Chuyện chưa kể về giai thoại 'lời sấm truyền' và dòng họ 5 đời đỗ tiến sĩ

Dòng họ Ngô (ở Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) được mệnh danh là 'tứ lệnh tộc' vùng Kinh Bắc xưa, nổi bật với truyền thống khoa bảng.

LỜI TÒA SOẠN

Với tuyến Mảnh đất, dòng họ khoa bảng, VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả các câu chuyện về những dòng họ, vùng đất nổi danh một thời về con đường học tập, rèn luyện. Nơi đây không chỉ có những danh nhân đỗ đạt, đóng góp lớn cho quê hương, đất nước, họ còn để lại cho hậu thế gia tài quý báu về tấm gương học tập, cống hiến và nguồn tri thức văn hóa - giáo dục. Dưới đây là câu chuyện về làng Vọng Nguyệt - vùng đất địa linh nhân kiệt của tỉnh Bắc Ninh.

Dòng họ 10 đời đỗ đại khoa

Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, họ Ngô lệnh tộc (một trong tứ lệnh tộc ở Bắc Ninh được vua ban chữ vàng khen thưởng vì thành tích học tập) ở làng Vọng Nguyệt được mệnh danh là dòng họ “ngũ đại liên trúng” (5 đời liên tiếp đỗ đại khoa).

Tìm về làng Vọng Nguyệt vào một buổi chiều, chúng tôi được ông Ngô Văn Hảo, đời thứ 17, hiện là trưởng họ trông coi nhà thờ tổ họ Ngô ở Vọng Nguyệt, giới thiệu chi tiết các đời của gia tộc.

Gian tiền tế của nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô (xã Tam Giang, huyện Yên Phong).

Ông Hảo kể, cụ tổ là Ngô Nguyên, di cư về Vọng Nguyệt sau vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (năm 1442). Di cư rồi định cư luôn ở Vọng Nguyệt, Ngô Nguyên được vị quan họ Chu cho nương nhờ, sau gả con gái là Chu Thị Bột (tức bà Thí Thóc).

Họ có với nhau 2 con trai. Khi cụ tổ bà Chu Thị Bột qua đời, 2 con trai mỗi người một chí. Con trưởng là Ngô Ngọc (1451-1519) ở lại Vọng Nguyệt tu chí học hành, con thứ là Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) lập nghiệp và cũng học hành chăm chỉ.

Lăng mộ tiến sĩ Ngô Nhân Triệt.

Họ Ngô lệnh tộc chính thức phát về đường khoa bảng từ đời cụ Ngô Ngọc. Trên văn bia nhà thờ ghi rõ: Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487), Ngô Ngọc đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp); con thứ hai của cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508); cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580); con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607); con trai thứ của Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn (1595-?) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640).

"Nhánh thứ 2 của họ Ngô lệnh tộc đứng đầu là cụ Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) cũng học hành chăm chỉ và có 5 đời đỗ tiến sĩ. Như vậy, tính tổng 2 nhánh, họ Ngô lệnh tộc có 10 đời đỗ tiến sĩ. Họ Ngô lệnh tộc Nghệ An và Bắc Ninh vẫn giữ mối liên hệ khăng khít", ông Hảo kể.

Năm 2015, nhà thờ 5 tiến sĩ họ làng Vọng Nguyệt được xếp hạng di tích quốc gia.

Theo ông Hảo, năm 2015 nhà thờ 5 tiến sĩ họ làng Vọng Nguyệt được xếp hạng di tích quốc gia. Đến năm 2022, Nhà nước hỗ trợ cho họ Ngô 500 triệu đồng để tu sửa lại nhà thờ.

Những giai thoại xưa

Xung quanh sự đỗ đạt vinh hiển của dòng họ Ngô lệnh tộc có rất nhiều giai thoại. Làng Vọng Nguyệt vốn là một vùng đất văn vật của xứ Kinh Bắc xưa. Tương truyền, thời đó người Tàu sang nước Nam ta làm ăn, buôn bán rất nhiều, trong đó có cả những thầy địa lý.

Trong gia phả họ Ngô lệnh tộc hiện còn nhắc đến câu chuyện về một thầy địa lý bí ẩn, từ phương xa đến ở tạm trong làng. Người này sau nhiều ngày xem xét, tìm hiểu bèn đi khắp làng rao “lời sấm” rằng: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”. Người này cứ đi khắp làng rao những lời khó hiểu, hết mấy ngày mà chẳng ai để ý, hỏi han.

Duy chỉ có cụ tổ họ Ngô làng Vọng Nguyệt thấy sự việc trên lấy làm hiếu kỳ và mời vị khách vào nhà làm cơm, ân cần khoản đãi.

Gian thờ chính có bộ bát bửu.

Sau bữa cơm, cụ lựa lời hỏi thăm thâm ý bên trong lời rao đó của người khách, ông này cười nói: “Tôi thấy ông có phúc phận, được hưởng lộc trời nên cứ quanh quẩn nơi đây. Nay ông đã có lòng hỏi đến, tôi cũng không giấu. Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng nó làm nhà thờ họ sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người hữu phước cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”.

Nói xong, thầy địa lý liền giải thích cho cụ tổ họ Ngô biết về nội dung câu sấm truyền và chỉ cho cách đặt hướng nhà thờ họ.

Nhà thờ họ Ngô xây dựng để tưởng niệm các vị tổ phụ, tổ mẫu có công sinh thành nuôi dưỡng và các danh nhân khoa bảng của dòng họ.

Địa điểm đặt nhà thờ ứng với hai câu sấm là “vườn quýt, ao Lác”. Đây là một thế đất đẹp, vốn là một vườn quýt bỏ hoang, đằng trước là một cái ao mà người trong làng gọi là ao Lác hay ao Gáo.

Dưới ao Lác lại có một cái giếng tròn, rất sâu, bùn ở ao không bao giờ lấp đầy được. Từ "vườn quýt" trông về phía Tây Bắc có nổi một cái gò lớn, tạo thành thế Huyền Vũ trong phong thủy.

Ông Ngô Văn Hảo, đời thứ 17 của họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt.

Hình thế đất mở rộng ở phía sau, hẹp ở phía trước tạo thành thế “mở hậu bó tiền” dốc dần về phía ao. Phía đông bắc của “vườn quýt” có một ngõ cụt chấm vào đất nhà thờ, hình dạng giống như một cái bút nghiên, đặt lên một cái tráp đựng sách. Đi đôi với ngõ đó là một rãnh nước chảy dài đổ xuống ao tạo thành thế Thanh Long của phong thủy.

Họ Ngô làng Vọng Nguyệt là một trong những dòng họ nổi tiếng vùng Kinh Bắc vào thời Lê bởi 5 đời liền có người đỗ Đại khoa.

Bên tay phải “vườn quýt” là một ngõ dài khác chạy xuống, song song với rãnh nước kia tạo thành thế Bạch Hổ. Cứ như vậy, xung quanh “vườn quýt” có nhiều ngõ khác chạy đâm thẳng xuống ao Lác. Nếu trông từ dưới lên rất giống một bàn tay 5 ngón xòe rộng.

Tất cả những đặc điểm đó, phong thủy gọi là thế long chầu, hổ phục, lại có giếng trời giữa ao như gương từ mẫu cho đời sau soi vào. Thế đất như vậy quả thật rất hiếm, không dễ gì thấy được ở vùng này. Nếu dùng mảnh đất này lập nhà thờ, con cháu sau này tất sẽ hiển vinh.

Câu chuyện trên như là giai thoại nhưng kỳ lạ là địa điểm đặt nhà thờ tổ họ Ngô trong truyền thuyết vẫn còn, trên nền vườn quýt, ao Lác xưa trong làng Vọng Nguyệt. Không ai dám chắc những giai thoại này là căn cứ chứng minh đường phát khoa bảng của họ Ngô lệnh tộc nhưng có một điều không thể phủ nhận, dòng họ Ngô là một dòng tộc lớn có nhiều đóng góp trong lịch sử của dân tộc.

Theo ông Hảo, hiện nay trong dòng họ Ngô có 3 tiến sĩ, các con cháu trong dòng họ vẫn tiếp tục học theo cha ông làm nổi danh dòng họ.

"Ngay từ đầu những năm 1990, một người con của dòng Ngô lệnh tộc là PGS.TS Ngô Quý Ty đã về quê khởi nguồn xây dựng phong trào gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt. Phong trào ra đời sớm nhất Hà Bắc sau có rất nhiều tổ chức khuyến học trong tỉnh học tập", ông Hảo cho hay.

Mộ cụ tổ bà Chu Thị Bột (tức bà Thí Thóc) ở đầu làng Vọng Nguyệt.

Theo ông Hảo, làng Vọng Nguyệt có 11 dòng họ nhưng riêng số học sinh là con cháu họ Ngô lệnh tộc đỗ đại học hàng năm chiếm non nửa trong làng. "Năm cao điểm, họ Ngô lệnh tộc có tới hơn 20 học sinh đỗ đại học", ông Hảo chia sẻ.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-chua-ke-ve-giai-thoai-loi-sam-truyen-va-dong-ho-5-doi-do-tien-si-2257519.html