗi cuốn sách phải có câu chuyện của chính nó.

Lúc này, câu hỏi được đặt ra là làm sao làm được những cuốn sách đủ sức hấp dẫn thu hút những cây bút giới thiệu sách, chinh phục các follower (người theo dõi) trên Facebook, hay cho mọi quyết định bỏ tiền mua sách? Mấu chốt chính là ở mô hình làm sách. Lâu nay, cách làm phổ biến của các công ty là chọn mua sách từ nước ngoài về, tổ chức dịch rồi đưa lên kệ (khoảng 70% trên thị trường), hoặc chọn cách xuất bản sách của các tác giả trong nước có tên tuổi trên thế giới mạng, những người đã luôn có sẵn người hâm mộ nên sách rất dễ bán. Chị Thảo chọn cách ngược lại.

Chị đặt ra các vấn đề rồi tìm người giải quyết vấn đề đó bằng cách viết ra cuốn sách. Tác giả của Anbooks vì vậy khá lạ, hầu hết là những người chưa bao giờ nghĩ sẽ viết sách, như Thi Anh Đào (Giám đốc điều hành của Công ty Isobar Vietnam, thuộc Dentsu Aegis Network, người được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes U30) vừa ra cuốn Nhìn. Hỏi. Rồi nhảy đi!, hoặc như trường hợp chị Nguyễn Phi Vân, người đã có 20 năm làm việc ở 63 đất nước đã viết cuốn Quảy gánh băng đồng ra thế giới... Tác giả của Anbooks thường có chuyên môn sâu trong lĩnh vực họ hoạt động, có trải nghiệm rất đời để mỗi câu chữ viết ra đủ sức nặng, thuyết phục, nhưng đồng thời cũng giản dị, gần gũi.

Thảo thừa nhận, chọn mô hình làm sách như vậy là tốn sức hơn bình thường, vì phải nghĩ ra vấn đề, và đôi khi phải can thiệp vào cấu trúc của một cuốn sách. Trong khi đó, để cuốn sách tự làm nên sức sống của nó, người làm sách phải để tác giả thể hiện được dấu ấn cá nhân của họ trên cuốn sách đó, từ bài học cuộc đời cho đến bài học chuyên môn. Chị hiểu người viết sách phải trọn vẹn với thông điệp của họ, thì mới có bài học cho độc giả chiêm nghiệm, nhưng nhà sản xuất thì phải biết cách khai thác và cân bằng giữa yếu tố cá nhân của tác giả cùng hàm lượng chuyên môn của họ, với thói quen đọc của thị trường. Việc cần có một biên độ điều chỉnh phù hợp, hài hòa như thế, Thảo gọi là “tư duy tải đạo”.

Và vì không có nhiều tiền cho việc quảng cáo, nên khi lên kế hoạch xuất bản Thảo cũng đồng thời triển khai song song kế hoạch cho tác giả tiếp thị sách, số lượng sách bán được càng nhiều thì tiền tác quyền càng lớn. Đó là lý do vì sao chị Nguyễn Phi Vân sau khi ra sách lại đi đến mấy chục trường đại học để nói chuyện, “bật nút công dân toàn cầu” truyền cảm hứng làm thế nào để ra thế giới. Hay sau khi cuốn Dạy con trong hoang mang được xuất bản, tác giả của cuốn sách là Tiến sĩ Lê Nguyên Phương từ nước Mỹ xa xôi đã có các buổi giao lưu trực tuyến (livestream) trên Facebook để nói chuyện với độc giả trong nước...

Và cũng vì làm khác nên Thảo đã đặt dân công nghệ làm QR code (độc giả scan mã in trên sách bằng điện thoại) để đọc được những thông tin ngoài sách, như một bài báo, một đoạn phim; triển khai ứng dụng messenger code (công cụ chat trên Facebook) ngay từ những ngày đầu tiên ứng dụng này được Facebook chính thức công bố, để độc giả có thể tương tác trực tiếp với tác giả. Sắp tới đây, sẽ là QR code định vị để chăm sóc độc giả và triển khai bản đồ phân phối cho độc giả của Anbooks. Ứng dụng này cho phép nhà sản xuất biết được điểm bán nào hoạt động hiệu quả, từ đó có chính sách chăm sóc kênh phân phối và độc giả hiệu quả hơn.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165492/chuyen-co-thao-lam-sach.html